DMagazine

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ

(Dân trí) - Đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công, ông Phạm Bá Tiến (Thanh Chương, Nghệ An) rưng rưng xúc động. Sau 91 năm kể từ ngày hi sinh, công lao của liệt sĩ Phạm Khánh đã được công nhận.

Đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công, ông Phạm Bá Tiến (Thanh Chương, Nghệ An) rưng rưng xúc động. Sau 91 năm kể từ ngày hi sinh, công lao của liệt sĩ Phạm Khánh đã được công nhận.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 1

Trong đợt trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 diễn ra tại Nghệ An giữa tháng 7 vừa qua, câu chuyện về liệt sĩ Phạm Khánh (SN 1869, quê xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất. Tính đến thời điểm được công nhận là liệt sĩ, cụ Phạm Khánh đã hi sinh 91 năm. Suốt 91 năm qua, sự hi sinh của cụ vẫn luôn là một ẩn số. Tuy nhiên, với sự tận tâm, tận lực của những người làm công tác chính sách và quyết tâm "không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước", những bí ẩn về cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của cụ Phạm Khánh đã được làm rõ.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 4

Ông Phạm Bá Tiến (SN 1960, trú xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương), cháu nội liệt sĩ Phạm Khánh cho biết: Theo các cụ cao niên kể lại, năm 1930, cụ Phạm Khánh khi đó đã 61 tuổi tham gia đội Tự vệ đỏ, bảo vệ người dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, tham gia biểu tình chống thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cụ bị giặc Pháp bắt rồi đưa đi đâu không rõ. Nối tiếp cụ Phạm Khánh, 2 người con trai cũng tham gia lật đổ chính quyền thực dân vào năm 1945.

Trong suốt nhiều năm, gia đình đã cất công tìm kiếm thông tin về quá trình hoạt động cách mạng và hi sinh của cụ nhưng không có kết quả. Năm 2020, gia đình nhận được thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH về trường hợp hi sinh của cụ Phạm Khánh. Theo tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an thì cụ Phạm Khánh bị giặc bắt giam và đưa vào nhà lao Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), số tù 749. Tại đây, cụ bị địch tra tấn dã man nhưng chúng không khai thác được thông tin gì từ người lính cộng sản này. Sau những đòn tra tấn của kẻ thù, ngày 27/9/1931, cụ Phạm Khánh hi sinh.

Từ những thông tin quý báu và xác thực này, ông Phạm Tiến đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông nội - cụ Phạm Khánh. Đặc biệt hơn, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với cụ Phạm Khánh cùng 386 liệt sĩ khác.

"Sau hơn 90 năm khắc khoải với biết bao lần chờ đợi, hy vọng, rồi lại thất vọng, hụt hẫng nhưng tới ngày hôm nay, sự chờ đợi gần 91 năm qua đã trở thành hiện thực. Gia đình tôi rất tự hào khi được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của ông nội tôi - liệt sĩ Phạm Khánh. Đây là tấm Bằng vinh danh, ghi công những đóng góp, hy sinh của ông nội cho nền độc lập tự do của dân tộc. Đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công hôm nay không chỉ là niềm tự hào, niềm vinh dự của gia đình tôi mà còn là vinh dự, tự hào của cả dòng tộc, xóm làng và quê hương", ôm tấm Bằng Tổ quốc ghi công trong tay, ông Phạm Bá Tiến xúc động chia sẻ.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 5
Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 7

Từ hôm nhận được thông tin bố mình - ông Bùi Văn Thả được công nhận liệt sĩ, ông Bùi Văn Mậu (75 tuổi, trú TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) như khỏe hẳn ra. Sau hơn nửa thế kỷ, những đóng góp của liệt sĩ Bùi Văn Thả đối với sự nghiệp cách mạng đã chính thức được công nhận. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn vượt chặng đường gần 600km vào Nghệ An, giữa những ngày tháng 7 tri ân để đón nhận niềm vui của gia đình mình.

Khi ông Mậu vừa được một tuổi thì ông Bùi Văn Thả qua đời. Tuổi thơ ông Mậu lớn lên trong thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm, sự bày dạy của người cha, dù mẹ ông đã cố gắng bù đắp. Đã biết bao nhiêu lần ông hỏi mẹ, nhưng đáp lại chỉ là tiếng thở dài đến não lòng của góa phụ trẻ, bởi thời điểm đó, mọi thông tin liên quan đến việc ông Thả tham gia cách mạng, mẹ ông cũng chỉ nghe từ người này, người kia. Những thông tin chắp nối từ nhiều nguồn, đặc biệt là sự hỗ trợ của cán bộ ngành LĐ-TB&XH các cấp và quân đội, cuối cùng ông Mậu đã hiểu rõ hơn con đường hoạt động cách mạng và những đóng góp của cha ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1948, ông Thả là du kích, phụ trách liên lạc cho đơn vị quân đội tại huyện Đan Phượng. Trong lúc làm nhiệm vụ, ông Thả bị địch phát hiện. Quyết không để tài liệu mật rơi vào tay địch, trước khi bị bắt, ông Thả đã kịp tiêu hủy. Những đòn roi của địch nơi chốn lao tù không khuất phục được sự kiên định, quyết tâm bảo vệ đồng chí, đồng đội của người du kích trẻ tuổi. Không moi được thông tin, cuối cùng, địch xử tử ông vào ngày 2/8/1948.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 9

Năm 1967, ông Bùi Văn Mậu xuất ngũ trở về nhà, bắt đầu hành trình tìm kiếm thông tin về người cha yêu quý. Thời điểm đó, giao thông, liên lạc khó khăn, khó có thể nói hết những vất vả, gian truân mà ông Mậu đã trải qua. Chỉ cần ai biết thông tin về những đồng đội, đồng chí có thời gian tham gia cách mạng với bố mình, dù xa xôi cách trở, ông đều lặn lội tìm đến, rồi về đơn vị cũ nhờ tìm kiếm, trích lục hồ sơ... Hơn nửa thế kỷ đi nhiều nơi, gặp nhiều người để làm hồ sơ, ông Mậu vẫn luôn tin tưởng có một ngày, những hy sinh và đóng góp của bố sẽ được Tổ quốc ghi nhận. Cuối cùng, những hy vọng của ông cũng được đền đáp.

"Không chỉ tôi mà con cháu đều cảm thấy rất tự hào, phấn khởi khi những hy sinh và công lao của cha, ông sau bao năm đã được Tổ quốc ghi công. Ở nơi suối vàng, hẳn bố tôi cũng rất phấn khởi bởi những đóng góp của ông không bị lãng quên", ông Mậu tâm sự.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 11
Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 13

"Khi ông chú tôi - liệt sĩ Đinh Công Gấm hi sinh, bố tôi còn chưa ra đời", ông Nguyễn Văn Nhân (SN 1974, trú xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) bắt đầu câu chuyện làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Đinh Công Gấm.

Ông Nhân tự hào bởi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, đặc biệt là người em trai của ông nội ông. Cuộc đời chiến đấu anh dũng của người ông cảm tử quân được truyền tụng qua những câu chuyện kể nối tiếp của nhiều thế hệ. 24 tuổi, trong không khí phong trào chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến lan rộng cả nước, người thanh niên Đinh Công Gấm gia nhập đội Cảm tử quân xã Đại Điền. Vào ngày 10/1/1946, khi địch tiến quân đánh chiếm trung tâm quận lỵ Thạnh Phú đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Tiểu đội cảm tử quân xã Đại Điền. Tuy nhiên, những người lính du kích với vũ khí thô sơ đã bị quân địch được trang bị hiện đại, hỏa lực mạnh đẩy lùi. Cả tiểu đội 9 người đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hi sinh.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 15

"Tên của ông chú tôi được khắc trên bia tưởng niệm của xã nhưng chưa được công nhận chính thức là liệt sĩ. Hòa bình lập lại, chúng tôi bắt đầu công cuộc tìm kiếm thông tin để làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Đinh Công Gấm nhưng sự việc xảy ra quá lâu, những người biết, chứng kiến sự việc đã quá già hoặc qua đời. Đã có những lúc chúng tôi tưởng không thể hoàn thành tâm nguyện của bà cố, của ông nội tôi nhưng chúng tôi luôn tin tưởng đến một ngày ông sẽ được vinh danh bởi Tổ quốc không bao giờ quên những người đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước. Thật may mắn, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các bậc lão thành cách mạng, cũng như sự rà soát, tìm kiếm thông tin từ chính quyền các cấp cũng như ngành LĐ-TB&XH, quá trình hoạt động cách mạng, chiến đấu và hi sinh anh dũng của ông tôi đã được làm sáng tỏ", ông Nguyễn Văn Nhân bồi hồi nhớ lại hành trình kéo dài hàng chục năm trời của mình.

Sau gần 80 năm hi sinh, tháng 7 này, trong không khí tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tên của người lính cảm tử Đinh Công Gấm được xướng lên tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

"Rất xúc động, vinh dự và tự hào sau 76 năm khắc khoải, chờ mong, gia đình chúng tôi nhận được tấm Bằng Tổ quốc ghi công, ghi nhận cho sự hy sinh của ông tôi. Đó là cả một hành trình dài tìm kiếm, xác minh thông tin không ngừng nghỉ, không phải riêng gia đình tôi mà của chính quyền các cấp, của ngành LĐ-TB&XH và nhiều ban, ngành...", ông Nhân nói.

Bí ẩn về liệt sĩ sáng tỏ sau gần một thế kỷ - 17