Quảng Nam:
Yêu cầu giải quyết dứt điểm tồn tại trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giải quyết các tồn tại ảnh hưởng dân sinh, an toàn trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dù đã thông toàn tuyến được gần 2 tháng nhưng những tồn tại trong quá trình xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn Quảng Nam vẫn còn nhiều tồn tại ảnh hưởng dân sinh, an toàn trên tuyến đường cao tốc.
Do đó, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm và các nhà thầu thi công liên quan tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương giải quyết các tồn tại về ảnh hưởng rung nứt, bồi lấp đất canh tác, thi công xây dựng kịp thời các đoạn tuyến đường gom đã được bàn giao mặt bằng và sửa chữa hoàn trả các tuyến đường địa phương còn lại; hoàn thành dứt điểm trước ngày 30/10/2018.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị thực hiện bồi thường, GPMB của dự án phối hợp với các xã liên quan và Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kiểm tra, rà soát lại các vị trí, đoạn tuyến đường gom còn vướng mắc về mặt bằng theo báo cáo của Ban QLDA để tập trung giải quyết dứt điểm, hoàn thành trước ngày 5/11/2018 bàn giao cho đơn vị thi công.
Trường hợp đã giải quyết hồ sơ, thủ tục bồi thường, GPMB đảm bảo đúng quy định, đã vận động, giải thích nhưng cố tình không chấp hành, cản trở thi công, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lập phương án bảo vệ thi công hoặc ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định để thực hiện.
Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo các nhà thầu triển khai thi công ngay các vị trí, đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng; đồng thời phối hợp, hỗ trợ, cùng với đơn vị bồi thường, GPMB và UBND các xã liên quan có phương án giải quyết dứt điểm các vị trí còn tồn tại để kịp bàn giao mặt bằng thi công hoàn thành công trình.
Một trong những tồn tại đã được người dân phản ảnh đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết là công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường ở những điểm mỏ đất phục vụ san lấp cho dự án cao tốc, gây nguy cơ xói lở đất và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Trên địa bàn huyện Phú Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép khai thác cho 15 khu vực khai thác đất nguyên liệu. Hiện hầu hết các khu vực mỏ đã hết giấy phép khai thác đất san lấp và điều đáng nói, sau khi khai thác đất, nhiều doanh nghiệp đã “quên” hoàn thổ như cam kết.
Cụ thể, tại mỏ đất núi Vũ (thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc) do Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông (gọi tắt là Công ty Đông Mê Kông) khai thác đã hết thời hạn khai thác mỏ từ tháng 5/2017, nhưng đến nay Công ty này vẫn chưa hoàn thổ, phục hồi môi trường.
Bà Võ Thị Sáu (trú thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) cho biết, Công ty khai thác lấy nguyên liệu xong rồi họ bỏ đi khiến nước ngập chảy trôi xuống xung quanh nhà bà. Việc khai thác đất trong thời gian lâu ở mỏ núi Vũ đã tạo nên những hố sâu.
“Khi mùa mưa đến, những khu vực này sẽ tích nước tạo thành những hố nước sâu có thể nguy hiểm cho trẻ em. Đồng thời, trời mưa xuống, sỏi đất theo dòng nước từ trên khu vực này tràn vào nhà tôi. Đề nghị Công ty sớm khắc phục việc hoàn thổ để đảm bảo an toàn cho gia đình tôi và các hộ dân sinh sống gần đây”, bà Sáu bức xúc.
Theo UBND xã Tam Lộc, chính quyền xã đã kiến nghị phục hồi môi trường đảm bảo an toàn, sản xuất, sinh hoạt của người dân tại khu vực mỏ đất núi Vũ. Ở những chỗ nguy hiểm, xã đã cắm biển báo cho người dân để chủ động phòng tránh trước mùa mưa bão sắp tới.
Tương tự, mỏ đất núi Chùa (thôn Trường Mỹ, xã Tam Thái) do Công ty XD CTGT 8- CTCP khai thác, hơn một năm qua Công ty này đã rời đi mà vẫn chưa hoàn thổ, khôi phục môi trường. Do vậy, vào mùa mưa năm 2017, đất đỏ, đá sạn đã trôi xuống vườn và nhà làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân thôn Trường Mỹ. Trong khi đó, mùa mưa bão lũ đang về khiến người dân rất lo lắng.
Người dân ở đây cũng rất bức xúc với đơn vị đã lấy đất làm đường cao tốc nhưng lại “cố tình quên”, không hoàn thổ. Mỗi khi trời mưa xuống gây xói lở, đất đá chảy trôi xuống vườn nhà dân khiến họ không thể trồng cây ăn quả được. Dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã Tam Thái nhưng đơn vị này vẫn chưa hoàn thổ lại môi trường ở khu vực mỏ đất này.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Phú Ninh đã ban hành Thông báo về việc lập hồ sơ thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo hoàn thổ, phục hồi môi trường đối với các mỏ đất san lấp đã hết hiệu lực giấy phép cũng như các điểm mỏ còn giấy trên địa bàn huyện.
Thông báo đã được gửi đến các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Tuy nhiên đến nay, nhiều đơn vị vẫn không thực hiện việc lập hồ sơ đóng cửa mỏ, chưa thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường để bàn giao đất cho địa phương quản lý, trong khi mùa mưa bão đang về, người dân rất lo lắng.
Công Bính