DMagazine

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ "nhảy dù vào hộ khẩu" nơi vùng biên

(Dân trí) - Câu chuyện những đứa trẻ "nhảy dù" vào hộ khẩu làm con ông bà, hay khai sinh lùi tuổi cho khớp với đăng ký kết hôn của bố mẹ không quá xa lạ ở xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 1

Đầu năm học 2023-2024, có hơn 30 cháu nhỏ 2-5 tuổi ở xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong không có trong danh sách phổ cập được người thân đưa đến lớp. Theo quy định, trẻ chưa được phổ cập sẽ không nằm trong danh sách tuyển sinh vào lớp 1.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 3

Cô Hoàng Thị Đài, Hiệu trưởng Trường mầm non Tri Lễ, cho giáo viên phụ trách phổ cập từng bản kiểm tra, rà soát lại nhưng vẫn không thấy tên những trường hợp này. Đặc biệt, hơn 30 cháu nhỏ này đều không có giấy khai sinh. Rõ ràng, trong sự việc này không có lỗi của người làm công tác phổ cập.

Sự việc lạ lùng khiến cô hiệu trưởng vừa mới về nhận công tác tại đây bối rối. Chuyện về những đứa trẻ "ở đâu rơi xuống" này được đích thân cô hiệu trưởng báo cáo với lãnh đạo địa phương.

Theo ông Vi Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ - việc các cháu chưa có giấy khai sinh, không có trong danh sách phổ cập giáo dục không phải là chuyện lạ ở đây. Các trường hợp này xảy ra tại các bản làng người Mông sinh sống như bản Huồi Mới, Pà Khốm, Mường Lống, Huồi Xái, Nậm Tột.

"Đây là trường hợp con của các cặp vợ chồng tảo hôn, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Nhiều trường hợp là các em học sinh 13-14 tuổi bỏ học, lấy nhau rồi vào miền Nam lao động. Có trường hợp sinh con 3-4 tuổi mới đưa về đi học, có trường hợp sinh xong gửi về nhà cho ông bà nuôi và không làm thủ tục khai sinh cho các cháu", ông Du thông tin thêm.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 5

Đảng ủy, UBND xã Tri Lễ và các ban liên quan đã có cuộc họp với nhà trường để giải quyết vấn đề trẻ đủ tuổi huy động đến lớp nhưng chưa được khai sinh.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, nguyên nhân việc các cháu chưa được khai sinh là do bố mẹ chưa đăng ký kết hôn do không đủ tuổi. "Có trường hợp lấy vợ, lấy chồng năm 13 tuổi, khi con 2-3 tuổi, thậm chí nhiều hơn thì bố mẹ vẫn chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn", ông Du lý giải.

Để đảm bảo quyền của trẻ trong việc khai sinh cũng như hưởng các chế độ chính sách khác, ông Du cho biết, sẽ giao UBND xã và bộ phận chuyên môn mời gia đình các cháu đến làm việc.

"Trường hợp nào vợ chồng đủ tuổi đăng ký kết hôn thì phải đăng ký kết hôn để làm khai sinh cho các cháu, phải tạo điều kiện hết sức, dù theo quy định đây là các trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn. Còn bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn thì khai sinh con theo họ mẹ, phải làm bằng cách này thôi", ông Du nói.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 7

Tuy nhiên, phương án này cũng khó triển khai vì nhiều cặp vợ chồng trẻ không đồng ý bởi "con của hai vợ chồng, sao khai sinh chỉ có tên mẹ".

Quyền được khai sinh là một trong những quyền đầu tiên của trẻ em được ghi nhận trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, được quy định cụ thể trong Luật Hộ tịch năm 2014. Tuy nhiên việc thực hiện nó lại không hề dễ dàng.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 9

Trong lớp mầm non điểm trường lẻ đóng ở bản Huồi Máy, cậu bé Lỳ Bá H. cao lớn hẳn so với các bạn. "Thực ra H. nhiều hơn các bạn trong lớp 2 tuổi. Lỳ Bá H. là con của anh Lỳ Bá V. và chị Vừ Ý K. Thời điểm sinh con, chị K. chưa đăng ký kết hôn nên không khai sinh được cho con.

Mới đây, hai vợ chồng đăng ký kết hôn thì mới khai sinh cho con. Cậu bé được khai sinh ít hơn tuổi thật 2 năm để đủ tuổi đi học theo chương trình phổ cập Mầm non 5 tuổi", cô Lầu Y Pay - phụ trách điểm trường bản Huồi Mới - chia sẻ.

Nhiều năm làm công tác phổ cập giáo dục, cô Pay chứng kiến nhiều trường hợp trẻ sinh ra không được khai sinh do bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền được đến trường cho trẻ, bản thân cô và các đoàn công tác của trường, của địa phương đã nhiều lần đến từng gia đình vận động, hướng dẫn bố mẹ đi khai sinh cho trẻ.

Theo cô Pay, thực ra các phụ huynh đều nhận thức được tầm quan trọng của việc khai sinh cho con nhưng nhiều khi vướng vào các luật tục, quan niệm về dòng họ nên việc khai sinh cho trẻ sinh ra ở các gia đình tảo hôn khó khăn.

"Trường hợp như cháu H. không phải là ít. Chúng tôi vận động khai sinh theo mẹ thì bố và đằng nội không chịu. Họ bảo khai sinh phải đủ họ tên bố mẹ, con phải mang họ bố nên đợi bố mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn thì mới khai sinh.

Có cháu khi bố mẹ đăng ký kết hôn, con mới 2-3 tuổi thì làm khai sinh muộn, có cháu đã quá tuổi phổ cập thì phải khai sinh lùi tuổi lại", cô Pay lý giải.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 11

Bên cạnh khai sinh lùi tuổi, theo cô Lầu Y Pay, có những trường hợp vì bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng trẻ đã đến tuổi đi học, lại bắt buộc phải mang họ bố nên bố mẹ đành "gửi" con vào hộ khẩu ông bà hay các bác. Bởi vậy, có trường hợp là cháu nhưng "nhảy dù" vào hộ khẩu, làm con của ông bà về mặt giấy tờ.

Ông Xồng Bá Cha - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ - thừa nhận trường hợp này là có. "Bà con đẻ ở bản, không đẻ ở cơ sở y tế nên trẻ sinh ra không có giấy chứng sinh. Khi ông bà hay các bác đi làm khai sinh cho trẻ, họ khai là con của họ thì cán bộ cũng chỉ biết vậy thôi", ông Cha bộc bạch.

Đối với 30 trường hợp có thông tin chưa được đăng ký khai sinh nói trên, ông Xồng Bá Cha cho biết, địa phương đã kiểm tra, rà soát cụ thể. Có 15 trường hợp trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa, chưa làm khai sinh cho con, một số đã làm giấy khai sinh nhưng chưa đi lấy về, bổ sung vào danh sách phổ cập.

"Chỉ có 5-6 trường hợp chưa làm giấy khai sinh là chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Các trường hợp này thì đang vướng vì gia đình không đồng ý khai sinh con theo mẹ", ông Cha thông tin.

Chuyện lạ lùng về hàng chục đứa trẻ nhảy dù vào hộ khẩu nơi vùng biên - 13

Theo ông Cha, tình trạng trẻ sinh ra không được khai sinh hoặc chậm khai sinh đã ảnh hưởng đến quyền cơ bản nhất của trẻ, cũng như việc thụ hưởng các chính sách an sinh khác. Đây là hệ lụy của nạn tảo hôn, do vậy, chỉ chấm dứt được khi nạn tảo hôn được giải quyết.

"Đây là việc cấp thiết và đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đến từng bản làng để tuyên truyền, vận động bà con. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của bà con rất khó. Chúng tôi tuyên truyền, bà con bảo "bọn trẻ yêu nhau, ưng nhau rồi, phải cho cưới thôi. Không cho cưới, các cháu ăn lá ngón đấy"...", Phó Chủ tịch xã thở dài.

Mặc dù vậy, với sự kiên trì, nỗ lực của chính quyền và các đoàn thể xã hội, công cuộc phòng chống nạn tảo hôn tại xã biên giới này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

"Năm 2022, toàn xã có 16 cặp tảo hôn thì năm 2023, chỉ có 4 trường hợp. Tảo hôn giảm thì trong tương lai, trẻ sinh ra bị khai sinh muộn sẽ ít hơn", ông Xồng Bá Cha nói.

                             Ảnh: Hoàng Lam - Vi Hiền 

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Đức Bình