1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao các đội bóng Hàn, Nhật đồng ý “nhả” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường?

(Dân trí) - Đặt trường hợp các CLB Mito Hollyhock, Yokohama FC (Nhật Bản), hay Incheon United (Hàn Quốc) không “nhả” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cho giải đấu giao hữu tại Myanmar, thì đội tuyển Việt Nam cũng đành chịu. Rồi trong trường hợp các cầu thủ ấy về đội tuyển cũng chưa hẳn đã hay.

Đối với mọi giải đấu không nằm trong hệ thống thi đấu thường niên của FIFA, các CLB có quyền không “nhả” người cho các đội tuyển quốc gia. Giải đấu giao hữu quốc tế tại Myanmar, diễn ra từ ngày 3 – 5/6 tới đây chắc chắn không phải là giải đấu thuộc hệ thống FIFA, cũng không nằm trong lịch đá giao hữu “FIFA days” của liên đoàn bóng đá thế giới.

Thế nên, trong trường hợp các CLB Mito Hollyhock, Yokohama FC và Incheon United muốn làm khó, họ có quyền không trả Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường về cho đội tuyển Việt Nam.

Dù vậy, thực tế mấy tháng qua cho thấy cả 3 cầu thủ nọ không phải là cầu thủ quan trọng đối với đội bóng mà họ đang đầu quân. Với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, việc được đăng ký ở các trận đấu chuyên nghiệp thuộc J-League 2 và K-League, dưới màu áo các CLB vừa nêu còn khó, chứ huống hồ là được ra sân.

Có Công Phượng thì khả năng bán vé của đội tuyển sẽ cao hơn, nhưng lại làm gián đoạn quá trình thích nghi của cầu thủ này với CLB của Nhật Bản mà anh đang khoác áo (ảnh: Gia Hưng)
Có Công Phượng thì khả năng bán vé của đội tuyển sẽ cao hơn, nhưng lại làm gián đoạn quá trình thích nghi của cầu thủ này với CLB của Nhật Bản mà anh đang khoác áo (ảnh: Gia Hưng)

Chính vì thế, cả Mito Hollyhock, Yokohama FC và Incheon United đều gật đầu khi VFF ngỏ ý muốn xin 3 cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường về khoác áo đội tuyển.

Tuy nhiên, việc 3 cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của bầu Đức về với đội tuyển lần này chưa hẳn đã tốt. Để Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thích nghi với các CLB mà họ đang đầu quân là điều không dễ, đặc biệt là để thích nghi với cường độ tập luyện tại đấy. Khác biệt lớn giữa bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc hiện tại so với bóng đá Việt Nam là cách tập rất khác, khối lượng tập rất khác và mức độ tập luyện càng khác xa.

Nếu muốn đi tìm ví dụ về sự khác biệt đấy thì cứ nhìn vào cách một HLV người Nhật là ông Miura muốn truyền thụ cách tập luyện kiểu Nhật cho các cầu thủ Việt Nam, thời ông này còn nắm đội tuyển quốc gia thì khắc thấy.

Giờ thì đội tuyển Việt Nam, thông qua VFF chạy đôn chạy đáo để có được sự phục vụ của 3 cầu thủ này ở một giải giao hữu có khi lợi bất cập hại, nhất là bất cập trong việc làm gián đoạn quá trình tập luyện và quá trình thích nghi của họ, vốn mới chỉ khả quan hơn chút ít.

Về lại đội tuyển, tập theo cách của đội tuyển, sau đó lại quay trở lại Nhật Bản và Hàn Quốc, buộc phải theo kịp cường độ của các đồng đội mới thì khác nào làm lại từ đầu.

Câu hỏi được đặt ra là cả 3 cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường quan trọng đối với đội tuyển quốc gia đến mức đó chăng? – Đến mức phải chạy đôn chạy đáo xin cho họ trở về khoác áo đội tuyển, trong khi vẫn còn rất nhiều cầu thủ khác đang có phong độ tốt, đủ khả năng lấp chỗ trống của những cầu thủ ấy về mặt chuyên môn cho các trận giao hữu.

Sao cứ nhất nhất kéo 3 cầu thủ nọ về nước trong khi đây là lúc mà họ cần thêm thời gian để thích nghi, để trưởng thành trong môi trường mới, thay vì quay về chỉ để đánh đu với việc toả sáng hay không toả sáng ở một giải giao hữu?

Kim Điền

Vì sao các đội bóng Hàn, Nhật đồng ý “nhả” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường? - 2

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016