Chính sách có đủ, sao công nhân vẫn phải ngậm đắng gửi con ở "hang cọp"?
(Dân trí) - Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT mở đường cho việc phát triển các nhóm trẻ gia đình, đáp ứng nhu cầu của công nhân. Nhưng bạo hành, tai nạn xảy ra nhiều ở nhóm trẻ này, trong đó có cả cơ sở có giấy phép.
"Cửa hẹp" dành cho con em công nhân?
Trong quá trình khảo sát các cơ sở giữ trẻ tự phát trên địa bàn TPHCM, phóng viên không ít lần nhận ánh mắt đề phòng, cảnh giác đến từ chủ các cơ sở này. Họ dè chừng khi thấy người đến hỏi han công việc tưởng chừng công khai nhưng vẫn đầy "bí mật" của mình.
Thực tế, ít ngày trước, tại cơ sở giữ trẻ tự phát ở Bình Dương đã xảy ra vụ việc bé trai 8 tháng tuổi bị con gái của người giữ trẻ bạo hành. Cháu bé tử vong. Sau sự việc trên, các địa phương ráo riết kiểm tra hoạt động các cơ sở giữ trẻ tự phát nên họ rất e dè.
Ở chiều hướng khác, công nhân có con nhỏ biết rõ những nguy cơ có thể xảy ra cho con mình khi gửi tại các cơ sở tự phát nhưng họ có vô vàn lý do buộc phải chấp nhận, như: giá rẻ, gần nhà trọ, giữ con đến khuya khi cha mẹ tăng ca, nhận giữ trẻ nhỏ dưới 2 tuổi… Để rồi, các phụ huynh nghèo đành mắt nhắm mắt mở, liều tìm đến những "nhà trẻ" bất ổn như thế để gửi con.
Không phải đến giờ mà vấn đề nơi gửi trẻ an toàn cho con em công nhân đã được bàn luận nhiều từ 10 năm trước, nhất là tại các địa phương có hàng trăm ngàn công nhân nhập cư như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Từ thời điểm đó, ngành giáo dục, công đoàn và các địa phương đã đưa ra hàng loạt giải pháp như tăng giờ giữ trẻ, thí điểm giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, xây nhà trẻ trong công ty…
Trong các giải pháp đề ra, vận động doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ trong khuôn viên nhà xưởng được xem là thuận lợi nhất cho công nhân. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đủ điều kiện, quy mô để tổ chức lớp giữ trẻ nên mô hình khó mở rộng. Đến nay, trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng chỉ có vài chục công ty thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM, đây là chính sách vận động trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp, không có quy định hay chế độ hỗ trợ gì nên khó bắt buộc doanh nghiệp thực hiện.
Ngoài ra, từ năm 2014, công đoàn thành phố đã kiến nghị thí điểm giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân các khu công nghiệp, chế xuất. Ở các cơ sở áp dụng chính sách này, thời gian giữ trẻ kéo dài đến 17h30 thay vì 16h30 như trước đây.
Nhưng thực ra, giờ tăng ca của công nhân đâu chỉ giới hạn đến 17h30. Nhà trẻ công lập cũng không thể giữ trẻ đến khuya để đáp ứng nhu cầu của công nhân.
Từ tháng 6/2014, TPHCM áp dụng đề án giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại trường mầm non, chính là tính đến nhóm công nhân hết thời gian thai sản, cần gửi con để trở lại nhà máy. Đến nay, đề án đã mở rộng khắp tại 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Nhưng thực tế, người lao động không quá mặn mà với mô hình này, số trẻ trong độ tuổi 6-24 tháng được gửi còn quá nhỏ nhoi. Thậm chí có cơ sở giáo dục sẵn sàng mở lớp nhưng không có người gửi.
Theo báo cáo đầu năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, trong tổng số hơn 42.000 trẻ tại các trường mầm non, nhóm lớp độc lập chỉ có 329 trẻ ở độ tuổi 6-12 tháng, 14.584 trẻ 13-24 tháng.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) nhận định: "Đề án tổ chức trông giữ trẻ dưới độ tuổi nhà trẻ tại trường mầm non phù hợp với bố mẹ làm giờ hành chính, có thể đưa đón con theo giờ giấc quy định của cơ sở công lập. Còn với công nhân, người làm ca kíp rất khó thu xếp được việc đưa đón con theo khung giờ quy định này nên họ thường gửi con ngoài công lập, linh hoạt hơn về thời gian, có thể gửi sớm, đón trễ, gửi ngoài giờ, gửi cuối tuần…".
Nhóm trẻ gia đình là giải pháp tốt?
Những đề án, mô hình trên, theo đánh giá chung, đẫ giúp giải tỏa nhiều khó khăn trong việc tìm nơi giữ trẻ cho gia đình công nhân. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn xuất hiện một số bất cập mà chỉ có nhóm trẻ gia đình nhỏ, linh hoạt về thời gian hoạt động, trải rộng trong địa bàn dân cư mới có thể đáp ứng được.
Cuối năm 2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục.
Thông tư 49 hợp pháp hóa và mở đường cho mô hình trông giữ nhóm trẻ gia đình phát triển, đáp ứng nhu cầu gửi con của gia đình công nhân. Đồng thời, các quy định kèm theo cũng giúp quản lý tốt hơn loại hình nhóm trẻ gia đình này.
Quy chế này cho phép thành lập những nhóm trẻ quy mô chỉ 7 trẻ, tối thiểu 2 giáo viên, có thể nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi… Các nhóm trẻ tự phát từ thời điểm đó đã có thể nâng cấp, xin giấy phép hoạt động chính thức, đáp ứng nhu cầu gửi con nhỏ của người lao động.
Với việc xuất hiện các nhóm trẻ tư thục có giấy phép hoạt động rõ ràng, gia đình công nhân có thể lựa chọn cơ sở gửi trẻ phù hợp với điều kiện kinh tế, nơi ở, thỏa thuận giờ giấc đưa đón con…
Bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay, Thông tư 49 của Bộ GD&ĐT đã đặt ra các yêu cầu, điều kiện với các nhóm lớp về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn, giáo viên… nên người gửi trẻ có thể an tâm hơn so với các cơ sở tự phát.
Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, việc hình thành các nhóm trẻ gia đình là yêu cầu tất yếu của xã hội, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và phần nào giúp kéo giảm áp lực cho ngành giáo dục mầm non.
Ông đánh giá, Thông tư 49 vì đã tạo hàng lang pháp lý cho mô hình nhóm trẻ gia đình phát triển, giúp cho người dân, nhất là những người lao động nghèo, gia cảnh khó khăn có nơi gửi con để đi làm, để mưu sinh.
Tuy vậy, ông Nghinh cho rằng: "Với đặc điểm chỉ là nhóm trẻ gia đình, đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ tại đây thường không đồng nhất, nhiều nơi vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về mặt chuyên môn và kỹ năng. Đâu đó vẫn xảy ra các vụ việc vi phạm quyền trẻ em tại các nhóm trẻ như thế, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ những yếu tố này".
Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng 4, tại nhóm lớp mầm non Tí Bo ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM. Cư dân mạng đã rất phẫn nộ khi hình ảnh giáo viên tại cơ sở này có hành vi bạo lực với trẻ được lan truyền trên mạng xã hội. Nhóm lớp này được cấp phép đúng quy định nhưng vẫn xảy ra tình huống phi giáo dục trên.
Không đủ tình thương, đừng giữ trẻ
Theo ông Phạm Đình Nghinh, mô hình nhóm trẻ gia đình đã đáp ứng được nhu cầu của công nhân nhập cư nói riêng và người lao động nghèo nói chung. Tuy nhiên, công việc sắp tới của ngành giáo dục là phải bịt được "lỗ hổng" yếu kỹ năng của giáo viên các nhóm trẻ gia đình nhằm hạn chế tình trạng bạo hành trẻ có thể xảy ra.
Ông Nghinh đề xuất các địa phương phải làm tốt vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động của các nhóm trẻ gia đình. Thứ nhất là phải làm tốt công tác thẩm định, chỉ cho phép hoạt động đối với các nhóm trẻ đủ điều kiện. Thứ hai là phải thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với các nhóm trẻ không đủ điều kiện, không tuân thủ quy định.
Với giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ, ông Nghinh nhấn mạnh phải chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng này theo quy định; thường xuyên cập nhật các kiến thức và kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho họ.
Ngoài ra, ông Nghinh đánh giá vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc tìm nơi gửi trẻ an toàn. Mô hình nhóm trẻ gia đình có giấy phép với nhóm trẻ tự phát cũng gần giống nhau ở quy mô nhỏ và linh hoạt. Tuy nhiên, nhóm trẻ gia đình tư thục được kiểm định về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, được cơ quan chức năng cấp phép và kiểm tra bao giờ cũng an toàn cho trẻ hơn nhóm trẻ tự phát.
Ông Phạm Đình Nghinh nói: "Cha mẹ phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định gửi trẻ vào cơ sở. Trong quá trình gửi trẻ tại cơ sở cũng cần có sự quan tâm, quan sát, chú ý tới các biểu hiện lạ, bất thường của trẻ khi đưa đón trẻ hàng ngày".
Với những gia đình công nhân khó khăn, không đủ điều kiện gửi trẻ vào cơ sở có giấy phép, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, hướng dẫn họ trình bày với công đoàn cơ sở để có phương án hỗ trợ.
Theo ông Đô, công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên thường xuyên có chương trình hỗ trợ cho những hoàn cảnh gia đình công nhân khó khăn như vậy.
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM), với trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn, ngành giáo dục thành phố thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực công tác quản lý và cả bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên và chủ cơ sở nhóm trẻ gia đình.
Tuy nhiên, việc giữ an toàn trực tiếp cho trẻ, bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh phải xuất phát từ lương tâm và đạo đức của người hiệu trưởng, chủ trường, chủ nhóm… Họ phải luôn quan tâm đến các điều kiện hoạt động của cơ sở mình quản lý.
"Tôi cũng thường nói, nếu ai không đủ tình thương, đủ bao dung với trẻ đừng làm công việc này", bà Hồng Điệp nhấn mạnh.
Trưởng phòng Giáo dục Mầm non bày tỏ: "Với trách nhiệm của ngành, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ làm công việc này. Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn cho trẻ mà còn phải tạo niềm vui đi học với trẻ nhỏ".