Bàn việc kết thúc hoạt động Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
(Dân trí) - Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tổ chức bộ máy thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc sắp xếp bộ máy của Tổng cục Thống kê…
Chiều 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp tập trung thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong quá trình phát triển, chúng ta đã áp dụng các mô hình khác nhau trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, mô hình hiện nay vẫn có những hạn chế. Vì vậy cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới theo hướng tách bạch nhiệm vụ quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nêu mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh việc sắp xếp mô hình, tổ chức với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải trên tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết", để vốn Nhà nước được quản lý tốt nhất và phát triển tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới.
Về phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng quán triệt cần lựa chọn phương án tối ưu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả, Thủ tướng gợi mở với một số tập đoàn, tổng công ty thực hiện vai trò bảo đảm các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, có thể nghiên cứu, đề xuất mô hình thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Ông cũng lưu ý phải phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, tăng cường tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 2 sắp tới, nhằm giải quyết các nút thắt, vướng mắc hiện nay.
Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, thiết kế công cụ để giám sát kiểm tra.
Đối với mô hình tổ chức cơ quan thống kê, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở dữ liệu với việc hoạch định chính sách và yêu cầu không trùng chéo chức năng nhiệm vụ với các cơ quan khác, giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, ông đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến, tham khảo mô hình quốc tế và nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất mô hình phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.