Yêu con vô điều kiện, có bố mẹ nào làm được không?

(Dân trí) - “Bạn hỏi tôi có yêu con vô điều kiện không ư?” - “Chuyện, con đứt ruột để ra, mình không yêu vô điều kiện thì yêu ai?”. Có thể bậc cha mẹ nào khi được hỏi thì cũng trả lời như vậy. Nhưng từ “lời nói cửa miệng” đến hành động thực sự lại rất cách xa nhau.

Hãy cùng xem xét một số tình huống sau:

Con đỗ vào trường điểm có tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng, bố mẹ cảm thấy vô cùng yêu quý, tự hào, hãnh diện về con, viết status khoe rầm rộ trên Facebook. Vậy nếu con không đỗ, không lẽ bố mẹ ghét con, giận con, hay “mất mặt” về con sao?

Thằng này đẹp trai nhất nhà, đẹp như bố nó vậy. Tôi yêu nó quá cơ. Vậy bà mẹ yêu con vì con quá đẹp trai hay sao? Vậy những đứa con khác, không đẹp trai như “thằng này” thì bà mẹ không yêu nhiều như vậy sao?

Và đây là chuyện tôi nghe được từ một buổi ăn sáng:

Trong quán phở, một nhóm các bà mẹ đưa con đi ăn sáng trước khi đến lớp mầm non và kháo chuyện rôm rả. Một bà mẹ chỉ bé gái đang ăn, chê con da đen giống bà ngoại. Một bà mẹ khác thì bảo: “May là con em không giống bố nó, chính chồng em cũng bảo May mày không giống bố.”

Một bà mẹ khác khen một bé gái: “Con này kháu nhỉ”, tức thì bà mẹ bé gái lên tiếng: “Ối, mũi nó lại tẹt như mũi mẹ thôi, sau lại mất tiền nâng mũi.”

Từ câu chuyện ngoại hình của con, các bà mẹ quay ra bàn về chuyện thích sinh con trai hay con gái. Một bà mẹ chia sẻ: “Em thích đẻ con trai, chứ con gái nhõng nhẽo mất thời gian lắm, đi ngủ cũng nhõng nhẽo, ăn cũng nhõng nhẽo. Con trai nó ăn một phát là hết.”

Một bà mẹ bên cạnh góp chuyện: “Chị đây hai con trai biết rồi, không đơn giản đâu. Chị chỉ thích con gái.”

Kể cũng kỳ cục thật. Ngoại hình hay giới tính của con là do bố mẹ góp phần tạo ra, mà bố mẹ lại chê con thì không khác gì là chê sản phẩm của chính mình. Trong trường hợp bị chê, đứa trẻ cảm thấy buồn tủi. Còn trong trường hợp được khen, đứa trẻ cũng chẳng vui, vì nó biết rằng mình được bố mẹ yêu quý vì thế này thế kia, nếu mình không như vậy, chắc gì được bố mẹ yêu.

Chính việc người lớn yêu có điều kiện khiến con trẻ cũng yêu có điều kiện. Vẫn là quán phở đó, một buổi sáng khác vào cuối tuần, có người khách hỏi “Bé Gạo đâu rồi?” (bé Gạo là cháu nội bà chủ quán), bà chủ quán bảo: “Nó về bà ngoại chơi rồi. Nó bảo bà nội đen, còn bà ngoại trắng, xinh gái”.

Nghe qua thì nghĩ là trẻ con “kén chọn”, “phân biệt”, nhưng nghĩ kỹ thì trẻ làm thế cũng vì “bắt chước” người lớn. Tự trẻ con đâu thể nảy sinh tâm lý “phân biệt” như vậy.

Yêu thương con vô điều kiện tức là gửi đến con thông điệp “dù thế nào thì cha mẹ vẫn yêu thương con”.
Yêu thương con vô điều kiện tức là gửi đến con thông điệp “dù thế nào thì cha mẹ vẫn yêu thương con”.

Yêu thương con vô điều kiện tức là gửi đến con thông điệp “dù thế nào thì cha mẹ vẫn yêu thương con”. Khi bố mẹ yêu con vì con là con trai (con gái), vì con xinh đẹp, vì con đỗ trường điểm…, tức là bố mẹ “ngầm” truyền đến con thông điệp rằng bố mẹ yêu con vì con đáp ứng những tiêu chuẩn do bố mẹ đặt ra.

Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em” (NXB Trẻ), chuyên gia tâm lý Gary Chapman định nghĩa tình yêu vô điều kiện là tình yêu mà cha mẹ dành cho con bất kể điều gì xảy ra chăng nữa. Theo đó, chúng ta yêu thương con ngay cả khi con không đạt được thành tích như ta mong muốn, khi con mắc sai lầm hoặc không hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận mọi hành vi của con. Nó có nghĩa là chúng ta thể hiện tình yêu với con vào bất cứ lúc nào, ngay cả khi trẻ có hành vi khiến ta buồn lòng.

Thiết nghĩ, trong cuộc sống hàng ngày, nếu không xác định rõ tiêu chí yêu thương con vô điều kiện, chúng ta rất dễ rơi vào lối mòn yêu con theo điều kiện mà chúng ta đặt ra. Khi con được bố mẹ yêu thương vì con đáp ứng những điều kiện của bố mẹ, tự bản thân con cũng cảm thấy rằng có điều gì đó bất ổn. Trong thâm tâm, con không khỏi băn khoăn rằng nếu con không đạt được những gì bố mẹ trông đợi, chắc gì bố mẹ sẽ chấp nhận con.

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm