1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tây Ban Nha sẽ tước quyền tự trị nếu Catalonia phản hồi lấp lửng về độc lập

(Dân trí) - Chính quyền Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cai quản xứ Catalonia nếu Thủ hiến Carles Puigdemont trả lời lấp lửng về việc Barcelona đã tuyên bố ly khai khỏi Madrid hay chưa.

Biểu tình phản đối Catalonia diễn ra hồi tuần trước tại Barcelona. (Ảnh: Reuters)
Biểu tình phản đối Catalonia diễn ra hồi tuần trước tại Barcelona. (Ảnh: Reuters)

Ngày 10/10, Thủ hiến Puigdemont đã ký tuyên bố độc lập, nhưng tạm hoãn thi hành ngay sau đó và kêu gọi Madrid cùng ngồi vào bàn đàm phán thương lượng về tương lai của xứ Catalonia.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã cho Catalonia hạn tới ngày 16/10 để làm rõ việc ông đã tuyên bố độc lập hay chưa và đến ngày 19/10 để thay đổi ý kiến. Madrid cũng cảnh báo sẽ tước đi quyền tự trị của Catalonia nếu họ nhận được câu trả lời lấp lửng.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido trả lời Reuters ngày 14/10 cho biết: “Câu trả lời không được phép mập mờ. Ông ấy phải nói có hoặc không. Nếu ông ấy lấp lửng, điều đó có nghĩa là ông ấy không muốn đối thoại. Điều này buộc chính phủ Tây Ban Nha phải hành động”.

Ông Puigdemont được cho là đang tham vấn với các đảng địa phương để chuẩn bị câu trả lời. Ông đang đối mặt với tình thế vô cùng khó xử. Nếu ông phản hồi đã tuyên bố độc lập, chính quyền trung ương sẽ can thiệp. Nếu trả lời chưa tuyên bố độc lập, ông sẽ làm phật lòng các đồng minh và đảng Cực hữu CUP sẽ có thể ngừng ủng hộ ông Puigdemont. Phát ngôn viên đảng CUP ngày 13/10 đã lên tiếng kêu gọi Thủ hiến Catalonia tuyên bố rõ ràng về nền độc lập.

Chính quyền Catalonia cho biết 90% người dân đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 mà các nhà chức trách Tây Ban Nha gọi đó là “bất hợp pháp”. Cuộc bỏ phiếu đã bị hầu hết các đối thủ phản đối Catalonia giành độc lập tẩy chay khiến số lượng người đi bỏ phiếu chỉ vào khoảng 43%.

Trong tình huống xấu nhất, Madrid sẽ kích hoạt điều 155 trong hiến pháp Tây Ban Nha cho phép họ tạm dừng quyền tự trị của một khu vực nếu nó phạm pháp. Điều luật này cho phép Tây Ban Nha hạ bệ chính quyền của ông Puigdemont và mở cuộc bầu cử khu vực, tiền lệ chưa từng xảy ra kể từ khi Hiến pháp được thông qua năm 1978.

Đức Hoàng

Theo Reuters