1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xóa tên quê hương Bà Chúa thơ Nôm: Tỉnh chưa thống nhất phương án của huyện

Hoàng Lam

(Dân trí) - Do nhiều ý kiến trái chiều nên tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Quỳnh Lưu xem xét lại quy trình, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân về tên gọi của các đơn vị hành chính sau sáp nhập.

Ngày 17/4, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, đề xuất phương án về tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập của địa phương này chưa được tỉnh chấp thuận.

Trước đó, UBND huyện Quỳnh Lưu có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại.

Cụ thể, sáp nhập xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, đề nghị điều chỉnh tên mới từ xã Quỳnh Thuận thành Thuận Long; xã Quỳnh Nghĩa sáp nhập với Tiến Thủy, thành xã Phú Nghĩa thay cho đề xuất tên Quỳnh Nghĩa trước đó.

Xóa tên quê hương Bà Chúa thơ Nôm: Tỉnh chưa thống nhất phương án của huyện - 1

Xã Quỳnh Đôi nổi tiếng là đất học, đỗ đạt tại Nghệ An (Ảnh: Nhật Thanh/quynhdoi.gov.vn)

Tương tự, lấy tên Hải Thọ thay cho xã Sơn Hải khi sáp nhập xã Sơn Hải với Quỳnh Thọ; Bình Sơn thay cho tên gọi Liên Hóa khi sáp nhập Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc; Hoa Mỹ thay cho Quỳnh Hoa khi sáp nhập Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ; Minh Lương thay Quỳnh Phú khi sáp nhập Quỳnh Minh và Quỳnh Lương; xã Đôi Hậu thay cho Quỳnh Đôi khi sáp nhập Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.

Ngày 15/4, Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An tổ chức làm việc lãnh đạo các địa phương về công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần tiếp cận dưới góc độ khoa học, xác định yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử của các đơn vị liên quan; đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải hết sức thận trọng, bài bản.

"Đề xuất của huyện trong văn bản gửi tỉnh ngày 9/4 thay đổi nhiều so với phương án tên gọi trước đó. Trong văn bản này, huyện chưa lý giải nguyên nhân, chưa báo cáo rõ, do đó tỉnh yêu cầu rà soát lại, xem xét vận động người dân đặt tên theo phương án cũ có được không, nếu phương án mới thì làm rõ tại sao chọn phương án ấy, tính khả thi thế nào?", ông Dinh cho hay.

Theo lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, có một số đơn vị khi sáp nhập có nhiều ý kiến khác nhau như Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, tỉnh lo ngại quy trình chưa đảm bảo nên yêu cầu xem xét kỹ lưỡng, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân.

Ông Dinh cho rằng, việc ghép tên 2 đơn vị hành chính sau sắp xếp là bình thường. Tuy nhiên, đối với trường hợp xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu có sự nhạy cảm, tên gọi mới cũng chưa hay.

Xóa tên quê hương Bà Chúa thơ Nôm: Tỉnh chưa thống nhất phương án của huyện - 2

Ban chỉ đạo sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An làm việc với lãnh đạo các địa phương, ngày 15/4 (Ảnh: Bình An).

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, phương án ban đầu khi sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, sẽ giữ tên Quỳnh Đôi do tên Quỳnh Đôi "nổi trội" hơn một chút. Mặt khác, việc giữ tên một xã sẽ giúp giảm áp lực cho chính quyền và người dân trong việc làm lại các loại giấy tờ.

Tuy nhiên, phương án này không được đại bộ phận người dân xã Quỳnh Hậu đồng ý. Nguyện vọng của nhân dân 2 xã là giữ lại tên gọi của xã mình, do đó huyện đi đến phương án ghép tên hai xã sau khi sáp nhập.

Đại diện huyện Quỳnh Lưu cho biết, địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời lấy ý kiến người dân về tên gọi sau sáp nhập các xã, trong đó có xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, báo cáo tỉnh Nghệ An trước ngày 20/4. 

Việc đặt tên mới cho các xã sau sáp nhập, đặc biệt là Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi thành xã Đôi Hậu khiến nhiều người dân băn khoăn, nhất là người dân sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Đôi.

Quỳnh Đôi được biết đến là vùng đất khoa bảng của Nghệ An. Theo ghi chép, từ năm 1378 đến năm 1918, khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh Đôi có 734 người đỗ tú tài và cử nhân, 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Hoàng Giáp và 1 người đỗ Thám hoa.

Đây cũng chính là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân lịch sử Hồ Phi Tích, nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan...

Xã Quỳnh Hậu bắt nguồn từ làng Kẻ Bèo, năm 990, vua Lê Đại Hành sắc phong Cao Sơn - Cao Các là thành hoành làng. Đến năm 1660, mảnh đất này có tên là Bào Hậu.

Sau nhiều lần tách, nhập, xã có tên Quỳnh Hậu như hiện nay. Bởi vậy, xét về sự hình thành và phát triển, Quỳnh Hậu cũng có bề dày về lịch sử, văn hóa...