1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Địa phương nói gì về vườn sầu riêng giữa rừng?

Trung Thi Đặng Dương

(Dân trí) - Toàn bộ khu vực sạt lở trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nằm trọn ở khoảnh đồi trồng cây sầu riêng. Ngay cạnh đó là khu đất trồng rừng.

Ảnh chụp bằng flycam cho thấy, đất đá sạt lở đều thuộc khoảnh đất trồng sầu riêng. Khối đất đá đổ xuống chôn vùi Trạm CSGT Madaguoi, làm 4 người tử nạn.

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Địa phương nói gì về vườn sầu riêng giữa rừng? - 1

Toàn cảnh vụ sạt lở nhìn từ trên cao. Khu vực sạt lở không có cây rừng mà được trồng sầu riêng (Ảnh: Hải Long).

Khi nhìn những hình ảnh này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao phá rừng để trồng sầu riêng? Vườn sầu riêng của ai và trồng từ bao giờ? Đây có phải là đất rừng phòng hộ?

Tìm hiểu nguồn gốc vườn sầu riêng, phóng viên Dân trí trao đổi với ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Ông Chinh cho biết vườn sầu riêng nói trên thuộc sở hữu của bà Đặng Thị L. (trú thị trấn Đạ M'ri).

Theo ông Chinh, bà L. đã sinh sống tại khu vực này từ khá lâu và bắt đầu canh tác trên ngọn đồi nói trên từ năm 1985 đến nay. Toàn bộ khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng (Đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương).

"Ngày trước, trên diện tích này bà L. trồng cây cà phê, mít, bơ, gần đây mới cải tạo lại để trồng cây sầu riêng", Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất trồng sầu riêng khoảng 1ha với tuổi đời cây khoảng từ 3 đến 4 năm tuổi, xung quanh là rừng tự nhiên bao bọc.

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Địa phương nói gì về vườn sầu riêng giữa rừng? - 2

Toàn bộ khối lượng đất đá sạt lở đều nằm ở khu vực trồng sầu riêng (Ảnh: Hải Long).

Trong sáng 31/7, nước ngầm ở khu vực sạt lở chảy thành dòng xuống dưới, khiến công tác cứu nạn, giải phóng đất đá gặp nhiều khó khăn.

Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng tìm nguyên nhân vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng cần mời chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm khảo sát địa chất ở khu vực có nguy cơ sạt lở để có cách ứng xử an toàn.

"Đây là bài học không chỉ riêng cho Lâm Đồng mà cho cả nước, vì bây giờ là thời điểm bắt đầu mùa mưa. Việc này đề nghị Bộ NN&PTNT, cùng với các bộ, ngành khác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra một văn bản phù hợp, chỉ đạo chung về nội dung này", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo.

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Địa phương nói gì về vườn sầu riêng giữa rừng? - 3

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng tìm nguyên nhân vụ sạt lở (Ảnh: Dương Phong).

Liên quan đến vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng trước tình hình sạt lở gia tăng ở Lâm Đồng, tỉnh này cần gấp rút rà soát lại các khu vực có nguy cơ trên toàn địa bàn.

"4 nhóm nguy cơ sạt lở gồm, khu vực có triền dốc, taluy cao; khu vực dốc nhưng không còn rừng để giữ đất; khu vực cheo leo nhưng lại xây dựng dưới chân đồi và cuối cùng là khu vực thay đổi các kết cấu tự nhiên như bê tông hóa, chặt cây nhưng thiếu hệ thống thoát nước", KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.

Theo KTS Nam Sơn, với mỗi khu vực thì Lâm Đồng cần có biện pháp ứng xử riêng để giảm thiểu tai nạn sạt lở.

Dòng sự kiện: Sạt lở đèo Bảo Lộc