Tháo gỡ khúc mắc để người có công không "lỡ" chế độ

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại cuộc tiếp công dân ngày 20/7. Người đứng đầu ngành đã giải đáp cặn kẽ khúc mắc của nhiều công dân.

"Không để công dân phải đi lại nhiều"

Tại buổi tiếp công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các đơn vị như Thanh tra Bộ, Cục Người có công, Vụ Bảo hiểm Xã hội đã lắng nghe các ý kiến, thắc mắc của công dân và xem xét các tài liệu kèm theo, trong đó có nhiều kiến nghị, đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi thương bệnh binh; đề nghị được giám định bổ sung vết thương; xử lý việc người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Tháo gỡ khúc mắc để người có công không lỡ chế độ - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các đơn vị tại buổi tiếp công dân ngày 20/7 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trên tinh thần không để công dân phải đi lại nhiều, Bộ trưởng quán triệt các đơn vị chức năng, trường hợp nào giải quyết được cần xử lý dứt điểm, còn những vấn đề không thuộc thẩm quyền Bộ, Bộ sẽ có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành địa phương xem xét giải quyết.

"Tất cả những vấn đề công dân nêu trong ngày hôm nay, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Bộ, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhận đơn kiến nghị của công dân Tạ Văn Sốp (hiện đang sinh sống tại phường Mai Dịch, Cầu giấy, Hà Nội) về việc được giám định bổ sung vết thương.

Trong đơn, ông Sốp cho biết từng có thời gian 3 năm tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang và bị thương do pháo địch bắn. Sau 2 tháng được điều trị vết thương, ông Sốp quay lại tiếp tục tham gia chiến đấu, đến tháng 10/1987 thì ra quân. Năm 2008 vết thương cũ tái phát, ông Sốp đã vào bệnh viện E chụp phim và phát hiện còn mảnh pháo trong người.

Tháo gỡ khúc mắc để người có công không lỡ chế độ - 2

Công dân Tạ Văn Sốp (hiện đang sinh sống tại phường Mai Dịch, Cầu giấy, Hà Nội) mong muốn được đề nghị giám định bổ sung vết thương (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cụ thể, ông Sốp trình bày, cơ thể ông hiện vẫn còn mảnh kim khí trong khớp háng. Ông này đã có giấy chứng nhận bị thương tật (giám định tỷ lệ thương tật 16%) sau khi điều trị vết thương.

Sau khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, ông Sốp có mong muốn được đề nghị giám định vết thương tại vị trí khớp háng.

Tiếp thu, lắng nghe ý kiến của công dân Tạ Văn Sốp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý và chỉ đạo các đơn vị cho vận dụng giám định bổ sung vết thương theo đề nghị của ông Sốp để đảm bảo người có công được hưởng các chính sách, chế độ kịp thời.

Sau cuộc trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Sốp bày tỏ: "Tôi rất cảm ơn Bộ trưởng đã lắng nghe, quan tâm giải quyết chính xác trường hợp của tôi. Bộ trưởng đã đưa ra những quyết định kịp thời, chính xác, đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước là quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thực sự của những người có đóng góp cho cách mạng, cho độc lập, tự do của tổ quốc".

Tháo gỡ khúc mắc để người có công không lỡ chế độ - 3

Công dân Lương Tuấn Khanh đề nghị xem xét giải quyết chế độ người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Một trường hợp khác là công dân Lương Tuấn Khanh (sinh năm 1941, quê ở xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, hiện tại đang sinh sống tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Ông Khanh bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Hội An trong thời gian từ năm 1966 -1969 đề nghị xem xét giải quyết chế độ người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Sau khi xem xét hồ sơ của ông Khanh, Bộ trưởng khẳng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng. Nếu đúng là người có công, Đảng, Nhà nước sẽ ghi công bằng các chế độ chính sách".

Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH Bình Dương phối hợp công an tỉnh này xem xét hoàn thiện hồ sơ đối với ông Lương Tuấn Khanh.

Ủng hộ công dân đấu tranh chống tiêu cực

Tiếp một trường hợp khác là ông Dương Bảo Ngọc (trú tại xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên), Bộ trưởng nghe ông Ngọc trình bày bức xúc với những biểu hiện nghi vấn về hành xử của cán bộ địa phương, cơ sở, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết 54 năm 2016 về giải quyết chế độ người có công.

Theo phản ánh của ông Bảo, trên địa bàn có nhiều trường hợp là cán bộ xã làm hồ sơ đưa con em trong gia đình vào danh sách nạn nhân chất độc da cam để hưởng chế độ bằng cách "mua", "chạy" giấy tờ chứng nhận, giám định.

Sau khi lắng nghe ý kiến của ông Ngọc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm kích vì tinh thần trách nhiệm cao của một cựu chiến binh khi không đi kêu, cầu cho mình mà sẵn sàng đấu tranh vì sự trong sạch, minh bạch trong thực hiện chính sách nói chung, nhất là chính sách với người có công.

Tháo gỡ khúc mắc để người có công không lỡ chế độ - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Bộ, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Theo Bộ trưởng, hiện còn một số ít trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách ưu đãi người có công gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang triển khai thanh tra toàn diện trên cả nước việc thực hiện các chính sách về người có công để bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Bộ trưởng nhắc nhở lãnh đạo Thanh tra Bộ, Cục Người có công xem xét các trường hợp được phản ánh, cần thiết thì rút hồ sơ lên Bộ kiểm tra cho công tâm, khách quan.

Tại buổi tiếp công dân, Bộ trưởng cũng bày tỏ day dứt trước một số trường hợp người có công vẫn chưa được hưởng chính sách do những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm thông tin, hoàn thiện hồ sơ để người có công thực sự được thụ hưởng các chính sách đãi ngộ.

Sau khi nghe các công dân trình bày thắc mắc, kiến nghị và cung cấp tài liệu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên tới việc xây dựng các chính sách hướng tới đảm bảo và nâng cao mức sống người với cách mạng.

Tuy nhiên, do chiến tranh và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, số đối tượng người có công đông nên việc thực hiện chính sách vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung. Đặc biệt, ngành hết sức quan tâm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, phát sinh theo quan điểm có lý, có tình, không né tránh và đùn đẩy trách nhiệm.