Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Chủ vườn sầu riêng lên tiếng
(Dân trí) - Theo bà chủ vườn sầu riêng nằm trong khu vực sạt lở trên đèo Bảo Lộc, khu đất trồng sầu riêng này đã được khai hoang từ cách đây 50 năm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 1/8, bà Đặng Thị L., 76 tuổi, chủ vườn sầu riêng nằm trong khu vực sạt lở ở đèo Bảo Lộc, cho biết trước năm 1975, ông Đặng H., bố của bà, đã khai hoang khu đất này để canh tác. Sau khi người bố qua đời, mảnh đất được giao lại cho bà quản lý.
Ban đầu bà trồng cây lúa, sau đó chuyển sang trồng bơ, cà phê, mít. Sau thời gian dài canh tác, đất đai cằn cỗi nên bà chuyển lại cho cháu trai cải tạo để trồng sầu riêng.
"Do các cây trồng cũ kém hiệu quả nên năm 2020 chúng tôi quyết định chuyển sang trồng cây sầu riêng. Tính đến nay, các cây sầu riêng này khoảng 3 năm tuổi", ông B., cháu trai của bà chủ vườn sầu riêng, cho biết.
Theo ông B., dư luận nói gia đình ông phá rừng gây sạt lở là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình.
"Đất này ông bà tôi canh tác từ lâu, tôi chỉ kế tục để canh tác thôi chứ đâu có phá rừng. Tại khu vực này còn có những cây vú sữa, cây bơ lâu năm nữa, chứ không chỉ có sầu riêng", ông B. giãi bày.
Theo hình ảnh từ ứng dụng Google Earth, cách đây 10 năm (năm 2013), khu vực vườn sầu riêng hiện tại có mật độ cây gần tương đồng với các khu vực lân cận. Đến năm 2019, vườn cây phía sau lưng Trạm CSGT Madaguoi thưa thớt dần, lộ ra nhiều khoảng đất trống.
Đặc biệt, hình ảnh được chụp gần nhất vào tháng 7 vừa qua cho thấy, khu vực này đã có sự tác động, phân thành nhiều bậc để trồng cây sầu riêng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), xác nhận mảnh đất trồng sầu riêng trong khu vực sạt lở hôm 30/7 được người dân khai khẩn, canh tác từ trước năm 1975.
Ông Chinh cho hay toàn bộ khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng (đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương).
Nói thêm về tình hình sạt lở của địa phương, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri cho biết, khu vực đèo Bảo Lộc đã từng xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.
"Tại khu vực đèo Bảo Lộc, chỉ cần mưa kéo dài 3-4 ngày, đất đá bắt đầu nhão, hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống dưới. Có vị trí sạt lở xuất hiện ở đoạn có rừng nguyên sinh, chứ không chỉ có riêng đất đồi nông nghiệp", ông Chinh nói.
Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri còn cho biết thêm hầu hết diện tích trồng sầu riêng là đất nông nghiệp hoặc đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cây sầu riêng muốn trồng phải có nguồn nước tưới thường xuyên.
Trước những ý kiến trái chiều liên quan đến khu vực vườn sầu riêng bị sạt lở ở đèo Bảo Lộc khiến 4 người tử vong, ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo huyện Đạ Huoai kiểm tra tính pháp lý của vườn sầu riêng.