Không nên “bỏ quên” trẻ trong chính ngôi nhà mình với các trang thiết bị hiện đại
(Dân trí) - Các bậc cha mẹ không nên áp đặt các tư tưởng của bản thân, hay “bỏ quên” trẻ trong chính ngôi nhà của mình với các trang thiết bị hiện đại. Chính cha mẹ tích cực sẽ tạo ra những đứa trẻ tích cực, giúp trẻ phát triển tốt nhất, phát huy tối đa khả năng của mình.
Trường Mầm non Quốc tế iSchool Bạc Liêu vừa tổ chức Hội thảo “Gia đình - Chiếc nôi nhân cách” với thông điệp: Gia đình là tế bào của xã hội, chính vì vậy giáo dục trong gia đình chính là nền tảng quan trọng để con tiếp nhận sự giáo dục từ nhà trường và xã hội để hình thành nhân cách.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên trường Sư phạm TPHCM): “Gia đình là chiếc nôi của con, chiếc nôi này không chỉ đơn giản là vật dụng để mẹ ru ta ngủ mà còn là chiếc nôi tinh thần. Ta chỉ có thể thật sự hiểu mình như thế nào khi nhìn vào chiếc nôi nhân cách ấy”. Do đó, gia đình là nguồn gốc hình thành lên nhân cách của con cái.
Nếu một đứa trẻ bị trầm cảm hay tự kỉ, thậm chí có hành vi bạo lực thì không phải là do bản chất sinh ra đứa trẻ ấy đã như thế mà có thể do trong môi trường nuôi dạy của gia đình và đôi khi là xã hội đã gây tác động. Chính những suy nghĩ áp đặt con trẻ lớn lên sẽ phải như thế này hoặc thế kia đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ ngay cả khi trẻ vẫn đang nằm bụng mẹ. Lối sống, hành vi của chính bản thân bậc cha mẹ đã tác động hình thành nên tính cách, thế giới quan của trẻ từ rất sớm.
Trong khi đó, gia đình giáo dục con cái tốt, cha mẹ là người hưởng lợi đầu tiên từ sự trưởng thành của con rồi đến con cái, đồng thời gia đình cũng góp cho xã hội một cá nhân tích cực. Các bé lứa tuổi mầm non, độ tuổi mà các bé có năng lực quan sát và học hỏi vô cùng nhanh, khiến mỗi hành động, cử chỉ của cha mẹ đều được ghi nhớ và học theo một cách nhanh chóng, đòi hỏi phụ huynh lựa chọn phương pháp giáo dục là điều không phải dễ dàng.
Theo Tiến sĩ Hồng, cha mẹ cần tìm hiểu sở thích và phát triển những khả năng của con thông qua cách chơi của trẻ. Nếu cha mẹ chú ý sẽ thấy rằng tại sao trẻ thích chơi món đồ chơi này hơn món khác, có những món đồ chơi bé sẽ rất thích khi mới tiếp xúc nhưng chỉ chơi một thời gian ngắn nhưng có những món đồ bé chơi hoài không chán. Đó là sở thích.
Cha mẹ hoàn toàn có thể nhận ra được sự thích thú ấy để khuyến khích trẻ được tiếp xúc và tìm hiểu nhiều hơn. Hạn chế việc bỏ rơi trẻ chơi một mình, hoặc cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, iPad,… quá nhiều.
Tiến sĩ Hồng cho rằng, ở độ tuổi từ 1-2 tuổi là giai đoạn phát triển đặc biệt cho trí não của trẻ, sự nhìn nhận hiện tượng, sự vật xung quanh đã bắt đầu hình thành. Nếu được quan tâm và phát huy đúng mức, khả năng trí não của bé sẽ được đẩy lên một cách vượt trội. Vì vậy, việc làm cần thiết lúc này của cha mẹ là nuôi dưỡng và phát triển tiềm năng cho trẻ. Trẻ phải được vận động qua các trò chơi phát huy trí tuệ, tiếp xúc với ngôn ngữ và quan trọng nhất là hoàn thiện kỹ năng sống, giá trị sống.
Khi trẻ ở độ tuổi mầm non thì định hướng giáo dục đến từ gia đình và nhà trường, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa 2 bên để tập cho trẻ các thói quen, cách nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực. Phát triển cho trẻ ở các môn năng khiếu của trẻ, cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài ngôi nhà nhiều hơn như trường học, bạn bè.
Quan trọng hơn cả, các bậc cha mẹ không nên áp đặt các tư tưởng của bản thân, hay để “bỏ quên” trẻ trong chính ngôi nhà của mình với các trang thiết bị hiện đại. Chính cha mẹ tích cực sẽ tạo ra những đứa trẻ tích cực, giúp trẻ phát triển tốt nhất, phát huy tối đa khả năng của mình.
H.H