"Phí" hay "giá" BOT cũng phải bảo đảm lợi ích người dân

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, dù gọi tên là “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” BOT thì vẫn phải đặc biệt chú ý đến lợi ích của người dân.

Chiều ngày 23/5, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội - phân tích những vấn đề liên quan đến việc đổi tên “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT giao thông”.

- Việc chuyển tên gọi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” BOT có phù hợp với Luật phí, lệ phí và Luật giá hay không, thưa ông?

- Vấn đề ở đây là liên quan đến thuật ngữ. Còn gọi là phí hay giá khi bù đắp chi phí của nhà đầu tư cũng phải thực hiện đúng thẩm quyền, đặc biệt là phải chú ý đến lợi ích của nhân dân địa phương.

Tất nhiên muốn đi thì phải có đường, nhưng nhiều tuyến quốc lộ trước đây anh chỉ phủ lên mà lại thu phí là không hợp lý. Vì thế mà vừa qua người dân sống gần các trạm thu phí đã xung đột với các chủ đầu tư vì họ cảm thấy bị vi phạm lợi ích.

Các trạm thu phí BOT trước đây đã được chuyển thanh trạm thu giá (Ảnh: VOV)
Các trạm thu phí BOT trước đây đã được chuyển thanh trạm thu giá (Ảnh: VOV)

- Việc chuyển từ "phí" sang "giá" ở các trạm BOT liệu có ảnh hưởng đến lợi ích của người tham gia giao thông trên các tuyến đường được xây dựng theo hình thức BOT hay không?

- Về bản chất thu phí hay thu giá thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc là đúng thẩm quyền và phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả hai phía, nhà đầu tư và của người sử dụng dịch vụ.

- Nếu để tên gọi là “trạm thu phí” thì HĐND tỉnh thành có thể quyết định mức thu. Còn chuyển thành “trạm thu giá” thì nhà đầu tư có thể đề xuất theo cơ chế thị trường?

- Việc chuyển từ "phí" sang "giá" thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Tức là trong cơ chế thị trường thì nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp. Nhưng như tôi đã nói việc đảm bảo lợi của nhà đầu tư thì cũng phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương.

- Khi chuyển từ "phí" sang "giá", Quốc hội có cơ chế nào để giám sát nhà đầu tư tăng quá mức chịu đựng của người tham gia giao thông?

- Thực tế, dù là cơ chế thị trường thì vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là những loại hàng hóa cung cấp dịch vụ công cộng như trạm thu phí BOT. Trước hết, Bộ GTVT phải có trách nhiệm với người dân vì quản lý trực tiếp ngành giao thông. Sau đó, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng phải kiểm soát, dù theo cơ chế thị trường.

Bản chất, nếu tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT thì người dân cũng có quyền lựa chọn đi theo tuyến đường phù hợp khác. Và người dân cũng phải có ý kiến khi nhà đầu tư đề xuất các phương án tăng giá.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)