1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Xe là tài sản của người dân, không phải muốn là tịch thu được”

(Dân trí) - Đó là quan điểm của TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - xung quanh đề xuất tịch thu xe (ô tô, xe máy) vi phạm một số quy định giao thông đường bộ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 5/3, Đại tá Trần Thế Quân - Cục phó Cục pháp chế và cải cách tư pháp (Bộ Công an) - cho biết,  Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định về việc có thể tịch thu phương tiện đối với những vi phạm hành chính nghiêm trọng.  Việc tịch thu phương tiện hiện nay được áp dụng đối với những trường hợp đua xe. Tuy nhiên, ông Quân cho biết việc này cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhiều trường hợp chiếc xe đó lại thuộc sở hữu của bố mẹ người vi phạm hoặc được người đua xe mượn của người khác.

“Xe của người dân, không phải muốn là tịch thu được”
Đề xuất tịch thu phương tiện người điều khiển ôtô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang gây ra nhiều tranh cãi (Ảnh: Nguyễn Dương).

“Tôi cho rằng muốn tịch thu phương tiện thì phải có quy định rõ ràng. Các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt nặng thôi. Đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là một vấn đề lớn, bởi chiếc xe là tài sản của công dân, mà quyền tài sản cũng rất quan trọng. Đề xuất ấy nhằm hướng đến việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông được tốt hơn nhưng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng”- ông Quân nói.

Đồng tình quan điểm với ông Quân, TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho rằng những hành vi vi phạm giao thông mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra đều là vi phạm hành chính, theo các quy định hiện hành chưa tới mức bị tịch thu phương tiện.

“Ô tô, xe máy là tài sản khá lớn, thậm chí rất lớn của mỗi người dân. Xe của người dân, đâu phải muốn là tịch thu được. Tôi cho rằng với những vi phạm như vậy chỉ nên dừng lại ở mức xử phạt nặng, thật nặng, tạm giữ giấy tờ, treo bằng lái hoặc tịch thu bằng lái vĩnh viễn thôi, còn không nên tính tới chuyện tịch thu xe bởi sẽ vướng, rất nhiều phức tạp khác”- ông Sơn nêu quan điểm.

“Xe của người dân, không phải muốn là tịch thu được”
TS. Lê Hồng Sơn: “Ô tô, xe máy là tài sản khá lớn, thậm chí rất lớn của mỗi người dân. Xe của dân đâu phải muốn là tịch thu được đâu"

Ông Sơn cho rằng, muốn ngăn chặn việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, thường xuyên túc trực, kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực tập trung nhiều quán nhậu, địa bàn giao thông trọng điểm... 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM, điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, khi đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

“Việc chạy xe máy vào đường cao tốc có thể gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng bởi tốc độ của các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc rất lớn. Trong khi đó, mức phạt 200.000 - 400.000 đồng hiện nay là tương đối thấp, không đảm bảo tính răn đe đối với người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng đề xuất tịch thu xe đối với người điều khiển xe máy, xe mô tô vào đường cao tốc là không cần thiết và quá nặng đối với người vi phạm. Mức độ vi phạm trong trường hợp này chưa đến mức nghiêm trọng để Nhà nước áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm”- ông Hậu bày tỏ.

Theo ông Hậu, nếu xét về mức độ vi phạm pháp luật giữa hành vi chạy xe máy vào đường cao tốc và hành vi đua xe (hành vi hiện nay đang bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu phương tiện kèm theo biện pháp phạt tiền - PV) thì rõ ràng hành vi đua xe có mức độ vi phạm nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, tiềm ẩn hậu quả tai nạn giao thông rất lớn. Trong khi đó, hành vi chạy xe máy, xe mô tô vào đường cao tốc tuy có yếu tố nguy hiểm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng so với hành vi đua xe thì rõ ràng tính chất vi phạm pháp luật, hậu quả mà hành vi chạy xe vào đường cao tốc không bằng với hành vi đua xe.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng không nên áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện mà nên tăng mức phạt tiền so với quy định hiện nay để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn”- ông Hậu nói.
 

Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản đề nghị với Chính phủ cho phép tăng nặng xử phạt đối với ba nhóm hành vi: dùng xe ô tô chở hàng quá tải, điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm nồng độ cồn và đi xe máy vào đường cao tốc. Ngoài biện pháp xử phạt hành chính, cơ quan này đề xuất có thể tịch thu phương tiện vi phạm. Cụ thể, hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, người điều khiển phương tiện sẽ phạt tiền 25 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng; nếu chủ phương tiện là cá nhân phạt tiền 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt; chủ phương tiện là tổ chức bị phạt tiền 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

Ngoài ra, người điều khiển ôtô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện lưu thông trên đường cao tốc.

Thế Kha