Bạn đọc viết:

Đừng chọn sai cách để yêu thương con

(Dân trí) - Khi bố mẹ bao biện rằng lo cho con đủ đầy ăn học, thậm chí hy sinh cả cuộc đời cho con vậy mà chúng vẫn thờ ơ, hư đốn, trầm cảm…, phải chăng chính người lớn phải xem lại mình đã yêu thương con đã đúng cách chưa? Tôi nghĩ tất cả đều bắt nguồn từ chính cách chúng ta yêu thương con sai lầm.

Yêu thương con là tình cảm tự nhiên, thiêng liêng nhất của cha mẹ. Có điều mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu thương khác nhau. Tôi thật sự chia sẻ và cảm thông cho người mẹ trong bài viết “Cháu ước có người mẹ khác” thật nhiều.

Phê phán người mẹ ấy đã sai trong cách dạy dỗ, yêu thương con không hẳn đã đúng. Một người mẹ lam lũ suốt ngày, cố kiếm thêm vài đồng để con được học gia sư, được bằng bạn bằng bè là điều rất đáng trân trọng. Ai làm mẹ rồi mới thấm thía nỗi lòng người mẹ khi thấy con thiếu thốn, thiệt thòi.

Nhìn cảnh con thèm thuồng món đồ chơi của trẻ hàng xóm, lòng mẹ xót xa lắm. Rồi nghĩ về tương lai, người mẹ nào cũng mong con được học hành trong môi trường học tập tiện nghi, đủ đầy. Bởi vậy, họ càng cố gắng nỗ lực, bươn chải để chăm lo cho cuộc sống của con vẹn toàn hơn. Họ đáng được trân trọng và cảm thông.

Tuy nhiên, chúng ta đừng cứ mãi chăm lo cuộc sống vật chất của con mà bỏ mặc đời sống tinh thần của các con. Trẻ không chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, học hành tới nơi tới chốn mà còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, sẻ chia của bố mẹ.

Hôm nay ở lớp con có chuyện gì vui không? Việc học của con gặp khó khăn gì? Con đã làm hòa với bạn sau vụ giận hờn ấy chưa?... Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống thường nhật của con cần được bố mẹ hỏi han, lắng nghe. Nhưng đôi lúc chúng ta vì quá bận rộn, quá mải mê công việc nên bỏ qua, lơ là để ý đến con.

Dần dần, giữa bố mẹ và con xuất hiện một khoảng cách vô hình khó lấp đầy. Chính lúc đó, sợi dây ràng buộc, yêu thương trong gia đình lơi lỏng nhất và sự thờ ơ, vô cảm dễ dàng len lỏi vào.


(ảnh minh họa)

(ảnh minh họa)

Nhiều ông bố bà mẹ hay than vãn sao con mình ít trò chuyện với bố mẹ. Nhiều người tự hỏi sao con trẻ thờ ơ, lạnh lùng khi mình ốm đau. Nhiều người giật mình bắt gặp con “lột xác” trên mạng xã hội theo hướng tiêu cực. Và có cả những người bàng hoàng, ân hận muộn màng khi con rơi vào trầm cảm, tìm con đường giải thoát tiêu cực…

Khi bố mẹ bao biện rằng lo cho con đủ đầy ăn học, thậm chí hy sinh cả cuộc đời cho con vậy mà chúng vẫn thờ ơ, hư đốn, trầm cảm…, phải chăng chính người lớn phải xem lại mình đã yêu thương con đã đúng cách chưa? Tôi nghĩ tất cả đều bắt nguồn từ chính cách chúng ta yêu thương con sai lầm.

Đôn đáo làm việc suốt ngày để đóng tiền học thêm cho con, sẵn sàng làm tất tần tật mọi việc nhà để con ăn học, dễ dãi cho tiền khi con xin xỏ… đều là biểu hiện của một tình yêu thương mù quáng. Khi việc ăn ngủ của con phó mặc cho người giúp việc, chuyện học hành trăm sự nhờ thầy cô… thì dù chúng ta có giỏi kiếm tiền đến đâu cũng đã thất bại trong chính vai trò làm cha, làm mẹ mất rồi.

Lời tâm sự thật lòng “Cháu ước có người mẹ khác” có lẽ cũng là nỗi niềm giấu kín trong nhiều đứa trẻ giữa cuộc sống hiện đại này. Đáng buồn là nó sẽ xuất hiện với tần số dày đặc hơn khi guồng quay của cuộc sống cứ cuốn chúng ta lao về phía trước.

Bởi vậy, người mẹ trong câu chuyện chia sẻ của tác giả Hà Đông đáng thương ở sự lam lũ, bon chen lo lắng cuộc sống cho con. Nhưng chị ấy cũng rất đáng trách khi bỏ mặc con bơ vơ, loay hoay, thiếu thốn đời sống tình cảm. Nếu chị ấy biết dung hòa công việc và gia đình thì sẽ tốt biết bao.

Dành thời gian cho con và lắng nghe con nói, lẽ nào lại khó đến thế ư?

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con