Trường ĐH Tôn Đức Thắng giải thích về việc tự phong giáo sư, phó giáo sư

(Dân trí) - Ngày 16/9, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có buổi gặp với báo chí để thông tin rõ về việc xét và bổ nhiệm GS, PGS của trường. Phía trường cho rằng việc phong GS, PGS chỉ là chức vụ chuyên môn trong trường, phân biệt với học hàm mà Hội đồng chức danh Nhà nước công nhận.


Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng trao đổi với báo chí về việc phong GS,PGS

Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng trao đổi với báo chí về việc phong GS,PGS

Ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng tổ chức hành chính trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết “Việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường được thực hiện dựa trên quyền tự chủ được cho phép thí điểm theo Quyết định 158 của Thủ tướng Chính Phủ. Trường phân chức vụ được bổ nhiệm trong nhà trường làm 2 loại: Chức vụ quản lý như Ban giám hiệu, Trưởng phòng- khoa, Trưởng bộ môn và Chức vụ chuyên môn: Tập sự giảng dạy, Trợ giảng, Giảng viên, GS trợ lý, PGS, GS”.

Theo ông Ninh, hiện nay chức danh GS, PGS mà trường bổ nhiệm không phải GS,PGS theo nghĩa học hàm mà Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận. Để được bổ nhiệm chức danh này thì ứng viên sẽ được một nhóm chuyên gia thẩm định, đánh giá gồm GS trong và ngoài nước. Từ ý kiến thẩm định của chuyên gia, Hội đồng xét duyệt tiêu chuẩn và bổ nhiệm của trường sẽ phân tích, kết luận để ra quyết định bổ nhiệm. Tuy nhiên nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị bãi nhiệm chứ không tồn tại vĩnh viễn. Đại diện trường cho rằng điều này khác biệt lớn với học hàm GS, PGS được Nhà nước phong.

Đối tượng bổ nhiệm PGS, GS là chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường 1 năm trở lên. Vì đối tượng này không phải là công chức, thực hiện nhiệm vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ, thu nhập do nhà trường trả bằng nguồn thu của trường, không phải từ ngân sách nhà nước. Do vậy, việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, cung cấp điều kiện làm việc tương xứng và trả thu nhập có giá trị trong nội bộ nhà trường, là quyền của nhà trường. Việc các nơi khác có công nhận để sử dụng và trả lương như trường hay không là tùy vào nhu cầu và sự đồng ý hay không của họ.

Việc bổ nhiệm GS, PGS của trường được chia làm 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm cả nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu: GS trợ lý, PGS và GS; nhóm 2 chỉ có nhiệm vụ chính là nghiên cứu gồm bốn chức vụ: GS trợ lý nghiên cứu, PGS nghiên cứu, GS nghiên cứu và GS nghiên cứu xuất sắc. Trong đó, tiêu chí nghiên cứu là tiêu chí chính và có thể dùng để xem xét quy đổi cho một số tiêu còn lại. Ngoài ra còn phải có kinh nghiệm giảng dạy, thu hút kinh phí nghiên cứu từ các nguồn, có các hoạt động phục vụ nhà trường và xã hội. Các tiêu chuẩn này của tường chức vụ chuyên môn hiện cao hơn so với tiêu chuẩn xét công nhận của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

Liên quan đến việc Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho rằng trường vi phạm luật thì đại diện trường cũng cho rằng “theo quyết định 158 của Thủ tướng chính phủ cho trường thí điểm tự chủ một số vấn đề mà “thí điểm” tức là thực hiện những điều chưa quy định trong pháp luật. Hiện nay chưa có quy định nào khẳng định trường Tôn Đức Thắng hay một cơ sở nào khác không được bổ nhiệm GS, PGS ngoài Hội đồng chức danh Nhà nước”.

Theo nhà trường, đến nay, học vị quan trọng nhất là tiến sĩ cũng đã được giao nhiều cơ sở giáo dục (tư thục, công lập) đào tạo và cấp bằng thì tại sao việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy lại không muốn để cơ sở tự chủ?

Nhà trường cho biết, trường đã báo cáo Bộ GD-ĐT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về quy trình bổ nhiệm nhân sự này. Trường chưa nhận được văn bản chính thức nào của Bộ GD-ĐT yêu cầu trả lời về vấn đề này.

Quy định về việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn trong đó có GS, PGS của trường bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2015. Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết đến nay trường mới phong chức danh GS cho một người trong trường. Sắp tới,trường sẽ tiếp tục thực hiện việc bổ nhiệm này.

Lê Phương

(Email: lephuong@dantri.com.vn )