Cô gái Việt làm việc tại Mỹ thu nhập 2 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Bên cạnh chuyện tình đẹp với chàng trai Mỹ Chance Clark, Vũ Anh Phương (27 tuổi) khiến nhiều người nể phục với bảng thành tích "choáng ngợp" và biệt danh "thợ săn học bổng".
Từ học sinh kém nhất đến học bổng tiến sĩ ở Mỹ
Là cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Vũ Anh Phương từng có những ước mơ liều lĩnh như sang Mỹ du học. Nhưng thời điểm đó, cô tự nhận khá lười, chán học và không có động lực học tập. Môn tiếng Anh cuối kỳ chỉ đạt 6,5 điểm, "học gần dốt nhất lớp".
Phương nghĩ những người đi du học đều phải có thành tích rất cao, nghiên cứu khoa học nhiều, tiếng Anh giỏi. Còn cô chỉ là một học sinh bình thường, chưa bao giờ là "con nhà người ta" trong mắt bố mẹ.
Năm 18 tuổi, Phương nhận ra nếu có ước mơ, thì cần cố gắng hết sức để nắm lấy cơ hội, mạnh mẽ bước ra vùng an toàn của bản thân. Từ năm 2 tại Học viện Nông nghiệp, nữ sinh bắt đầu "săn" học bổng từ những chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn.
Trong 3 năm, cô gái Việt đỗ học bổng toàn phần Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Bộ Ngoại giao Mỹ cùng 10 học bổng khác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Chi phí học tập, sinh hoạt, vé máy bay,… đều được tài trợ 100%.
Chuyến đi Mỹ năm 21 tuổi đã thay đổi nhận thức hoàn toàn của Phương, cũng là "cú hích" giúp cô quyết tâm sang Mỹ du học.
Khi đến thăm Hawaii, California và Washington D.C, cô nhận ra nhiều điều đặc biệt ở Mỹ so với các đất nước khác. Mỗi vùng có văn hóa và phong cảnh thiên nhiên, cách giao tiếp khác nhau. Người Mỹ cởi mở, tự tin, phóng khoáng và thân thiện, Phương cảm thấy phù hợp với tính cách của bản thân.
"Chẳng hạn khi đến đảo Hawaii, bạn sẽ thấy thiên nhiên xinh đẹp, con người thân thiện, nhiều người gốc Á sinh sống. Tới San Francisco, người dân ăn mặc giản dị, có nhiều start-up, mô hình khởi nghiệp. Hay tại Washington D.C, người dân thanh lịch, cử chỉ nhẹ nhàng và nho nhã", Phương nói.
Ngoài ra, ấn tượng sinh viên Mỹ giỏi toàn diện từ chuyên môn đến vốn hiểu biết sâu rộng về thể thao, âm nhạc, chính trị... cũng đã truyền cảm hứng cho nữ sinh Việt. "Tôi cũng muốn trở thành một con người giỏi toàn diện như thế" - cô tự nhủ với chính mình.
Tuy vậy, Phương vẫn chưa thể xác định nên học trường nào, bang nào ở Mỹ để nộp hồ sơ, cho đến khi gặp Chance Clark, sinh viên ngành Di truyền thực vật, Đại học Purdue (bang Indiana, Mỹ) sang Việt Nam trao đổi ngắn hạn năm 2018.
Sau một tuần ở Việt Nam, ngày Chance về nước, Phương đã nói với anh: "Hãy cho em một năm. Em nhất định sẽ sang Mỹ gặp anh". Lời hứa này đã thôi thúc cô nỗ lực học tập, cố gắng "săn" học bổng tiến sĩ để gặp lại chàng trai Mỹ gây thương nhớ.
Từ đó, mỗi tuần, nữ sinh phấn đấu biết thêm 40 - 60 từ vựng tiếng Anh, học liên tục không nghỉ xuyên hè, lễ, Tết, cuối tuần.
Cô học hỏi từ các anh chị đi trước, lắng nghe kinh nghiệm, tổng hợp thành những bài học cho riêng mình. Do điều kiện tài chính không đủ, cô chỉ học 2 khóa tiếng Anh tại trung tâm, vay tiền bố mẹ và anh chị khoảng 20 triệu đồng để mua sách văn học tiếng Anh.
Nữ sinh cân đối thời gian với rất nhiều hoạt động khác như học trên lớp sao cho điểm GPA (tổng kết môn) cao, điều hành CLB tiếng Anh của trường với tư cách là Chủ nhiệm CLB, tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khóa, tìm và chuẩn bị hồ sơ săn học bổng cùng lúc.
"Có những thời điểm tôi học chính trên lớp, chiều làm nghiên cứu khoa học, tối học tiếng Anh, GRE (bài kiểm tra điều kiện đầu vào bậc sau đại học), cuối tuần chuẩn bị hồ sơ xin học bổng. Tôi đã phải thường xuyên uống cà phê để có thể thức đêm, dậy sớm đi học", cô kể.
Sau 6 tháng, Phương xin thực tập làm khóa luận tốt nghiệp tại Đại học Missouri (thành phố Columbia, Mỹ). Chương trình học kéo dài 5 tháng, cô về Việt Nam bảo vệ khóa luận.
Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, Phương trúng tuyển học bổng nghiên cứu sinh cùng trường với Chance, trị giá 6,7 tỷ đồng/5 năm. Tại đây, cô chọn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học, chương trình tiến sĩ.
"Công nghệ sinh học là một trong những ngành phát triển nhất tại Mỹ, nhiều cơ hội nghề nghiệp và mức đãi ngộ cao", Phương nói về lý do chọn ngành học.
Thời gian đầu du học trải qua nhiều khó khăn, cô phải ăn mì tôm qua ngày, chọn thuê nhà giá rẻ nhất. Cô nhớ lại những lúc nghèo nhất ở Mỹ chỉ có 20 USD (khoảng 480.000 đồng) trong tài khoản.
Nữ sinh cũng mất nhiều thời gian làm quen môi trường học tập mới, phương pháp học hoàn toàn khác ở Việt Nam. Khi học lên bậc tiến sĩ, đa số mọi người có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm đi làm ở công ty hoặc đã học bậc thạc sĩ. Trong khi đó, Phương chỉ mới tốt nghiệp đại học, còn rất non nớt, yếu kém.
"Ở Việt Nam, tôi là sinh viên ưu tú, thành tích nổi bật nhưng sang Mỹ, thời gian đầu tôi chẳng có gì nổi bật", cô tâm sự.
Hai năm đầu, Phương rơi vào trầm cảm, phải gặp bác sĩ điều trị tâm lý hàng tuần. Suy nghĩ tiêu cực từng ám ảnh trong đầu khiến cô dễ cáu gắt, không muốn làm gì, kể cả bước xuống giường để đi tắm. Cô cảm thấy mình là kẻ thất bại, khiến bố mẹ và người thân thất vọng.
Phương tự động viên bản thân, chia sẻ nhiều hơn với người yêu, kết hợp điều trị tâm lý để đẩy lùi bệnh trầm cảm.
Sau nhiều nỗ lực, cô gái Việt đạt nhiều thành tích cao, tốt nghiệp bằng xuất sắc với điểm số 3.81/4. Nhờ đó, cô đã nhận được thư mời làm việc từ nhiều công ty ở Mỹ.
"Nếu hồi ấy tôi nghĩ học bổng YSEALI là một thành công lớn nhất, hay nếu học tiến sĩ là to tát và dừng lại ở đó, thì quả là sai lầm. Tôi hiểu cuộc đời này là một cuộc chạy đua đường dài đầy thử thách ý chí và nghị lực", cô nói.
Dừng học tiến sĩ, đi làm thu nhập 2 tỷ đồng/năm
Năm 2022, Mỹ thiếu lao động trầm trọng, ngành học của Phương được tăng mức đãi ngộ thêm 40%. Nhận ra cơ hội hiếm có, cô dừng chương trình học tiến sĩ ở năm thứ 3 và nhận bằng thạc sĩ.
Tốt nghiệp sớm hơn dự định ban đầu, Phương bước chân vào thị trường lao động, làm việc tại một công ty lớn về công nghệ sinh học ở Mỹ, thu nhập 80.000 USD/năm (khoảng 2 tỷ đồng/năm).
Công ty cách nhà Phương 10 phút lái xe, công việc chính của cô là nghiên cứu phát triển sản phẩm cây trồng chỉnh sửa gen, nuôi cấy mô, phát triển các cách tối ưu hóa quá trình xây dựng sản phẩm.
Mỗi ngày cô làm việc 8 tiếng, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, gắn kết mối quan hệ với đồng nghiệp.
Ngoài ra, từ kinh nghiệm "săn" học bổng của bản thân, Phương lập một Fanpage chuyên hỗ trợ tổng hợp thông tin học bổng và chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình.
Lần đầu tiên thử hướng dẫn, cô lấy chi phí 200.000 đồng/giờ. Mức phí này hiện tăng lên 2 triệu đồng/giờ, song vẫn rất đông học viên đăng ký, có khi phải chờ 1-2 tuần cô mới xếp được lịch làm việc.
Đến nay, Phương đã giúp đỡ hơn 200 sinh viên tiềm năng của Việt Nam xin được những suất học bổng toàn phần thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Mỗi ngày, cô đều nhận được 10-15 tin nhắn từ những người đang tìm cách "săn" học bổng như cô trước đây.
Cô cũng hỗ trợ học sinh, sinh viên bản xứ Mỹ xin học bổng và việc làm. Công việc đem lại nhiều niềm vui, giúp cô thấy được giá trị lớn lao khi giúp đỡ các bạn trẻ.
"Thật mừng khi số lượng học sinh đỗ các loại học bổng khác nhau rất nhiều, có những bạn không chỉ đỗ một mà 3, 4 học bổng", cô nói.
Nhìn lại hành trình đã qua, Phương nhận ra cuộc đời thực sự bước sang một trang mới, từ quyết định liều lĩnh năm nào: "21 tuổi, tôi sang Mỹ 5 tuần, 22 tuổi sang Mỹ 5 tháng, 23 tuổi sang Mỹ 5 năm".
Quan điểm dạy con văn hóa Việt
Anh Phương và Chance Clark kết hôn vào cuối năm 2019, gặp nhiều khó khăn trong năm đầu hôn nhân do khác biệt về văn hóa, cách giao tiếp và lối sống.
Chance hiện theo học năm cuối bậc tiến sĩ, dự kiến tốt nghiệp tiến sĩ năm 27 tuổi, ngành Di truyền thực vật tại Đại học Purdue. Nhiều lúc Phương nói, cô tốt nghiệp sớm, dừng học lên tiến sĩ, là để hỗ trợ chồng học tập.
Sau gần 4 năm kết hôn, Phương nhận ra gia đình là điều quan trọng nhất, dù đôi khi hai vợ chồng có những xích mích nhỏ.
Cả hai đã cùng thống nhất quan điểm: "Gia đình là tất cả, là điều ưu tiên số một trước mọi điều khác" và "Không bao giờ lên giường đi ngủ khi cả hai còn đang cãi nhau và chưa tìm được tiếng nói chung".
Trong khi Chance luôn nói: "Anh thật may mắn khi có được em. Nhờ có người vợ có chí tiến thủ và chăm lo cho sự nghiệp như em mà anh tin rằng anh sẽ trở thành một người đàn ông thành công hơn", Phương luôn ngưỡng mộ tính cách trung thực, sống có trách nhiệm và tư duy phản biện cũng như tinh thần ham học hỏi của chồng.
Dù đã làm dâu Mỹ 4 năm, Phương vẫn chưa đổi quốc tịch. Cô muốn con mình sinh ra biết mẹ là người Việt và con là kết tinh của hai dòng máu Việt - Mỹ.
"Tôi có một tình yêu vô cùng lớn với Việt Nam. Dù là quá khứ, hiện tại và mai sau, ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn sẽ luôn tự hào nói rằng tôi may mắn khi được sinh ra, lớn lên ở đất nước xinh đẹp này", cô nói.
"Năm con 2 tuổi, chúng tôi sẽ đưa bé về Việt Nam một năm để học văn hóa và tiếng Việt" - dự định này của Phương từng bị bố mẹ phản đối. Họ cho rằng đây là quyết định táo bạo, khuyên con gái nên ổn định cuộc sống tại Mỹ.
Nhưng Phương cho rằng con cái nên được tiếp xúc với văn hóa Việt từ nhỏ, thay vì đợi kinh tế vững vàng, hay khi 10 năm sau, con đã lớn, thì sẽ rất khó khăn.
"Tôi cũng muốn chồng học văn hóa Việt Nam. Đó mới là giá trị cốt lõi, chứ tiền bạc, công việc lúc nào cũng kiếm được, còn thời gian bên gia đình mới là vô giá", cô gái Việt tâm sự.