1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Một phần vườn sầu riêng là đất rừng

Trung Thi

(Dân trí) - Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, diện tích đất bị sạt trượt làm 4 người tử nạn ở đèo Bảo Lộc có một phần nằm ngoài và một phần nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Một phần đất, đá sạt lở là đất rừng

Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai vừa có báo cáo tình hình quy hoạch tại khu vực chốt Cảnh sát giao thông (CSGT) nơi xảy ra vụ sạt lở làm 4 người tử nạn trên đèo Bảo Lộc.

Theo báo cáo, vị trí đất bị sạt lở tại chốt CSGT đèo Bảo Lộc thuộc tiểu khu 581B, thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).

Trước đây, khu đất trên thuộc đất lâm nghiệp do Lâm trường Đạ Huoai quản lý. Đến năm 1999, khu đất được bàn giao cho Ban Quản lý rừng Nam Huoai.

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Một phần vườn sầu riêng là đất rừng - 1

Một phần vườn sầu riêng là đất rừng (Ảnh: Hải Long).

Năm 2008, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng giai đoạn 2008-2020. Theo đó, phần diện tích khu vực trên (gồm chốt CSGT đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích Miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), với tổng diện tích khoảng 2,7ha.

5 năm sau, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Đạ Huoai mới. Lúc này, chỉ có phần 0,6ha tại chốt sau CSGT (chiều rộng tính từ mép đường vào chân taluy dương phía sau chốt CSGT đến miếu Ba Cô rộng khoảng 29m) không phải là đất rừng; 2,1ha diện tích còn lại đưa vào quy hoạch đất rừng.

Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai nêu rõ, phần nhà trạm CSGT không thuộc phần diện tích quy hoạch 3 loại rừng.

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Một phần vườn sầu riêng là đất rừng - 2

Vườn sầu riêng 3 năm tuổi nằm trong khu vực sạt lở (Ảnh: Hải Long).

"Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng", báo cáo nêu.

Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai cũng cho biết, phần đất này do bà Đặng Thị L. canh tác cây nông nghiệp ổn định từ trước năm 1985 đến nay. Hiện trạng là cây sầu riêng khoảng 3 năm tuổi.

Bà L. khẳng định phần đất này được gia đình khai hoang trước năm 1975 và canh tác ổn định từ đó đến nay.

Gia đình bà L. cho hay, trước năm 2020, tại đây, gia đình trồng bơ, mít và một số loại cây ăn trái khác.

Sau năm 2020, do những loại cây nói trên kém năng suất, bà L. đã chuyển quyền sản xuất cho cháu là anh B.. Anh B. cải tạo phần đất này để trồng cây sầu riêng.

Trách nhiệm của địa phương

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ngày 31/7, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có báo cáo sơ bộ về tính pháp lý liên quan đến chốt CSGT nằm trên đèo Bảo Lộc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết năm 1993, để cán bộ chiến sĩ CSGT có điều kiện cư trú, nghỉ ngơi trong quá trình tuần tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, một trạm CGST đã được xây dựng tại khu vực đèo Bảo Lộc.

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Một phần vườn sầu riêng là đất rừng - 3

Một phần còn lại của chốt CSGT đèo Bảo Lộc sau vụ sạt lở (Ảnh: Dương Phong).

"Tất cả điều kiện pháp lý liên quan đến trạm đều đầy đủ, tức là đã chuyển đổi từ đất rừng sang đất xây dựng", ông Hiệp nói.

Liên quan đến nguyên nhân sạt lở, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng hàng năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận lượng mưa rất lớn, trong đó Bảo Lộc là nơi có lượng mưa nhiều. Khi có mưa liên tục tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, do kết cấu nền đất Bazan không bền vững.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều 1/8, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp cho rằng, vườn sầu riêng nằm ở vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc là đất rừng phòng hộ và phải trồng cây bản địa. Việc để trồng sầu riêng chắc chắn có trách nhiệm của địa phương.

Dòng sự kiện: Sạt lở đèo Bảo Lộc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm