Xóm bánh ú lớn nhất TPHCM đỏ lửa suốt ngày đêm dịp Tết Đoan Ngọ
(Dân trí) - Hơn 50 năm nay, xóm bánh ú ở TPHCM dịp Tết Đoan Ngọ lại đỏ lửa suốt ngày đêm để luộc hàng tấn bánh, nghề vất vả nhưng nhiều gia đình vẫn cố giữ lại nét truyền thống xưa của ông bà.
Gần một tuần qua, những con hẻm nhỏ ở đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM) đỏ lửa suốt ngày đêm, già trẻ lớn bé rôm rả quây quần bên nhau để gói bánh ú lá tre - một loại bánh đặc trưng không thể thiếu của người miền Nam trong dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch).
Trưa 21/6, tại hẻm 1072 Phạm Thế Hiển, hàng chục gia đình đang tất bật để chuẩn bị gói những mẻ bánh ú phục vụ cho ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch).
Người dân ở xóm này cho biết, nghề làm bánh ú lá tre có từ trước năm 1975. Xưa cả con hẻm dài đều làm nhưng nay chỉ còn khoảng 20 hộ gói bánh. Cứ gần Tết Đoan Ngọ, cả xóm lại tất bật ngâm gạo, rửa lá, luộc bánh, rôm rả mấy ngày liền.
Nguyên liệu chính để làm ra món bánh ú lá tre là gạo nếp ngâm lá dứa, nhân đậu xanh, lá tre.
Những "nghệ nhân lão làng" trong nghề này cũng đã có kinh nghiệm từ 30 - 40 năm, các cô cho biết gạo phải ngâm trong hai ngày mới thấm vị của nước tro, nước dứa. Nhà nào ít cũng làm vài trăm ký gạo nếp, đậu xanh, nhiều thì cả tấn gạo.
Lá tre gói bánh được nhập từ Tây Ninh rồi rửa sạch, lá phải xanh bản to, không rách thì gói mới ra chiếc bánh đẹp, có mùi thơm nhẹ. Nhân bánh làm bằng đậu xanh đã nấu chín, trong mỗi nhân bánh đều cho thêm miếng mứt bí đao cho đậm đà.
Sau khi lá tre được rửa sạch, sẽ dùng 3 lá để làm khuôn bánh, cho gạo nếp vào, nhân đậu xanh ở giữa, sau đó thêm một lớp gạo nếp lên trên và gói lại thành hình tam giác.
Bà Mai Lan (đường Phạm Thế Hiển, quận 8) cho biết, hơn 40 năm trước bà đã biết gói bánh, mỗi lần đến Tết Đoan Ngọ gia đình bà gói rất nhiều, nhưng hiện nay chỉ làm vừa đủ.
"Giờ gia đình không có người làm nữa nên tôi chỉ nhận làm cho hàng xóm, tính công theo sản phẩm. Mỗi ngày tôi có thể gói hơn 1.000 chiếc bánh, làm quen tay rồi nên việc này khá dễ dàng. Hàng năm chỉ mong tới dịp này để cả xóm quây quần cho vui", bà Lan nói.
Sau đó bánh được cho vào nồi to, luộc kỹ trong 4 tiếng đồng hồ mới vớt ra. Theo người dân, họ vẫn giữ truyền thống luộc bánh bằng bếp củi, không luộc bằng bếp gas vì để giữ được hương vị đặc trưng của bánh.
Bánh sau khi luộc chín sẽ được vớt ra ngâm vào nước lạnh và vớt ra để nguội. Đây là những công đoạn cuối cùng để có những cái bánh thành phẩm trước khi giao cho khách hoặc mang đi bán.
Bà Lê Thị Thơm (quận 8) cho hay, hàng năm cứ tới dịp này là cả xóm nhộn nhịp, tập trung làm bánh từ khoảng mùng 2 tới mùng 4 âm lịch. Nhà nào làm ít thì vài trăm cân gạo, làm nhiều thì cả tấn.
"Năm nay gia đình ít kinh phí nên chỉ làm 800 cân gạo, những năm trước làm hơn một tấn để phục vụ thị trường. Nghề này vất vả, không ổn định, nhưng vì yêu nghề và truyền thống của gia đình nên hàng năm đều cố gắng làm không nhiều thì ít", bà Thơm chia sẻ.
Bánh ngon là khi ăn lá tre vẫn còn xanh, lớp ngoài có màu vàng nhạt còn nhân đậu mềm, có màu nâu của tro. Khi ăn bánh có vị thơm nhẹ, ngọt thanh và dẻo.
Ông Trần Thành (huyện Bình Chánh) cùng vợ tới các lò bánh ở quận 8 để mua bánh về bán lại. Ông Thành cho hay, hàng năm dịp này ông đều mua lượng lớn bánh ú lá tre về bán cho người dân khu vực gần nhà.
Bánh được nhập một chùm 60 cái/360 ngàn đồng, bán lẻ 10 cái/70-80 ngàn đồng.
Tết Đoan Ngọ là Tết truyền thống tại một số nước châu Á. Tại Việt Nam, ngày này còn được gọi là Tết giết sâu bọ. Người dân quan niệm, buổi sáng sớm ăn bánh tro, chè, trái cây chua, rượu nếp thì sẽ giết sâu bọ, bệnh tật trong người.