Bình đẳng: Từ quan trọng nhất trong “hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới”

(Dân trí) - “Bình đẳng là từ quan trọng nhất trong nền giáo dục Phần Lan”, lời khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Phần Lan Olli Luukkainen trong bài viết trên tạp chí Smithsonian đã tổng kết đặc điểm quan trọng hàng đầu của “hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới”.

Tư tưởng bình đẳng giáo dục được nhà nước Phần Lan nêu ra trong một đạo luật ban hành năm 1860. Từ năm 1915, giáo dục được thừa nhận là một quyền công dân.

Từ năm 1963, chính phủ Phần Lan bắt đầu chuyển đổi hệ thống giáo dục như là một lực đẩy chủ yếu của kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước. Một loạt các cải tổ đã được thực hiện trong lĩnh vực giáo dục, trong đó yếu tố bình đẳng được chú trọng hàng đầu.

Theo đó, Phần Lan bãi bỏ việc phân loại học sinh thành những nhóm có khả năng khác nhau. Tất cả học sinh dù giỏi hay kém đều được theo học cùng một lớp. Các lớp học được bố trí nhiều giáo viên đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ các em và đảm bảo rằng không có học sinh nào bị tụt lại.

Hiện nay, ở bậc giáo dục cơ bản, Phần Lan không có bất kỳ một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc nào, trừ một kỳ thi cuối năm lớp 9. Không hề có xếp hạng, so sánh hoặc cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay khu vực. Một học sinh Phần Lan dù đến từ thành thị hay nông thôn đều được hưởng nền giáo dục như nhau. Khoảng cách giữa các học sinh giỏi nhất và yếu nhất ở nước này là nhỏ nhất thế giới, theo kết quả một cuộc thăm dò của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).


Học sinh Phần Lan không được chia thành lớp chọn hay lớp thường. Tất cả học sinh dù giỏi hay kém đều được theo học cùng một lớp.

Học sinh Phần Lan không được chia thành lớp chọn hay lớp thường. Tất cả học sinh dù giỏi hay kém đều được theo học cùng một lớp.

Theo Foynd, Phần Lan thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong giáo dục ở các khía cạnh như:

- Bình đẳng giữa các trường: Tất cả các trường đều được tài trợ tài chính như nhau và có trang thiết bị giống nhau. Hầu hết đều là trường công lập, chỉ có một số là bán công lập.

- Bình đẳng giữa các môn học: Không hề có sự chú trọng vào riêng một môn học nào.

- Bình đẳng giữa phụ huynh: Giáo viên không được phép hỏi về nơi làm việc của phụ huynh học sinh.

- Bình đẳng giữa học sinh: Học sinh không được chia thành lớp chọn hay lớp thường, cũng không chia theo xu hướng chọn nghề. Không có học sinh ngoan hay học sinh cá biệt, tất cả đều học cùng nhau. Giáo viên phải đối xử khách quan, công bằng với học sinh.


Trẻ em Phần Lan ăn trưa miễn phí tại trường với thực phẩm cân bằng dinh dưỡng. (Ảnh: Finland Today)

Trẻ em Phần Lan ăn trưa miễn phí tại trường với thực phẩm cân bằng dinh dưỡng. (Ảnh: Finland Today)

Giáo dục tại Phần Lan hoàn toàn miễn phí, kể cả chi phí học tập, sách vở giấy bút, ăn trưa, chăm sóc y tế, các chuyến tham quan, đi lại của học sinh, dạy phụ đạo cho học sinh yếu và giáo dục cho trẻ em thiểu năng trí tuệ. Những khoản đầu tư này đều do nhà nước chi trả. Theo Bright Side, hơn 12,2% ngân sách nhà nước của Phần Lan là dành cho giáo dục.

Với việc thực hiện kế hoạch táo bạo khi chọn lĩnh vực cải cách giáo dục công lập để phục hồi kinh tế từ năm 1963 mà trong đó yếu tố bình đẳng được đặt lên hàng đầu, Phần Lan đã gặt hái những thành quả giáo dục khiến cả thế giới bất ngờ, trong đó có việc đứng vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng toàn cầu.


Trong danh sách 11 nước đứng đầu thế giới về chất lượng giáo dục được Independent đăng tải ngày 19/11/2016 dựa trên phân tích dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan ở vị trí số 1.

Trong danh sách 11 nước đứng đầu thế giới về chất lượng giáo dục được Independent đăng tải ngày 19/11/2016 dựa trên phân tích dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan ở vị trí số 1.

Xuân Vũ

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con