Tương lai “mờ mịt” của doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc
(Dân trí) - Những doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tương lai “mờ mịt” khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào các doanh nghiệp của Bình Nhưỡng ở nước ngoài sắp có hiệu lực vào tháng 1 năm tới.
“Thị trấn Triều Tiên”
Reuters đưa tin, khách sạn Triều Tiên Chilbosan ở Thẩm Dương, thành phố lớn nhất vùng đông bắc Trung Quốc, giống một Triều Tiên thu nhỏ với hầu hết nhân viên là người nước này. Khách ở đây chủ yếu là người Trung Quốc.
Theo ông Lu Chao, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên tại Học viện khoa học xã hội Liêu Ninh thì Chilbosan là thương vụ đầu tư lớn nhất của Triều Tiên ở nước ngoài. Khách sạn này tọa lạc tại giao lộ chính ở Thẩm Dương, nơi quy tụ các công ty Triều Tiên ở Trung Quốc.
Các phòng bên trong chẳng khác gì một khách sạn thương mại điển hình của Trung Quốc trừ việc khách lưu trú có thể xem thêm kênh truyền hình Triều Tiên, và bất cứ ai muốn bay đến nước này qua hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo có thể mua vé ngay tại đại lý của hãng ở sảnh chính. Quanh tòa nhà là các biển tên tiếng Trung Quốc và Triều Tiên.
Nơi được mệnh danh là "Thị trấn Triều Tiên" có tên là Xita, thuộc thành phố Thẩm Dương chỉ cách biên giới Triều Tiên hơn 1h đồng hồ đi tàu tốc hành. Nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng và phòng trưng bày nghệ thuật của Triều Tiên nằm rải rác ở đây.
Theo những người bán rong và nhân viên dán nhãn ở cửa hàng bách hóa Triều Tiên, dân Triều Tiên ở Xita thường đi theo nhóm khi chọn các mặt hàng như quần áo, đồ chơi và vải lanh, chủ yếu từ Hàn Quốc. Ở tầng trên cùng, Li Xinwei điều hành tiệm làm móng, nơi 1/3 số khách hàng của cô là người Triều Tiên và có thẻ thành viên.
"Đa số khách hàng Trung Quốc chọn gói làm móng 100 nhân dân tệ (khoảng 15 USD), nhưng khách Triều Tiên thì thường chi đến 300 nhân dân tệ", Li cho biết. "Hầu hết dân Triều Tiên đến đây để mua quần áo, tất cả đều nhập từ Hàn Quốc. Nhưng họ phải cắt nhãn hiệu ra trước khi mang chúng về Triều Tiên", cô chia sẻ.
Tuy nhiên, số khách Triều Tiên đang giảm, theo lời Li, và các doanh nhân Trung Quốc cho biết số lượng công ty của Bình Nhưỡng đã thu hẹp trong những năm gần đây khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên dường như có dấu hiệu tăng lên. "Nhiều công ty thương mại liên doanh Trung Quốc - Triều Tiên đã đóng cửa”, một thương nhân giấu tên người Trung Quốc ở Thẩm Dương kể rằng mình từng buôn bán than với Triều Tiên cho đến khi có lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. "Hiện chúng tôi đang chịu đủ các loại sắc lệnh hạn chế giao dịch với Triều Tiên. Tôi vừa đặt mua một mẻ đá cuội vì mặt hàng này chưa bị cấm", ông nói.
Có hai nhà hàng Triều Tiên ở Xita - tên Pyongyang và Mudan - phục vụ ẩm thực Triều Tiên và biểu diễn vào ban đêm với những ca khúc cổ điển Trung Quốc.
Tương lai "mờ mịt" cho doanh nghiệp Triều Tiên
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, các công ty Triều Tiên hoặc các liên doanh của nước này ở Trung Quốc vào đầu tháng 1/2018 sẽ bị đóng cửa theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an thông qua ngày 12/9. Tại lãnh sự quán Triều Tiên ở Thẩm Dương, người phụ trách trực điện thoại nói rằng cô không biết chuyện gì sẽ xảy đến với các công ty và liên doanh của nước này khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Tại nhà hàng Pyongyang, một nhân viên nữ vừa hoàn thành buổi diễn cho biết cô chỉ mới thực tập ở đây hơn một năm sau khi tốt nghiệp đại học. "Chúng tôi sẽ không về (Triều Tiên), việc kinh doanh ở đây rất tốt", cô trả lời khi được hỏi về việc liệu họ có sớm rời đi vì lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hay không.
Nhân viên lễ tân tại khách sạn Chilbosan thì cho biết họ không có kế hoạch đóng cửa vì lệnh trừng phạt. Theo báo cáo chính thức của phía Trung Quốc, khách sạn này có 70% cổ phần sở hữu bởi liên doanh Liêu Ninh-Triều Tiên và 30% thuộc sở hữu của Hongxiang, một doanh nghiệp sản xuất máy móc công nghiệp Trung Quốc đã bị Mỹ phong tỏa năm ngoái vì cáo buộc hỗ trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cả hai đơn vị này đều từ chối bình luận khi được hỏi về tương lai của khách sạn.
Một lựa chọn cho các đối tác Triều Tiên trong liên doanh ở Trung Quốc là bán đi cổ phần của mình, trước khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực vào tháng 1/2018. Phó giáo sư Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Renmin Bắc Kinh, nói: "Vấn đề ở đây là tháng 1 đã đến gần nên họ không còn nhiều thời gian để thoái vốn".
Các biện pháp trừng phạt gần đây đang "bóp nghẹt" các công ty Triều Tiên ở nước ngoài, mà lợi nhuận được chuyển về cho nhà nước, theo phó giáo sư Cheng. Nếu không đạt chỉ tiêu, giám đốc sẽ bị rút về và một người mới được cử đến thay thế. "Chính phủ Triều Tiên đã tăng các chỉ tiêu vì cơ hội kiếm tiền ngày càng ít hơn", ông Cheng nói.
Đỗ Anh
Theo Reuters