"Với trẻ vùng cao, đường đến trường luôn xa hơn đường lên nương rẫy"
(Dân trí) - Cuốn sách "Hoa Rừng" ghi lại hành trình gần 20 năm hoạt động thiện nguyện của nhóm kiến trúc sư thiết kế và xây dựng các điểm trường vùng sâu, vùng xa trên khắp đất nước.
Sáng 22/2, Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 phối hợp với Công ty TNHH TM Hữu Nghị tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Hoa Rừng của nhóm tác giả kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào và cộng sự.
Dự lễ ra mắt cuốn sách có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Quốc gia, các quỹ liên quan cùng đại diện các tổ chức xã hội, cá nhân thiện nguyện.
Đặc biệt, những "người trong cuộc" tham dự sự kiện là các thầy cô và học sinh vùng cao được trực tiếp thụ hưởng những điểm trường do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 thiết kế, xây dựng.

Bìa cuốn sách "Hoa Rừng" của nhóm tác giả kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và cộng sự (Ảnh: Tô Sa).
"Đường đến trường xa lắm"
Hoa Rừng ghi lại hành trình gần 20 năm KTS Hoàng Thúc Hào và Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 thiết kế và xây dựng các điểm trường vùng sâu, vùng xa trên khắp đất nước.
Tác phẩm góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần vì cộng đồng, đồng thời tôn vinh những đóng góp bền bỉ, ý nghĩa của các tổ chức, cá nhân hảo tâm.
Cuốn sách chứa đựng những câu chuyện cảm động phía sau mỗi công trình, là hành trình "một lạng cảm xúc cộng một tạ mồ hôi" của các kiến trúc sư trong nỗ lực kiến tạo những điểm trường Hoa Rừng, thắp lên những đốm lửa của tri thức và hy vọng.

KTS Hoàng Thúc Hào (Ảnh: Ban Tổ chức).
Tại buổi lễ ra mắt sách, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết, Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 bắt đầu làm kiến trúc cộng đồng cách đây 16 năm, từ nhà cộng đồng thôn Suối Rè (xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đến các điểm trường trên khắp cả nước.
Kiến trúc sư, các nhà hảo tâm và các đơn vị tài trợ đã phối hợp với chính quyền tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, như điều kiện tự nhiên, văn hóa, vật liệu tại chỗ để cùng xây dựng các điểm trường.
Vẻ đẹp của văn hóa bản địa hiển lộ qua những điểm trường hiện đại, truyền cảm hứng cho trẻ em đến trường bất chấp khó khăn trở ngại, khoảng cách xa xôi. Từ đó, các bậc cha mẹ dần thấu hiểu việc đầu tư cho giáo dục, trang bị tri thức cho con em cũng quan trọng không kém việc làm nương rẫy để có cơm ăn.
"Cuốn sách cũng đóng vai trò như một tài liệu tham khảo để xây dựng quy chuẩn thiết kế trường học vùng cao, giúp tận dụng nguồn lực địa phương, tiết kiệm chi phí và tôn vinh bản sắc văn hóa của từng khu vực. Mục đích của chúng tôi là tạo ra "những giá trị gen tích cực"", KTS Hoàng Thúc Hào nói.
Anh Trần Trung Hiếu, thành viên biên tập sách, cho biết tình cờ đến với dự án Hoa Rừng sau cuộc gọi của KTS Hoàng Thúc Hào về nỗi trăn trở thực hiện một cuốn sách.
Trong hơn 100 điểm trường, anh Hiếu đã khảo sát các điểm trường dọc cung đường Tây Bắc, lên tận Điện Biên. Bản thảo đầu tiên hoàn thành vào năm 2022, mất gần 3 năm chỉnh sửa và hoàn thiện để đến tay công chúng.
Khi thả mình dọc quốc lộ 6, những câu chuyện về các điểm trường trong cuốn sách Những ngọn gió Hua Tát của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành chất liệu để anh Hiếu viết nên tác phẩm mà ban đầu anh dự định đặt tên là "Gió Ngàn".
"Một trong những khó khăn nhất mà tôi đúc kết trong cuốn sách là đối với trẻ vùng cao, đường đến trường luôn xa hơn đường lên nương rẫy", anh chiêm nghiệm.

Mỗi câu chuyện trong "Hoa Rừng" cho thấy hành trình gần 20 năm các kiến trúc sư dành tâm huyết thiết kế và xây dựng các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa trên khắp đất nước (Ảnh: Tô Sa).
"Trường học có khác gì resort"
Năm 2016, Văn phòng kiến trúc 1+1>2 phối hợp Quỹ trò nghèo vùng cao của nhà báo Trần Đăng Tuấn và Phoenix Foundation (Quỹ phượng hoàng) xây dựng Trường Tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).
Công trình được đánh giá "vượt qua khuôn khổ một trường tiểu học thông thường", được thiết kế với ngôn ngữ hiện đại, đường nét tươi mới với những sản phẩm gạch đất do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 nghiên cứu và sản xuất.
Trường gồm 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, hiệu bộ, ký túc xá cho học sinh - giáo viên, bếp, khu vệ sinh, sân vườn với chất lượng đảm bảo, đúng theo thiết kế. Ngôi trường hiện lên như một bông hoa rừng, với màu sắc sinh động, có hiệu ứng thị giác mạnh, mỗi góc nhìn là một cảm nhận khác nhau.
Cô Đinh Thị Như Hoa, Hiệu phó Trường Tiểu học Lũng Luông, cho biết sau gần 10 năm đi vào sử dụng, ngôi trường vẫn khang trang, "từng viên gạch vẫn còn nguyên vẻ đẹp giản dị của nó".
"Các thầy cô giáo và học sinh đều chung cảm nhận "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"", cô Hoa nói.

Trường Tiểu học Lũng Luông hiện lên như một bông hoa rừng, với màu sắc sinh động, hiện đại (Ảnh: Văn phòng Kiến trúc 1+1>2).
Năm 2020, Midas Foundation (quỹ từ thiện từ Nhật Bản), VNHelp (tổ chức của Việt kiều Mỹ hoạt động trên lĩnh vực xã hội - từ thiện - nhân đạo), Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 và các nhà hảo tâm đã cùng thực hiện dự án Trường Mầm non và Tiểu học Nà Khoang (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La).
Bản Nà Khoang là nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, địa bàn rừng núi hiểm trở. Ngôi trường nằm giữa làng - một không gian sống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đa dạng, phong phú.
Lấy cảm hứng từ nhịp múa truyền thống, mỗi mái nhà của ngôi trường được thiết kế với một độ nghiêng khác nhau, tựa điệu múa xòe Thái sinh động, nhịp nhàng. Tường xây kết hợp nhiều loại vật liệu như gạch đất không nung từ nguồn đất đào móng, sỏi cuội ở suối được bà con chung tay mang về cách đó 5km.

Mỗi mái nhà của Trường Mầm non và Tiểu học Nà Khoang như trong điệu múa xòe của người Thái (Ảnh: Văn phòng Kiến trúc 1+1>2).
Theo cô giáo Trần Thị Thanh Hòa, chính sự độc đáo của công trình đã thu hút học sinh đến trường. Trước đây, các thầy cô phải đến gõ cửa từng nhà, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. "Từ khi có ngôi trường mới, chúng tôi vui mừng khi phụ huynh tin tưởng chủ động đưa con em đi học đầy đủ", cô Hòa nói.
Theo cô giáo, từ những viên sỏi mỗi người dân góp nhặt mang về đã tạo nên ngôi trường khang trang, là tài sản vô giá không thể nào mua được bằng tiền.
Bà Lê Thu Trang, Trưởng đại diện quỹ Midas Foudation tại Việt Nam, ấn tượng với hình ảnh mỗi mái nhà của Trường Mầm non và Tiểu học Nà Khoang như điệu múa xòe của người Thái. Nhiều chuyên gia đến thăm đã nhận xét "trường học có khác gì resort đâu".

Giữa núi rừng bạt ngàn mọc lên ngôi trường độc đáo, phụ huynh tin tưởng đưa con em đến trường (Ảnh: Văn phòng Kiến trúc 1+1>2).
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, 54 tuổi, là một trong những gương mặt tiêu biểu của kiến trúc Việt Nam đương đại, với nhiều đóng góp quan trọng cho cộng đồng.
Năm 2003, ông thành lập Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, tập trung hỗ trợ các cộng đồng thiểu số, yếu thế, bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa.
KTS Hoàng Thúc Hào đề xuất triết lý "Kiến trúc hạnh phúc" - kiến trúc không đơn thuần chỉ là thiết kế, kiến tạo không gian, mà có khả năng mang đến công bằng và hạnh phúc.
Các công trình của ông và cộng sự đã được ghi nhận qua rất nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, khẳng định cách tiếp cận hiệu quả, kết hợp tri thức hàn lâm và kinh nghiệm dân gian, yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa cốt lõi, minh chứng cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương trong bối cảnh đương đại.