Để trường tự phong GS,PGS: Nếu "thả" sẽ “loạn”?

(Dân trí) - Ở Việt Nam, chất lượng giáo dục giữa các trường công và trường tư vẫn còn có sự chênh lệch lớn. Hiện tại nếu thả để các trường tự phong GS,PGS thì “loạn” mất vì không chỉ trường công mà kể cả các trường tư cũng đều có quyền phong.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục trước việc trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường.

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM: “Nếu như nước mình như các nước khác ngay từ đầu việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) do trường bổ nhiệm thì cách của Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm sẽ không có vấn đề gì. Thế nhưng ở ta có Hội đồng chức danh GS của Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ để xét duyệt với các tiêu chuẩn riêng. Thậm chí có người nộp hồ sơ “5 lần, 7 lượt” vẫn không được phong PGS, còn đối với học hàm GS thì yêu cầu lại còn cao hơn nữa”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

"Còn cách Trường ĐH Tôn Đức Thắng phong như thế thì không thể nào phân biệt được GS của trường hay GS của Nhà nước công nhận. Điều này sẽ gây lẫn lộn. Thà mình sau này mình có quyết định Nhà nước không xét chức danh GS, PGS mà trả lại việc đó cho các trường thì mới được quyền làm.

Đúng là hiện nay không có quy định cấm các trường tự phong GS, PGS nhưng cũng chẳng ai cho phép việc này. Thêm nữa, trường tự phong như vậy thì hội đồng xét duyệt đó phải như thế nào, phải có những thành viên là GS của Nhà nước, phải có tiêu chí chặt chẽ để thận trọng chọn ra đúng người có chất lượng. Chứ không thể vì có trường hợp không đủ tiêu chuẩn GS của Nhà nước mà đăng ký vào trường để được phong GS của trường.

Tôi rất cổ động cho việc tự trị ĐH tức tự quyết nhiều việc của trường mình. Nhưng theo tôi, ở Việt Nam hiện nay rất ít trường có đủ điều kiện để tự trị ĐH, ngoại trừ ĐH Quốc gia mới có thể đủ người, đủ lực mới làm được việc đó chứ một trường ĐH “lặt vặt” mà nội hàm của nó còn nhỏ hơn một bộ môn của một trường ĐH quốc tế thì làm sao tự trị ĐH được. Họ sẽ cục bộ, phong GS, PGS loạn hết. Ở nước ngoài, người ta không phong tràn lan GS, PGS một cách chung chung mà ở trường đó chỉ có một GS ở một ngành đó thôi cho đến khi có người khác được thay, hoặc tuyển GS cho chức danh của nhà trường.

Nếu Trường Tôn Đức Thắng làm vậy thì các trường khác cũng có thể làm theo. Tôi cho rằng như vậy thì sẽ loạn và không hay. Phải có quy định rõ ràng, trường nào mới được quyền nếu không sẽ lẫn lộn giữa GS tự phong của trường và GS của Nhà nước".

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống “nếu cho rằng việc phong giáo sư, phó giáo sư là để hội nhập quốc tế và tiến gần với các trường tiên tiến trên thế giới là phiếm diện. Trong hệ thống giáo dục của mình để hội nhập quốc tế, để tiến bộ thì cần nhiều yếu tố như thay đổi chương trình đào tạo…nhưng quan trọng nhất là hệ thống tổ chức phải hội nhập”.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nêu ý kiến rằng việc tự bổ nhiệm GS, PGS của trường ĐH Tôn Đức Thắng là không sai pháp luật nhưng chưa đúng với Việt Nam vào thời điểm này bởi chuẩn của Việt Nam hiện nay chưa cho phép. “Ở nước ngoài thì người ta đã quyết định các trường được phong GS, PGS rồi còn với nước mình điều kiện hiện này thì làm điều này chưa được mà phải mất một thời gian nữa”, ông Hay cho biết.


PGS.TS Nguyễn Hay (ảnh internet)

PGS.TS Nguyễn Hay (ảnh internet)

Ông Hay cho rằng, Ở Việt Nam, chất lượng giáo dục giữa các trường công và trường tư vẫn còn có sự chênh lệch lớn. Hiện tại nếu “thả” để các trường tự phong GS,PGS thì “loạn” mất vì không chỉ trường công mà kể cả các trường tư cũng đều có quyền phong. Thực tế chắc hội đồng xét duyệt của những trường này đảm bảo đủ. Ngoài ra việc tự phong như thế bao giờ cũng không tránh khỏi có sự thiên vị của nhà trường với mong muốn trường mình có nhiều GS, PGS  cán bộ khoa học trình độ cao

“Do đó tôi nghĩ rằng có việc phong hàm GS, PGS là theo quy định của Nhà nước, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng do hội đồng cấp nhà nước, hội đồng chuyên ngành của cả nước đảm nhiệm là hợp lý. Bây giờ mình chưa thay đổi liền được mà cần phải có thời gian để xem xét hội đồng của trường nào có thể phong được. Hội đồng của trường đó phải đủ sức, đủ năng lực để xem xét phong GS hay PGS chứ không thể để tràn lan được”, ông Hay chia sẻ.

Lê Phương

(Email: lephuong@dantri.com.vn )

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm