DMagazine

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền

(Dân trí) - Khi biết chị Duyên yêu và sẽ kết hôn với chàng trai nằm liệt giường, gia đình hai bên ra sức can ngăn, phản đối. Vượt qua mọi rào cản, chị quyết định đi theo "tiếng gọi" của tình yêu.

Khi biết chị Duyên yêu và sẽ kết hôn với chàng trai nằm liệt giường, gia đình hai bên ra sức can ngăn, phản đối. Vượt qua mọi rào cản, chị quyết định đi theo "tiếng gọi" của tình yêu.

Căn nhà mái thái khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên (35 tuổi) và anh Nguyễn Văn Huy (37 tuổi) nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn 4, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhìn cơ ngơi bạc tỷ này của vợ chồng trẻ, không ít người "ngả mũ" thán phục bởi nghị lực phi thường của họ.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 1

Cách đây 14 năm, đám cưới đặc biệt giữa chị Duyên và anh Huy từng xôn xao cả một làng quê. Trong đám cưới, bạn bè, người thân và bà con hàng xóm vô cùng xúc động khi chứng kiến cô dâu lên xe hoa cùng chú rể bị tàn tật.

Vốn sinh ra bình thường như bao người, nhưng khi 16 tuổi, anh Huy bất ngờ mắc chứng bệnh lạ, bị viêm cột sống dính khớp.

"Tai họa ập đến quá bất ngờ, lúc đó tôi đang đi học thì thấy đau nhức ở sống lưng. Những ngày sau đó bệnh tình càng nặng, tôi không thể xoay người, những đốt xương sống cứ dính chặt vào nhau, cứng như khúc củi. Khi đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị bệnh viêm cột sống dính khớp, không thể chữa được. Lúc đó tôi như đổ sập", anh Huy nhớ lại.

Mặc dù được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Hai khớp xương háng của anh Huy cũng bị ảnh hưởng khiến anh không thể đi lại được. Mắc bệnh ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, cuộc sống của chàng trai bế tắc đến cùng cực.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 3

"Có những lúc tôi buồn tủi, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Trong khi bạn bè đi chơi, vui đùa, đến lớp học thì mình phải nằm một chỗ. Từ ăn uống, sinh hoạt đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ", anh Huy nhớ lại tuổi thơ với những ký ức không thể nào quên.

Kể từ khi bị bệnh, anh Huy quanh quẩn trên chiếc giường, thi thoảng dùng điện thoại trò chuyện với một vài người bạn cũ cho vơi bớt nỗi buồn. Cũng thời điểm này, anh gặp lại chị Duyên, một người quen từ thuở ấu thơ.

Sau những lần trò chuyện, chị Duyên đem lòng cảm mến và yêu thương anh. Đến khi tình cảm giữa hai người ngày một lớn, chị Duyên gọi điện muốn đến thăm anh thì bất ngờ anh nói mình là người khuyết tật, chỉ nằm trên giường.

Dù đã biết trước hoàn cảnh của anh Huy nhưng chị Duyên vẫn muốn gặp mặt. Chị quyết định đạp xe đến nhà để thăm anh. Trong ngày đầu gặp nhau, đã nghe anh nói qua về bản thân nhưng chị Duyên vẫn sững sờ khi thấy anh Huy nằm trên giường với cơ thể tàn tật. Sau khi lắng nghe câu chuyện cuộc đời đầy biến cố của anh Huy, chị càng thêm yêu chàng trai trẻ.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 5

"Khi gặp nhau, tôi thấy thương anh lắm. Kể từ lần gặp đó, trong tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến anh. Mỗi ngày tôi đều đạp xe đến để thăm anh, chúng tôi yêu nhau cũng từ lần gặp đó", chị Duyên tâm sự.

Còn anh Huy, sau khi đón nhận tình yêu từ bạn gái, anh đã nhận được nhiều ý kiến từ bạn bè và người thân. Đa phần hoài nghi và cho rằng mối tình này sẽ không có tương lai. Vì vậy mà nhiều lần anh không muốn gặp chị, vì sợ người phụ nữ mình yêu sẽ vất vả, khổ sở. Nhưng dù cho anh nói thế nào, cô gái trẻ vẫn nhất quyết yêu và đến bên anh.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 7

Đầu năm 2008, khoảng vài tháng sau khi hai người đem lòng yêu nhau, anh Huy được gia đình đưa ra bệnh viện ở Hà Nội để phẫu thuật thay xương háng, với hy vọng có thể đi lại được.

Cũng trong thời gian này, chuyện tình của "cặp đôi đũa lệch" gặp nhiều biến cố. Biết tin hai người yêu nhau, bố mẹ, người thân của hai bên gia đình ra sức can ngăn, phản đối. Chị Duyên bị anh trai sắp xếp đưa vào TPHCM để làm việc.

"Anh trai và bố mẹ khuyên can chúng tôi nên bỏ nhau vì sợ tương lai sau này sẽ khổ. Còn bố mẹ anh Huy cũng khuyên can hai đứa nên bỏ nhau, không được qua lại", chị Duyên nhớ lại.

Trước sự can ngăn của gia đình, khoảng tháng 3/2008, chị Duyên được anh trai sắp xếp đưa vào TPHCM làm việc. Thời gian này, chị không ngừng nhớ thương về anh Huy.

Làm việc ở TPHCM được ít tháng, chị quyết định bỏ việc rồi bắt xe ra tận Hà Nội để thăm người yêu. Trong bệnh viện, hai người gặp nhau, ánh mắt buồn rười rượi rồi ôm nhau khóc.

Thấy cô gái trẻ cứ nằng nặc ở lại chăm con trai, bà Đỗ Thị Tuất (75 tuổi, mẹ anh Huy) không đồng ý, khuyên bảo cô nên trở về nhà. Thế nhưng, chị Duyên vẫn không bỏ cuộc, nhiều ngày sau đó chị không về nhà mà ở lại bệnh viện để chăm anh Huy.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 9

"Tôi có nói thế nào thì Duyên vẫn không từ bỏ. Thậm chí có lần tôi đuổi ra khỏi phòng bệnh nhưng hôm sau lại thấy Duyên đến. Chẳng biết làm thế nào nữa nên tôi phải đồng ý để 2 đứa đến với nhau", bà Tuất nhớ lại.

Đầu năm 2009, anh Huy xuất viện về nhà trong niềm vui của cả gia đình. Sau khi phẫu thuật thay xương háng anh đã đi lại được. Lúc này, tình cảm của anh và chị Duyên cũng được hai bên gia đình đồng ý và tán thành. Không lâu sau họ kết hôn trong niềm xúc động của họ hàng, bà con lối xóm.

"Trong ngày cưới, ai cũng khóc nức nở, hôm đó có rất đông người dân đến chung vui. Họ không ngừng chúc phúc cho chúng tôi. Tôi vẫn nhớ mãi ngày đám cưới đặc biệt đó", chị Duyên xúc động khi nhắc về ngày vu quy của vợ chồng chị.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 11

Sau khi kết hôn, vợ chồng anh Huy thuê một căn nhà ở gần quê ngoại rồi mở quán tạp hóa mưu sinh. Để hỗ trợ hai con, mẹ chị Duyên tặng cho vợ chồng trẻ hơn 20 con gà lai chọi làm vốn. Cũng nhờ món quà của mẹ vợ tặng mà giờ đây anh trở thành ông chủ trang trại gà.

"Cũng không thể ngờ được mình sẽ kinh doanh nuôi gà. Từ đàn gà mẹ cho, tôi thấy đây là giống gà rất khỏe mạnh, lại dễ nuôi nên đã nhân đàn. Một thời gian sau, số lượng gà ngày một nhiều. Tôi bàn với vợ xuất bán ra thị trường, không ngờ được nhiều người ưa chuộng, kể từ đó vợ chồng tôi tập trung vào nuôi gà để kinh doanh", anh Huy chia sẻ.

Để mở rộng mô hình, số tiền lời lãi từ việc bán gà anh đầu tư chuồng trại, nhân đàn. Khi số lượng gà ngày một nhiều, do sức khỏe yếu, đôi chân di chuyển khó khăn nên công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chị Duyên nghỉ bán hàng tạp hóa, cùng chồng tập trung nuôi gà.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 13

"Thấy anh quá đam mê nuôi gà nên tôi quyết định ủng hộ chồng. Có đợt, do chưa có kinh nghiệm, gà bị mắc bệnh nhưng chữa mãi không khỏi, vợ chồng phải bắt xe, đưa con gà bị bệnh ra tận Hà Nội để nhờ người xem bệnh", chị Duyên nói.

Đến nay, quy mô trang trại của vợ chồng anh Huy khoảng 500 con gà lai chọi bố mẹ, ngoài ra anh còn liên kết nuôi 3.000 con gà với 20 hộ dân ở địa phương.

Anh Huy cho biết, hiện trang trại của anh chuyên cung cấp gà giống. Thị trường mà anh hướng đến là các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phương thức bán hàng chủ yếu qua mạng xã hội.

Trung bình mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 15.000 con gà giống. Trừ hết chi phí anh có thu nhập 30-50 triệu đồng mỗi tháng, bình quân mỗi năm anh thu về 300-500 triệu đồng.

Theo anh Huy, nuôi gà lai chọi đơn giản nhưng hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không tránh được những rủi ro. Đặc biệt là giá cả thị trường, có thời điểm giá cả thấp, giá thức ăn tăng cao khiến không ít lần thua lỗ và hòa vốn.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 15

Ngoài phát triển kinh tế tốt, trang trại gà của gia đình anh Huy còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Nhìn lại hành trình đầy chông gai mà vợ chồng đã trải qua, anh Huy chia sẻ, hiện cuộc sống của anh rất hạnh phúc với người vợ hiền và 3 cô con gái.

"Nếu không có cô ấy (chị Duyên-PV) thì tôi không có được như ngày hôm nay. Giữa lúc bế tắc nhất thì cô ấy đã đến và "thắp sáng" cuộc đời tôi. Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước mình sẽ khỏi bệnh để bù đắp lại những thiệt thòi và hy sinh mà cô ấy đã trải qua", anh Huy tâm sự.

Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái và chàng trai tật nguyền - 17

Ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại huyện Đông Sơn, cho biết, câu chuyện tình cổ tích và ý chí, nghị lực của vợ chồng anh Huy khiến nhiều người thán phục.

"Mô hình nuôi gà của gia đình anh Huy là mô hình điển hình, đặc biệt anh còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để nhiều người noi theo. Mặc dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng anh Huy đã nỗ lực vượt qua tất cả, vươn lên làm giàu", ông Cường chia sẻ.

Nội dung: Thanh Tùng

Ảnh: Thanh Tùng

Thiết kế: Thủy Tiên