1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãnh đạo huyện nói về thông tin "xóa tên" quê hương Bà Chúa thơ Nôm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Theo đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tên gọi xã Đôi Hậu mới chỉ là dự thảo. Huyện tiếp tục xin ý kiến người dân để sớm có tên gọi thống nhất sau khi sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.

Ngày 12/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cho biết tên gọi xã Đôi Hậu sau sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu mới chỉ là dự kiến, chưa phải là tên gọi chính thức. Lãnh đạo huyện cũng đã nắm bắt được thông tin dư luận trên không gian mạng về tên gọi mới sau sáp nhập 2 xã.

"Chúng tôi đang tiếp tục xin ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân hai xã về tên gọi mới sau sáp nhập", ông Dinh nói.

Theo Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, cả hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu đều có bề dày lịch sử, văn hóa.

Xã Quỳnh Đôi nổi tiếng là đất khoa bảng, đỗ đạt với nhiều danh sĩ, chí sĩ yêu nước như Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân lịch sử Hồ Phi Tích, nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan... Đây là nơi duy nhất tên làng chính là tên xã, với tuổi đời hơn 600 năm lịch sử, có bề dày trầm tích văn hóa.

Lãnh đạo huyện nói về thông tin xóa tên quê hương Bà Chúa thơ Nôm - 1

Xã Quỳnh Đôi là nơi tên làng cũng chính là tên xã, nổi danh về truyền thống hiếu học, khoa bảng (Ảnh: Thanh Hà).

Trong khi đó, xét về lịch sử hình thành, xã Quỳnh Hậu khởi nguồn từ làng Kẻ Bèo có từ thế kỷ thứ X. Đây cũng là nơi phát hiện dấu tích của người tiền sử từ 4.000 năm trước

Xã Quỳnh Hậu là xã anh hùng và là một trong 5 xã đầu tiên được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xã văn hóa, là xã văn hóa đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu.

"Xét về nhiều khía cạnh, cái tên Quỳnh Đôi có phần "nổi trội" hơn một chút. Bởi vậy, khi sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, ban đầu, chúng tôi có đề xuất tên gọi mới sau sáp nhập là Quỳnh Đôi.

Mặt khác, với việc giữ tên Quỳnh Đôi có gần một nửa người dân sau sáp nhập không phải điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, giảm áp lực cho cả người dân và chính quyền cơ sở sau sáp nhập", ông Dinh thông tin.

Tuy nhiên, đề xuất này không được số đông người dân xã Quỳnh Hậu, nơi có dân số chiếm hơn quá nửa tổng dân số của xã sau sáp nhập.

Người dân mong muốn giữ tên quê hương của mình khi sáp nhập, do vậy, phương án ghép 2 tên xã lại thành tên mới được xem là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, tên Đội Hậu sau sáp nhập lại không được bộ phận lớn người dân xã Quỳnh Đôi và dư luận ủng hộ.

Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn bởi với tên gọi mới là Đôi Hậu, quê hương Bà Chúa thơ Nôm, vùng đất khoa bảng của xứ Nghệ sẽ bị "xóa tên". Nhiều người mong muốn giữ lại tên Quỳnh Đôi sau sáp nhập.

Ông Dinh nhấn mạnh, sau khi nắm bắt thông tin dư luận về tên gọi dự kiến sau sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, huyện tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri, nhân dân, cán bộ và đảng viên các xã, dự kiến tổ chức vào ngày 3- 5/5 tới.

"Quan điểm chung của huyện khi lựa chọn tên mới của các xã sau sáp nhập là tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, cán bộ, đảng viên, không áp đặt... để lựa chọn phương án tốt nhất, hướng tới sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân.

Trước mắt chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động để tạo được sự đồng thuận của nhân dân 2 xã. Trong trường hợp không đạt được sự thống nhất thì phải tính lại", ông Dinh nói.