DNews

Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt

Hạ Di Xuân Trường

(Dân trí) - Xung quanh các khu công nghiệp ở TPHCM, hàng loạt nhà trẻ tự phát mọc lên như nấm, vì nhu cầu cao của công nhân. Vấn đề an toàn cho các trẻ nhỏ tại các cơ sở này vẫn luôn là bài toán nan giải.

Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt

Giữ trẻ giá... công nhân

6 đứa trẻ nằm lăn lóc dưới sàn trong căn trọ gần 15m2 tối om. Đây là khung cảnh của một trong những "nhà trẻ" nổi tiếng ở con hẻm 58, đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM). Giữa trưa hè nóng nực kỷ lục ở TPHCM, 6 đứa trẻ và 1 bảo mẫu cùng ướt đẫm mồ hôi, thở hổn hển, chia nhau chút gió từ cây quạt máy duy nhất gắn trên tường nhà.

Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 1

Một nhà trẻ tự phát ở khu trọ trên hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM).

Trong 6 đứa trẻ, chỉ 1 bé được nằm trên võng vì chưa đầy năm. Những đứa trẻ khác đều nằm dưới nền gạch cho mát. Một cậu bé chừng 15-18 tháng tuổi còn nằm ngủ lăn lóc sát cửa nhà vệ sinh.

Bên trong "nhà trẻ" này, 4 bức tường treo đầy vật dụng cá nhân. La liệt bình sữa, bát cháo ăn dở, nồi cơm, bình đun siêu tốc... chưa dọn rửa, để ngổn ngang trên kệ, gần khu vực lũ trẻ nằm. Những phần tường, đồ đạc góc nhọn chìa thẳng ra phía trước, không được bao bọc, che chắn an toàn.

Căn phòng lợp mái tôn, càng ngột ngạt, nóng phát ngốt vì đông người. Vậy mà người phụ nữ mở dịch vụ giữ trẻ tại đây vẫn chào mời, nhận thêm trẻ với lời cam kết chắc nịch: "Tôi chăm không lên ký, không lấy tiền!".

Trong vai vợ chồng trẻ tìm chỗ gửi con, phóng viên Dân trí nhiều lần nhăn mặt khi "khảo sát dịch vụ" vì thấy những nguy cơ mất an toàn hiển hiện trong "nhà trẻ" này. Bảo mẫu là bà Tám, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, nhanh chóng bắt được thái độ nghi ngại của khách càng liên tục chào mời, thuyết phục.

"Mấy đứa nhỏ ở khu trọ này hầu hết đều qua tay tôi chăm. Cứ yên tâm, tôi chăm trẻ tốt nên nhiều người quen giới thiệu lắm", người này nói.

Thế nhưng, khi được hỏi đến giấy phép hay chứng chỉ liên quan đến chăm sóc trẻ, người bảo mẫu liên tục tránh né: "Tôi làm nghề này được 16 năm rồi. Ngày xưa cũng đâu có đi học gì, chỉ nhận giữ thử vài đứa, về sau thấy được nên nhận thêm đến bây giờ. Yên tâm đi, tôi giữ nhiều lứa trẻ lắm rồi, có lúc một mình tôi còn trông giữ 9 đứa đấy".

Giữ một đứa trẻ từ sáng đến 17h, bà Tám báo giá 2 triệu đồng/tháng. Nếu bố mẹ tăng ca, muốn gửi thêm giờ, bà Tám vẫn sẽ nhận, đổi lại phụ huynh trả thêm khoản tiền bồi dưỡng. Riêng sữa, bột, gia đình trẻ phải tự chuẩn bị, mang đến. Bà Tám khẳng định giá trông trẻ đưa ra là phù hợp túi tiền của người lao động ở khu trọ.

Tuy nhiên, "dịch vụ" của bà Tám chỉ được trao đổi bằng miệng, không có bất kỳ giấy tờ, hồ sơ quản lý hay cam kết gì về việc chịu trách nhiệm nếu trẻ được trông giữ không may gặp vấn đề bất thường.

Không riêng ở con hẻm này, trên tuyến đường Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) chỉ chưa đầy 1km đã có đến 6-7 nhà treo bảng "nhận giữ trẻ giá công nhân".

Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 2
Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 3

Lần theo số điện thoại và chỉ dẫn của người dân, phóng viên tìm đến "nhà trẻ" của chị Loan, nơi đang trông giữ gần 10 cháu bé. Không giống như căn trọ của bà Tám, muốn tìm đến "nhà trẻ" của người phụ nữ này, phải được người quen giới thiệu. 

Sau cú điện thoại thông báo từ người hàng xóm, chị Loan mới từ từ mở chiếc cửa sắt được khóa cẩn thận, vén tấm màn che kín căn trọ, bước ra tiếp chuyện.

"Con em mấy tháng? Uống sữa hay ăn bột? Em từ đâu đến? Làm nghề gì? Sao em biết chị?", người bảo mẫu với thái độ dè chừng hỏi dồn dập.

Nửa tin, nửa ngờ, chị Loan chỉ giới thiệu ngắn gọn "dịch vụ" của mình: "Bé còn nhỏ thì chi phí trông nom là 1,7 triệu đồng/tháng, còn sữa và cháo thì ba mẹ bé tự mang đến. Nhà tôi có gắn máy lạnh nên không lo nóng, yên tâm", người phụ nữ khoảng 40 tuổi, chủ tiệm tạp hóa tư vấn thêm.

Bên trong căn trọ, gần 10 đứa trẻ nằm san sát nhau dưới nền gạch. Căn trọ tắt đèn tối om. Qua ánh sáng lờ mờ từ bên ngoài hắt vào, căng mắt nhìn cũng thấy một vài trẻ ẵm ngửa được "đặc cách" nằm trên võng. Không để cho người khách quan sát kỹ, thấy mối "không ngon ăn", chị Loan lập tức mời ra ngoài, đóng sập cửa lại.

"Chỉ có bấy nhiêu thôi, gửi được thì mang con đến. Tôi có 2 người trông. Không có giấy tờ nhưng tôi có kinh nghiệm trông trẻ nhiều năm rồi", chị Loan nói gọn.

Bảo mẫu "cựu công nhân"

Trong số những bảo mẫu đứng ra nhận trông giữ trẻ ở những cơ sở tự phát như vậy, không ít người từng là công nhân, nay đang trong cảnh thất nghiệp. Không có kinh nghiệm, kỹ năng gì ngoài thời gian làm việc ở công xưởng, những người này vẫn tặc lưỡi nhận con của các công nhân khác về trông, kiếm tiền.

Bà Phương, một bảo mẫu giữ trẻ chia sẻ, trước đây bà làm công nhân tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Năm ngoái, nhà máy cắt giảm lao động, bà Phương rơi vào cảnh thất nghiệp. Lớn tuổi, không thể xin được việc mới, bà Phương đánh liều treo bảng nhận giữ trẻ, biến phòng trọ của mình thành trường mẫu giáo với chi phí "rẻ như cho".

Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 4
Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 5

"Lúc đầu tôi chỉ nhận 1-2 trẻ chăm cho vui nhưng dần dần mọi người xung quanh biết tôi nhận trông trẻ chưa đủ tuổi đi mẫu giáo nên đưa con tới nhiều hơn. Có thời điểm tôi trông một lúc cả 10 bé, chật kín phòng này luôn", bà Phương tự hào khoe.

Theo bà Phương, từ công việc tạm bợ, nay bà đã xác định là nghề chính của mình vì mức thu nhập cao hơn đi làm nhà máy mà chẳng cần bỏ vốn. Ngược lại, như bao bảo mẫu ở các nhà trẻ tự phát, bà Phương cũng luôn thấp thỏm vì "nhà trẻ" của mình và bản thân chẳng có bất kỳ giấy phép, hồ sơ quản lý nào.

"Trẻ 2-3 tuổi thì tôi lấy 1,5 triệu đồng/tháng, trẻ dưới 2 tuổi thì từ 1,8-2 triệu đồng/tháng. Tiền này chỉ là tiền công trông giữ thôi, còn sữa và cháo thì bố mẹ bé tự chuẩn bị, mang tới", bà Phương nói thêm.

Tương tự bà Phương, bà Tám cũng là công nhân thất nghiệp rồi chuyển sang làm bảo mẫu. Bà Tám chia sẻ, trước đây bà làm công nhân nhưng vì lớn tuổi, không theo nổi nhịp độ ở nhà máy nên nghỉ, ở nhà. Từ ngày bà nghỉ việc, mọi gánh năng đặt lên lưng người chồng làm nghề phụ hồ.

"Mới đầu tôi ở nhà chăm cháu ngoại, sau có người cùng khu trọ gửi nhờ tôi chăm thêm 2 cháu nhỏ để họ đi làm công ty. Sau vài tháng, thấy nghề này có thu nhập tốt, tôi liền nhận chăm thêm con nhỏ cho nhiều gia đình công nhân trong khu vực. Mấy năm gần đây lúc nào phòng tôi cũng có 7-10 cháu. Mỗi cháu chi phí từ 1,5-2 triệu đồng/tháng", bà Tám cho hay.

Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 6
Thất nghiệp, công nhân thuê phòng trọ mở nhà trẻ, 6 bé chung 1 cái quạt - 7

Cả bà Phương và bà Tám đều thừa nhận bản thân không qua trường lớp nào đào tạo về kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các bà chỉ trông trẻ theo bản năng, như từng chăm con, chăm cháu trước đây.

Những bảo mẫu này cho biết thêm, thời gian gần đây nhiều nữ công nhân thất nghiệp, ở nhà cũng mở dịch vụ nhận giữ trẻ nên công việc ngày càng cạnh tranh. Chỉ những ai biết dùng mạng xã hội, tham gia vào các hội nhóm Facebook thì mới được nhiều khách tìm đến, còn lại phải trông chờ vào lời giới thiệu của các chủ trọ, người bán tạp hóa trong xóm.

Dù thực tế, ai cũng hiểu, thậm chí tận mắt chứng kiến những bất ổn, nguy cơ mất an toàn ở các nhà trẻ tự phát nhưng người lao động nói chung, công nhân nói riêng vẫn bất chấp mối nguy ấy, đánh liều gửi con ở những "nhà trẻ" này, vì cuộc sống, mưu sinh.

Ảnh: Hạ Di, Xuân Trường