Phó Thủ tướng hé mở đề xuất tạm giữ thay cho hướng tịch thu ô tô
(Dân trí) - Kết luận phiên họp sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông quý I/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc xử phạt chưa thoả đáng. Tới đây, chưa tịch thu xe của tài xế nặng hơi men nhưng sẽ phạt tiền mạnh hơn, cùng với biện pháp khác như tạm giữ xe.
Báo cáo nhanh qua cầu truyền hình trực tuyến, Chủ tịch UBND Quảng Trị Nguyễn Đức Chính – địa phương xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa phương tiện đường bộ và đường sắt khiến lái tàu tử vong, 3 toa tàu bị lật gây ách tắc đường sắt Bắc – Nam vừa qua thẳng thắn “nhận khuyết điểm” vì quý I, Quảng Trị là địa phương có tai nạn tăng ở cả 3 tiêu chí.
Nhắc lại vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường sắt, ông Chính thông tin thêm, chiếc xe tải gây tai nạn có trọng tải khá lớn, chở hơn 20 tấn sỏi đá về một trạm bê tông thi công mở rộng Quốc lộ 1. “Dù hôm đó chúng tôi đã lập tức tới hiện trường chỉ đạo giải quyết, cứu hộ nhưng đáng tiếc là không thể thông đường sắt sớm hơn. Rất không may là xe cứu hộ được điều tới để cẩu, chuyển số đoàn tàu trật đường ray hôm đó lại cũng bị lật và việc cứu hộ phương tiện này rất mất thời gian, còn lâu gấp đôi việc cứu hộ tàu” – ông Chính giải thích.
Xác nhận việc có nhiều tai nạn tương tự đã xảy ra, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị phân trần, trên địa bàn tỉnh, Quốc hộ 1 và tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy rất sát nhau, là một yếu tố tiềm ẩn tai nạn. Mới đây, tại địa bàn cũng có một vụ tai nạn rất thương tâm, một xe máy đi qua đường ngang bị tàu đụng, cả 2 chị em đi trên xe máy tử vong.
Ông Chính cho biết, trên địa bàn tỉnh có 63 đường ngang, chủ yếu hợp pháp nhưng số đường ngang có phương tiện cảnh báo, có dải cưỡng bức mới chỉ đạt con số 40, tức còn hơn 20 vị trí giao cắt khác thực sự là những “điểm đen” tai nạn. Tỉnh đã lên kế hoạch để cắt giảm một số đường ngang, phấn đấu kéo giảm tai nạn.
Thông tin thêm về việc này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, theo quy định, ngành đường sắt phải chủ trì trong công tác cứu nạn cứu hộ trên các cung đường của mình. Bộ đã chỉ đạo TCTy đường sắt kiểm tra, đầu tư thêm, trang bị lại các phương tiện cứu hộ đường sắt, rút kinh nghiệm từ vụ lật tàu tại Quảng Trị. Chiếc cẩu được điều tới phục vụ cứu hộ quá cũ kỹ, lạc hậu, cẩu công suất 100 tấn mà mới gánh tải 50 tấn đã không chịu được, đổ kềnh dẫn đến việc cứu hộ cẩu còn lâu hơn cứu hộ đường sắt.
Còn vấn đề đường ngang giao cắt với đường sắt, hiện trên toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam có tới 6.000 điểm, để xử lý hết cần nguồn vốn 30.000 tỷ đồng. Không thể bỏ ra cùng lúc số tiền lớn như vậy để giải quyết toàn diện, Bộ trưởng Thăng đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, phòng ngừa tai nạn bằng con người.
Trao đổi thêm về vấn đề nguyên nhân tai nạn giao thông vẫn phức tạp, khó kiểm soát do tuyên truyền chưa đủ, xử phạt chưa mạnh hay bộ máy, con người chưa tương xứng… Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, thiếu yếu tố nào cũng không giải quyết được vấn đề.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không giấu bức xúc: “Hỏi việc xử phạt đã thoả đáng chưa thì tôi xin nói là chưa. Vừa qua Bộ GTVT đã nghiên cứu việc tịch thu xe nhưng thấy chưa phù hợp thì trước hết cũng cần phạt tiền nhiều hơn, cùng với các biện pháp khác như tạm giữ xe”. Phó Thủ tướng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ ngày mai, 1/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ trình bày phương án để xuất cụ thể về vấn đề này.
Ông Phúc dẫn chứng phương thức phạt Đà Nẵng đã áp dụng, mức phạt đủ mạnh, tác dụng thể hiện ngay. Biểu hiện của việc mức phạt chưa đủ mạnh là nhiều chủ xe, lái xe hết sức coi thường, đã vi phạm còn chống đối, tấn công lực lượng thi hành công vụ, đe doạ nhà báo…
“Điểm rõ ràng là hình phạt còn ít, cần nặng hơn, không chỉ là phạt về tiền. Tới đây tăng mức phạt tiền, nếu người vi phạm không có tiền nộp phạt, chúng tôi sẽ giữ xe lại” – Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm sao chặn tình trạng tiêu cực, chống hiện tượng “cưa đôi”, 50/50 khi xử phạt.
Chủ tịch UB ATGT quốc gia cũng nhắc đến các nguyên nhân người sử dụng phương tiện, lái xe vi phạm nhiều đã được mổ xẻ như công tác đào tạo dễ dãi, lái xe vô trách nhiệm, uống rượu bia tràn lan, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, coi thường tính mạng của mình và người khác.
Biểu dương 12 tỉnh có số tai nạn giảm hơn 10%, đặc biệt là Đồng Nai và phê bình nghiêm khắc 12 tỉnh có tai nạn tăng cao, trong đó có 5 tỉnh số người chết tăng hơn 50%, Phó Thủ tướng đề cập việc nhiều cấp chính quyền vẫn lơ là, chủ quan trong tác kiểm soát ATGT, thực trạng phần nhiều nằm ở cấp huyện, xã còn lãnh đạo coi thường, không xem đây là nhiệm vụ của mình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không kiên quyết sẽ không thể đạt được chỉ tiêu kéo giảm 5-10% tai nạn trong năm 2015. Khi đó địa phương sẽ bị phê bình, bị cắt mọi thi đua, thành tích cuối năm.
Từ câu chuyện kiểm soát xe quá tải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh yếu tố con người, quyết tâm và sự phối hợp hành động trong nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nếu dời thanh tra, dời cảnh sát giao thông, ngành giao thông không thể kiểm soát được xe quá tải. Còn ở địa phương, tỉnh nào mà Bí thư, Chủ tịch tỉnh, GĐ Công an tỉnh thực sự vào cuộc thì sẽ hết xe quá tải. Dẫn chứng Hà Tĩnh, địa phương có xe quá tải chạy nhiều nhất cả nước nhưng khi Bí thư “ra đứng đường”, xe quá tải không còn cửa hoạt động, Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi lãnh đạo các địa phương quan tâm, quyết tâm thực hiện việc này để mang lại lòng tin với người dân, DN. Ông Thăng cũng chỉ thẳng điểm đầu mối kiểm soát tải trọng xe khi ra đường là tại các cảng biển. Vạch rõ tuyến đường xe quá tải di chuyển từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Hải Dương, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai… nhất là từ cảng Hải Phòng, toàn xe chở quá tải đến 200-300%, Bộ trưởng GTVT “đe” nếu cảng Hải Phòng còn để xe xuất hàng quá tải, Giám đốc cảng sẽ mất chức. Chi cục quản lý đường bộ nào để xe quá tải làm hỏng đường cũng lãnh hệ quả tương tự. |
P.Thảo