Nghệ An
Xuất hiện băng giá, dân đốt lửa sưởi cứu trâu bò
(Dân trí) - Ông Và Chá Xà – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, vào khoảng 3h chiều ngày 24/1, một số khu vực của xã đã xuất hiện băng giá, nhiệt độ xuống ở mức từ -3 đến -2 độ C. Trâu bò bỏ ăn, ngã quỵ, người dân phải đốt lửa sưởi ấm để cứu trâu bò.
Mường Lống nằm ở độ cao xấp xi 1.400m so với mực nước biển và là địa phương có nhiệt độ trung bình hàng năm vào diện thấp nhất tỉnh Nghệ An. Do đặc điểm địa hình nên Mường Lống cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt không khí lạnh tăng cường, bởi vậy từ sáng ngày 23/1 đã xuất hiện mưa phùn kèm sương mù và giá lạnh.
Sáng ngày 24/1, nhiệt độ đo được tại đây là từ -1 đến 0 độ C, nhiệt độ xuống thấp nhưng chưa xuất hiện băng giá. Đến 17h ngày 24/1, trao đổi qua điện thoại, ông Và Chá Xà – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lồng cho biết, tại một số khu vực trong xã đã xuất hiện băng giá. Đây là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu mùa Đông ở địa bàn vùng cao này.
“Nhiệt độ đo được tại thời điểm này là từ -3 đến -2 độ C, trời rất rét. Dự báo tối nay nhiệt độ có thể xuống thấp hơn. Hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều thôn bản báo cáo về việc trâu bò của người dân đã bỏ ăn, ngã quỵ do không chịu được rét. Người dân phải tổ chức đốt lửa sưởi ấm để cứu trâu bò. Xã cũng đã phát thông báo hướng dẫn cụ thể người dân che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, sưởi ấm cho đàn trâu bò để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Các trường học cũng đang xin ý kiến của Phòng GD-ĐT huyện để cho học sinh nghỉ học nếu nhiệt độ vẫn tiếp tục xuống thấp”, ông Và Chá Xà cho biết thêm.
Mặc dù nhiệt độ xuống ở mức dưới 0 độ C không phải là hiếm có ở vùng được gọi là “cổng trời” của Nghệ An nhưng cũng khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Chị Và Y Dở - bán thịt lợn tại khu vực trung tâm xã Mường Lống cho biết, nhiệt độ xuống thấp thịt lợn tươi được lâu hơn, không cần phải bỏ tủ lạnh nếu bán không hết. Nhưng lạnh quá, người dân ít ra ngoài nên cũng không có mấy khách mua. Vắng khách cộng với giá rét nên chị Dở cùng mấy người bán hàng khác đốt lửa để sưởi.
Anh Dương Đình Dũng, giáo viên Trưởng Tiểu học Mường Lống 1 cùng con gái “trú ẩn” trong nhà suốt từ sáng, bật thêm đèn sưởi để chống rét. Nếu không có việc cần thiết phải ra ngoài thì hầu như người dân không ra ngoài đường trong thời tiết giá lạnh này.
Do đặc thù công việc nên anh Đoàn Thanh Hải - công nhân làm việc trên đường tuần tra biên giới phải đi kiểm tra một số công trình đang thi công. Dù đã bịt kín cơ thể bằng mấy lớp áo ấm, áo mưa, mang găng tay dày nhưng vẫn không chịu đựng nổi cái lạnh ở nơi đây. Anh Hải phải xin thêm túi bóng bọc ngoài găng tay để đỡ cóng. “Trời lạnh, sương mù dày đặc, đường ướt, trơn trượt nên đi xe máy hết sức nguy hiểm, nhất là khi tay cóng, điều khiển xe khó khăn”, anh Hải cho biết thêm.
Vào thởi điểm này cũng chính là vụ thu hoạch cải ngồng (hay còn gọi là cải hoa) của đồng bào Mông nơi đây. Nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện băng giá khiến số diện tích cải chưa thu hoạch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều diện tích đào Mông của đồng bào có khả năng không nở kịp hoa vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của đồng bào người Mông ở Mường Lống, bởi vậy người dân sẽ phải đối mặt với cái Tết khó khăn nếu tình trạng thời tiết cực đoàn này tiếp diễn.
Một số địa bàn khác như Huồi Tụ, Nậm Cắn (Kỳ Sơn) nhiệt độ đo được vào chiều nay (24/1) cũng đo được từ 0 -1 độ C, xã Tri Lễ (Quế Phong) nhiệt độ cũng xuống thấp ở mức 0 độ C. Tại huyện Tương Dương cũng đã xuất hiện tình trạng băng giá ở xã Tam Hợp...
Hoàng Lam