1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Để mọi đứa trẻ đều có giấy khai sinh

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Giấy khai sinh là tấm giấy đầu tiên xác nhận thân phận 1 con người và ai cũng nghĩ mọi người đều có. Nhưng thật ra, có nhiều người do hoàn cảnh đặc biệt lại không có.

Những đứa trẻ thiệt thòi

Ngày 1/12, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Sở Tư pháp TPHCM và nhóm Trang mới cuộc đời tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án "Trang mới cuộc đời" giai đoạn 2019 - 2020 và Đối thoại thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TPHCM.

Tại hội thảo, ban tổ chức cho biết chỉ trong 1 năm, dự án đã tiếp nhận 140 hồ sơ xin làm giấy khai sinh và đã hoàn tất được 80 hồ sơ, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ làm xong 100 hồ sơ. Mỗi hồ sơ đều là một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Để mọi đứa trẻ đều có giấy khai sinh - 1
Hội thảo có sự tham gia của gần 50 đại biểu

Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD - chia sẻ: "Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện, những hoàn cảnh éo le, với nhiều vướng mắc, nhưng tựu trung lại, vì thiếu tấm giấy khai sinh, các em đã mất đi rất nhiều cơ hội, và không được hưởng các quyền mà các em đáng được hưởng".

Theo bà Linh, TPHCM vẫn còn khá nhiều trẻ em chưa có giấy khai sinh. Có nhiều hoàn cảnh khác nhau khiến trẻ em không có giấy khai sinh: Bố mẹ không biết cách làm, quá nghèo, không biết chữ, chính bố mẹ cũng không có giấy tờ tùy thân, nhiều em mồ côi, trẻ khuyết tật, bố mẹ bỏ đi, không rõ nguồn gốc, trẻ đường phố…

Và vì thiếu giấy khai sinh, các em không thể hoàn thành thủ tục hành chính để đi học ở các cơ sở công lập, không được hưởng các chính sách bảo hiểm, y tế và các chính sách phúc lợi khác mà các em xứng đáng được hưởng.

Để mọi đứa trẻ đều có giấy khai sinh - 2
Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD chia sẻ về dự án Trang mới cuộc đời

Khi lớn lên các em cũng không được cấp chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân), phải làm những công việc không chính thức, thậm chí là nguy hiểm, bất hợp pháp; không thể đăng ký giấy kết hôn, và như vậy con cái sinh ra cũng lặp lại vòng hoàn cảnh bế tắc của cha mẹ: không được khai sinh.

Là một trong những trường hợp nhận được tấm giấy khai sinh từ dự án, chị Phan Thị Hồng Nhung xúc động chia sẻ: "Bản thân tôi không có giấy tờ gì cả, rất thấm thía các khó khăn của một người không có giấy khai sinh, không có giấy tờ gì. Tôi rất mong muốn con gái không phải như vậy nhưng 6 năm trời không biết cách làm thế nào để giúp bản thân mình, giúp con. Rất may là mẹ con tôi đã được hỗ trợ, giờ tôi cũng có giấy khai sinh, con thì vừa 5 tuổi có giấy khai sinh để đăng ký đi học".

Chị Phan Thị Hồng Nhung nghẹn ngào chia sẻ tại hội thảo

Chị Phan Thị Hồng Nhung nghẹn ngào chia sẻ tại hội thảo

Để mọi trẻ em sinh ra đều được khai sinh

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những vướng mắc trong thủ tục hành chính khi làm giấy khai sinh cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Từ đó, hội thảo đã đưa ra những đề xuất xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện nhằm đảm bảo mọi trẻ em Việt Nam sinh ra đều được khai sinh.

Theo đó, các đại biểu khuyến nghị với những chính sách đã rõ ràng như việc hỗ trợ các gia đình chứng minh việc sinh qua các bằng chứng, cam đoan, cam kết; đề nghị không yêu cầu các gia đình các xét nghiệm ADN nếu không cần thiết vì chi phí cho thụ tục này rất đắt đỏ. Hoặc bổ sung ngân sách hỗ trợ xét nghiệm ADN hoặc xác minh nhân thân cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Để mọi đứa trẻ đều có giấy khai sinh - 4
Nhiều ý kiến được đưa ra tại hội thảo

Các đại biểu cũng khuyến nghị sửa đổi Thông tư 53/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để việc lưu trữ hồ sơ sinh trẻ được lâu hơn, tới 20 năm hoặc vĩnh viễn. Đồng thời, hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp giấy chứng sinh cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào để đảm bảo quyền được đăng ký giấy khai sinh cho trẻ. Các vấn đề khác như cha mẹ trẻ không đóng viện phí được điều chỉnh bởi Luật Dân sự.

Đây là các giải pháp nhằm giúp mọi đứa trẻ đều có giấy chứng sinh để có thể dễ dàng làm giấy khai sinh. Bởi vướng mắc lớn nhất hầu như là ở những ca mất giấy chứng sinh, không có giấy chứng sinh, về bệnh viện tìm cũng đã không còn lưu trữ…

Đối với các trường hợp trẻ em đường phố bỏ đi không nhớ được nguồn gốc, trường hợp người thân bỏ rơi…; các đại biểu đề nghị có chính sách để các tổ chức xã hội, các trung tâm bảo trợ có thể đứng ra bảo lãnh làm giấy khai sinh cho trẻ.

Để mọi đứa trẻ đều có giấy khai sinh - 5
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ làm giấy khai sinh cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị có hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể các địa phương để giải quyết các các trường hợp đặc biệt trẻ có yếu tố nước ngoài hoàn toàn cả gia đình không có giấy khai sinh.

Phản hồi những đề xuất này, bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: "Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các tổ chức xã hội trong các hoạt động với mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được chăm sóc và bảo vệ".