1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Cái xe có biết uống rượu bia đâu mà bị tịch thu?”

(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng, ô tô, xe máy không có lỗi, do vậy không thể tịch thu phương tiện khi tài xế say xỉn. Giải pháp được nhiều độc giả hướng đến bên cạnh việc phạt tiền thật nặng, tước bằng, giam xe lâu ngày... là bỏ tù tài xế “ma men”.

Kiến nghị tịch thu phương tiện nếu người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận được nhiều ý kiến khác nhau của bạn đọc Báo điện tử Dân trí.

Theo khảo sát của Dân trí, tính đến chiều ngày 7/3, có 17% bạn đọc đồng tình với giải pháp nên tịch thu phương tiện vì tính mạng con người là trên hết. 29% bạn đọc cho rằng không nên tịch thu vì đó là tài sản quá lớn và nhiều khi không phải là của người lái. Phương án chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 năm được độc giả Dân trí ủng hộ cao nhất: 54%.

Xe quan trọng hay mạng người quan trọng?

Độc giả Nguyễn Trọng Cảnh cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện của người điều khiển nếu trong máu có nồng độ cồn quá quy định là đúng đắn. Lý do ở nước ta hiện nay rất nhiều người uống bia, rượu quá chén, sau đó bất chấp pháp luật vẫn điều khiển phương tiện trên đường, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở tài xế ô tô (Ảnh Đình Thảo)
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế ô tô (Ảnh: Đình Thảo)

“Nếu không làm mạnh và quyết liệt thì làm sao giảm được tai nạn. Chẳng lẽ ta coi phương tiện quý hơn tính mạng người hay sao?”, độc giả Cảnh lo ngại.

Gửi ý kiến về Dân trí, độc giả Tiến cũng nhận thấy tịch thu phương tiện là giải pháp hay. Mỗi năm rất nhiều vụ tai nạn, đánh nhau cũng chỉ vì người dân uống rượu, bia quá chén, do vậy cấm là hợp lý. Bởi lẽ làm quyết liệt như vậy để người dân không dám uống rượu, bia, điều khiển phương tiện trên đường.

Vì sự an toàn đặt lên hàng đầu nên độc giả Nguyễn Ngọc Minh ủng hộ quan điểm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Theo độc giả, tai nạn giao thông là một vấn nạn, gây tác hại đến rất nhiều mặt của xã hội. Nguyên nhân chính trong đó là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia quá chén.

“Trong hoàn cảnh có người thân bị tai nạn giao thông mới hiểu hết nỗi đau, tác hại của rượu, bia. Rượu, bia đâu phải là thứ không có nó con người không thể sống được. Nếu việc này được thực hiện tôi tin rằng tai nạn ít nhất giảm được 50% so với hiện nay. Người tham gia giao thông cũng yên tâm hơn khi ra đường, đời sống xã hội ngày càng cải thiện”, độc giả Minh phân tích.

Không thể tịch thu tài sản hợp pháp của dân

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, vẫn còn rất nhiều độc giả tỏ ra băn khoăn với đề xuất tịch thu phương tiện của người điều khiển phương tiện vượt quá nồng độ cồn.

Bạn đọc Hoàng Bách băn khoăn: “Không phải lúc nào người ta cũng lái xe trong tình trạng có hơi men. Do vậy, chỉ nên tạm thu giữ phương tiện tại thời điểm có nồng độ cồn trong máu quá quy định và xử phạt nặng là đủ răn đe. Khi tỉnh thì phải trả xe cho người điều khiển. Theo tôi biện pháp tịch thu xe là không thể chấp nhận được”.

Lo ngại lớn nhất được bạn đọc Hữu Thắng đưa ra, không phải trường hợp nào đi xe cũng chính chủ. Ngày thường người thân, bạn bè cũng rất sẵn lòng cho nhau mượn ô tô, xe máy. “Nếu người đi mượn, xe bị tịch thu thì hai bên xử lý thế nào. Nhiều người không đủ tiền, tài sản để đền bù cho chủ xe thì tính sao. Chẳng nhẽ lôi nhau ra tòa hay dùng biện pháp uy hiếp người ta để đòi lại xe chỉ vì một lần quá chén hay sao?”, bạn đọc Thắng lo ngại.

Theo bạn đọc Phạm Đại, tịch thu ô tô, xe máy của người tham gia giao thông khi có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định là sai, không phù hợp với pháp luật hiện nay vì nó là tài sản hợp pháp của công dân. Bạn đọc kiến nghị trong trường hợp này ngoài biện pháp phạt nặng còn tạm giữ cả người, phương tiện trong thời gian phù hợp đến khi “ma men” tỉnh táo trở lại thì xử lý.

“Ô tô chỉ là phương tiện, có biết uống rượu, bia đâu mà tịch thu tài sản của dân. Theo tôi quy định nên thu giấy phép theo mức độ vi phạm, thậm chí tịch thu vĩnh viễn giấy phép lái xe để “ma men” không còn được tham gia giao thông nữa là hợp lý nhất”, độc giả Phương Chính nêu ý kiến.

Nên phạt tù tài xế “ma men”

Độc giả Thanh Hải đưa ra quan điểm có thể xử phạt tù lái xe khi trong máu có nồng độ cồn quá quy định; điều này hợp lý hơn là thu xe vì "phương tiện không có lỗi". Luật này đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Đồng quan điểm trên, độc giả Châu Văn Minh cũng cho rằng, nên phạt thật nặng người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá quy định. Trong đó, giải pháp bỏ tù những đối tượng này cũng được độc giả đề cập. Còn phương án tịch thu xe, độc giải lo ngại sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội đặc biệt đối với xe không chính chủ.

Về vấn đề này, độc giả Quang Quốc góp ý, nếu đã uống rượu bia tham gia giao thông thì nên phạt 1 tháng hay tùy mức độ cho lao động công ích ngoài xã hội như quét rác ở khu dân phố. Làm như vậy vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vừa bảo vệ môi trường công cộng.

Độc giả Anh Trọng cho rằng chỉ phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn thì không ăn thua. Bởi lẽ những người thu nhập thấp, đa số sẽ sợ, rút kinh nghiệm vì xót tiền. Nhưng những người thu nhập khá hơn sẽ “tặc lưỡi” vì số tiền đó không thấm vào đâu so với những gì họ có.

“Theo tôi nên phạt nặng hơn hiện nay. Đã uống bia, rượu tham gia giao thông thì tước giấy phép lái xe 1 hoặc 2 năm. Uống quá nhiều thì tước vĩnh viễn luôn. Nếu vi phạm lần 2 thì cho đi tù. Phải làm căng như vậy “ma men” mới chừa, không gây chết oan cho người khác nữa”, độc giả Anh Trọng nêu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng phương án phạt tù “ma men” chưa được nhắc tới vì với tinh thần cải cách tư pháp chúng ta hiện nay đang cố gắng giảm việc này.

“Với một quốc gia đang phát triển, thu nhập của người dân còn thấp thì đánh vào tài sản là tác động tương đối mạnh. Đi tù sẽ mất việc, mất hình ảnh, cơ hội và nhiều thứ”, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nói.


UB An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị tịch thu phương tiện (ô tô, xe gắn máy…) và tước giấy phép 2 năm nếu lái xe có nồng độ cồn quá cao (> 80mg/100ml máu hoặc > 0,4mg/1ml khí thở). Theo bạn:
Không nên tịch thu vì đó là những tài sản quá lớn và nhiều khi không phải của người lái
Nên tịch thu vì tính mạng con người là trên hết
Chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 năm
  

Quang Phong