1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi TPP?

(Dân trí) - Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ và có thể tạo cơ hội để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với thương mại khu vực và toàn cầu.


Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày nhậm chức vào đầu năm tới. Ông Trump cho biết thêm, chính quyền của ông dự định sẽ thiết lập các hiệp định thương mại song phương khác công bằng hơn, giúp đưa việc làm trở lại nước Mỹ". Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cũng tuyên bố ngừng nỗ lực vận động để thông qua TPP tại Quốc hội trước khi ông hết nhiệm kỳ.

Chiến lược xoay trục sang châu Á rơi vào thế khó?

Hiệp định TPP do Mỹ khởi xướng là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong một nỗ lực được cho là nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Và do vậy, Mỹ nếu quyết định rút khỏi TPP sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục mà Washington nỗ lực bấy lâu nay.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một bài phát biểu hồi tháng 9 từng nói rằng “bác bỏ TPP sẽ là một sai lầm nghiêm trọng” bởi khi đó “chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội bảo vệ những lợi ích và giá trị của chúng ta, bỏ lỡ cơ hội lãnh đạo một khu vực chiếm hơn 1/4 dân số thế giới và định hình thế kỷ 21”.

Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á, Deborah Elms, nhận định: “Điều này đặt dấu chấm hết cho sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại toàn cầu, và vai trò này sẽ dịch chuyển sang châu Á".

Đồng tình với quan điểm này, Michael Kugelman, chuyên gia thuộc Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ), nhận định việc rút khỏi TPP sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự tín nhiệm của Mỹ ở châu Á. "Khó có thể hình dung Mỹ hoàn thành chính sách tái cân bằng châu Á mà không có TPP. Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á đang rơi vào thế khó”, ông Kugelman nói.

Ở chiều ngược lại, Robert Eldridge, cựu quan chức Lầu Năm Góc, cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi TPP sẽ kéo theo tác động tiêu cực về kinh tế và an ninh của khu vực châu Á trong ngắn hạn.

New York Times bình luận: “Không có TPP, chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama sẽ bị tác động đáng kể, và nếu muốn tiếp tục Mỹ sẽ phải nghiêng hơn về hợp tác quân sự. Sự thay đổi chính sách sẽ khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực hoài nghi về vai trò của Mỹ”. Theo tờ báo này, Tổng thống đắc cử Trump dường như ít quan tâm đến châu Á, ngoại trừ vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc và việc cho rằng Bắc Kinh thao túng tiền tệ.


Theo giới chuyên gia, nếu từ bỏ TPP nhưng vẫn muốn xoay trục sang châu Á, Mỹ sẽ phải tăng cường hợp tác về quân sự. (Ảnh: Military)

Theo giới chuyên gia, nếu từ bỏ TPP nhưng vẫn muốn xoay trục sang châu Á, Mỹ sẽ phải tăng cường hợp tác về quân sự. (Ảnh: Military)

Đến nay, chính sách của ông Trump với châu Á sẽ như thế nào vẫn là một bí ẩn, hoặc ông có thể sẽ tiếp tục chiến lược xoay trục sang châu Á hoặc sẽ theo đuổi một chiến lược “tái khẳng định” như khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” như ông từng nhiều lần tuyên bố.

Một số chuyên gia cho rằng, ông Trump phản đối TPP không có nghĩa ông ấy phản đối tất cả các hiệp định thương mai. Chính ông Trump và các cố vấn của ông từng khẳng định, ông cởi mở với các thỏa thuận thương mại với các điều khoản có lợi hơn cho nước Mỹ và có thể là các hiệp định song phương thay vì đa phương. Ngoài ra, các cố vấn của ông cũng nói rằng, ông không có ý định rút khoảng 78.500 binh sĩ khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như không có ý định giảm tầm ảnh hưởng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc sẽ "thế chân"?

Không phải chỉ khi Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày nhậm chức, mà ngay từ chiến dịch tranh cử khi tỷ phú này bày tỏ quan điểm phản đối hiệp định, dư luận đã đồn đoán về khả năng Trung Quốc sẽ “thế chân” Mỹ nếu Washington rút đi và để lại khoảng trống ở châu Á-Thái Bình Dương.

Simon Rabinovitch, chuyên gia kinh tế của tạp chí Economist, cho rằng: “Sự đổ vỡ của TPP sẽ tạo ra khoảng trống ở châu Á. Hiện có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẵn sàng thế chân để lấp đầy khoảng trống đó, trở thành lãnh đạo khu vực trong việc định hình các thỏa thuận thương mại”.

BBC dẫn lời nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers nhận định, từ bỏ TPP đồng nghĩa với việc Mỹ "dâng" châu Á và Thái Bình Dương cùng những người bạn của mình cho Trung Quốc. Financial Times bình luận: “Mỹ từ bỏ TPP sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc để đàm phán về các quy tắc thương mại, giành lại những người bạn trong số các nước châu Á và khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực”.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương nhanh chóng tham gia các hiệp định thương mại do Bắc Kinh hậu thuẫn. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương nhanh chóng tham gia các hiệp định thương mại do Bắc Kinh hậu thuẫn. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc tuy không tham gia TPP, nhưng họ cũng đã có kế hoạch chống lại hiệp định thế kỷ này với việc thúc đẩy RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực) giữa 10 nước Đông Nam Á và 6 đối tác thương mại lân cận, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Bắc Kinh dường như cũng không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy các hiệp định thương mại khác vốn được coi là đối trọng với TPP sau khi ông Trump đắc cử. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC cuối tuần trước ở Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương nhanh chóng tham gia các hiệp định thương mại do Bắc Kinh hậu thuẫn. “Xây dựng một khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương là một sáng kiến chiến lược quan trọng và lâu dài đối với khu vực. Chúng tôi kiên quyết theo đuổi FTAAP. Cởi mở chính là sự sống còn đối với sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Tập nói. Ông Tập cho biết thêm, Trung Quốc dự kiến sẽ sớm hoàn tất RCEP và mở cửa cho các nước Mỹ Latinh tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng.

Minh Phương

Tổng hợp