Quảng Nam:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà người có công cách mạng
(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 27/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ niềm vui và xúc động được về thăm Quảng Nam - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, kiên trung, bất khuất.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc.
"Tiếp nối truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn và coi việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi người dân, của thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi mong rằng, tình cảm đó sẽ luôn làm ấm lòng các thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với đất nước", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Quảng Nam là tỉnh có số đối tượng chính sách rất lớn, chiếm hơn 23% dân số cả tỉnh, trong đó có trên 65.400 liệt sĩ; trên 30.700 thương bệnh binh; trên 45.500 người có công giúp đỡ cách mạng; trên 11.800 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 34.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; trên 6.300 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam có 15.332 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", là địa phương có số Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước, chiếm hơn 1/7 số Mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước. Hiện có 430 mẹ còn sống, đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng.
Người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước cho rằng, thời gian qua, mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Quảng Nam đã luôn xác định công tác "Đền ơn đáp nghĩa" là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, không ngừng tập trung huy động mọi nguồn lực để chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công là rất điều đáng trân trọng.
Ngoài chế độ trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước, hàng năm tỉnh Quảng Nam đã chi trên 120 tỷ đồng để trợ cấp, thăm hỏi, tặng quà cho người có công và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền, các Ban, ngành, đoàn thể và các địa phương của tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác người có công, có nhiều hoạt động thiết thực tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Vương Đình Huệ phát biểu.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội trân trọng tôn vinh những tấm gương thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công cách mạng đã phấn đấu vươn lên, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
"Các bác, các anh chị đã không trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, mà bằng nghị lực, sức lực và trí tuệ của mình, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình, giúp giải quyết việc làm cho nhiều người khác, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua của địa phương và cả nước, trong đó có các đại biểu dự gặp mặt hôm nay", ông Huệ nhận định.
Lãnh đạo Quốc hội cũng ghi nhận và biểu dương các cấp, các ngành, các tập thể và cá nhân đã có nhiều việc làm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và tham gia tích cực vào phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" của địa phương.
"Tất cả những gì Đảng, Nhà nước và tỉnh đã làm vẫn còn là rất nhỏ so với sự hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh - những người con ưu tú, anh dũng của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, không quản ngại thân mình, xông pha nơi chiến trường, dầm mình trong mưa bom, bão đạn, nhiều người đã hy sinh cả tính mạng, phần máu xương của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Phú Yên: Truy tặng danh hiệu với 14 Mẹ Việt Nam anh hùng
Đây là hoạt động được tổ chức tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) của tỉnh Phú Yên.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng đến thân nhân 14 mẹ; tặng bằng khen đến 110 gia đình chính sách, có công tiêu biểu.
Hoạt động nhằm tuyên dương, ghi nhớ công ơn lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công cách mạng đã có nhiều cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Trong 75 năm qua, tỉnh Phú Yên luôn quan tâm, làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Đến nay, Phú Yên đã xét và đề nghị Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công hơn 13.700 liệt sĩ, gần 7.500 thương bệnh binh; thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng và một lần đến hơn 18.800 người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm. Qua các đợt phát động, tổ chức "đi tìm đồng đội", đã phát hiện và quy tập gần 11.000 hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
Bạc Liêu: "Chăm sóc người có công là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự"
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh ý nghĩa đó khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) ở địa phương.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, đến nay tỉnh đã xác nhận người có công, giải quyết chế độ và quản lý trên 71.000 người và thân nhân người có công với cách mạng.
Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được lãnh đạo các cấp đặc biệt quan tâm, giúp đỡ với những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: Hàng năm phụng dưỡng suốt đời 62 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ 114 thương binh nặng; chi trợ cấp điều dưỡng tại gia đình cho trên 2.000 người; điều dưỡng tập trung cho trên 400 người; mua bảo hiểm y tế cho trên 29.000 người; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em, thân nhân thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình trên được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Theo Chủ tịch Bạc Liêu, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân của tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày một tốt đẹp hơn.
"Tuy nhiên, chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo.
Vẫn còn những trường hợp người có công chưa hoàn tất hồ sơ để hưởng chế độ và đến nay nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta", Chủ tịch Bạc Liêu trăn trở.
Do đó, Chủ tịch Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đặc biệt, quan tâm đến việc hướng dẫn, thẩm định hồ sơ công nhận để những người có công được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.
Quan tâm giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống để thực hiện bằng được mục tiêu các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cư trú.
"Mong rằng thời gian tới mỗi chúng ta làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công, coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của chúng ta, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam", ông Phạm Văn Thiều chia sẻ.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã khen thưởng và vinh danh 192 người có công với cách mạng tiêu biểu của tỉnh.
Trước đó, tối 26/7, Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Đoàn Bạc Liêu cùng các sở, ngành, địa phương đã tổ chức lễ dâng hoa, thắp hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu trong không khí trang nghiêm, xúc động.
Bạc Liêu có hơn 69.000 đối tượng chính sách, người có công cách mạng. Trong đó, có 12.565 liệt sĩ, 2.101 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6.563 thương binh, 125 bệnh binh, 102 cán bộ lão thành cách mạng, 52 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.311 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 2.589 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 21.952 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 2.693 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng, 2.217 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần. Hiện nay, còn 9.300 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí chi trả hơn 160 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách Trung ương.
Có thể nói, những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần "hiếu nghĩa, bác ái" của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh, người có công và thân nhân người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.
Thanh Hóa: Tôn vinh người có công tiêu biểu
Sáng 27/7, tại Trung tâm Hội nghị 25B, thành phố Thanh Hóa diễn ra lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ, biểu dương người có công tiêu biểu và các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa".
Tham dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan... các đại biểu là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các bậc lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; người có công, thân nhân người có công tiêu biểu; tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa...
Tại buổi lễ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình có công với nước trong toàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, kế thừa truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc; thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, trong suốt 75 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước.
Trong thời gian tới, ông Đỗ Minh Tuấn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng để mọi người dân đều biết, nắm được đầy đủ các thông tin về các chính sách và quyền lợi liên quan đến mình, cũng như người thân trong gia đình mình.
Đồng thời, quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ.
Đảm bảo cho các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công bằng, chính xác, không để xảy ra phiền hà, tiêu cực.
"Các cấp ủy, chính quyền địa phương tại cơ sở thường xuyên theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình người có công để kịp thời động viên, giúp đỡ phù hợp, thiết thực bằng cả vật chất và tinh thần; đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống", ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý, các cấp, ngành tiếp tục triển khai tốt công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo, quản lý chăm sóc các phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ; tích cực triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Cũng tại buổi lễ, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôn vinh, ghi nhớ công ơn và chăm sóc những người có công với cách mạng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các thế hệ hiện tại và mai sau. Trong thời gian tới, công tác chăm sóc người có công với cách mạng, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên quê hương Thanh Hóa anh hùng tiếp tục được duy trì và phát triển với nhiều hình thức, cách làm đa dạng, thiết thực và hiệu quả".
Phát biểu đại diện người có công tiêu biểu, Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Ngọc Thỏa bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể đã luôn quan tâm, động viên những người đã chịu nhiều hi sinh, mất mát, đau thương để giành độc lập cho dân tộc, đồng thời khẳng định những thương bệnh binh, người có công với cách mạng khi trở về quê hương sẽ phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vượt lên tất cả những khó khăn để tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng cuộc sống gia đình, làm giàu cho quê hương, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trao tặng 1.400 suất quà tới người có công với cách mạng.
Nhân dịp này, tỉnh Thanh Hóa cũng tặng nhà đại đoàn kết tới 92 hộ nghèo có thành viên là người có công trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tới 165 người có công, thân nhân người có công với cách mạng tiêu biểu và 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa".