Vụ sập cầu ở Cần Thơ: "Trách nhiệm trước hết là chủ đầu tư"
(Dân trí) - "Theo tôi, có nhiều khả năng do ảnh hưởng của dàn giáo, nguyên nhân lún của nền đất không phải là không có. Gần đây, một cán bộ trong đó cho biết, toàn phần đà giáo nằm trên phần bê tông đóng cọc sâu", ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, nhận định như vậy trong cuộc trao đổi nhanh chiều nay, 26/9.
Ông có nhận định gì về nguyên nhân sập cầu vừa rồi?
Vấn đề mà xã hội quan tâm hiện nay là trách nhiệm tại ai? Luật pháp đã có quy định rất chặt chẽ về chất lượng công trình, hay nói đúng hơn là trách nhiệm của ban quản lý dự án và trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong nội dung quản lý dự án thì có năm nội dung như quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, quản lý an toàn lao động và môi trường.
Còn trách nhiệm cụ thể gây ra sự cố sập đổ này thì phải có một cuộc điều tra phân tích kỹ lưỡng, cặn kẽ nguyên nhân tại đâu. Theo thông báo sơ bộ, nguyên nhân hiện nay có thể là do hệ thống đà giáo, hoặc có thể do tác động của thời tiết.
Và như vậy phải còn chờ thời gian dài chúng ta mới có thể kểt luận được nguyên nhân sự cố vừa rồi, thưa ông?
Rõ ràng trong việc tìm ra nguyên nhân cũng không phải là nhanh chóng, theo quan điểm của tôi việc sập đổ công trình này có lẽ nhóm nguyên nhân số một nằm trong nhóm nguyên nhân về biện pháp thi công, trong đó có biện pháp về đà giáo, biện pháp về đổ bê tông, kể cả về tổ chức trình tự thi công.
Thời gian tới Bộ Giao thông vận tải phải tập hợp một số chuyên gia, các đơn vị phân tích thật kỹ các nguyên nhân để tìm cách khắc phục và có quy kết trách nhiệm. Lỗi của sự cố đó thuộc về bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm.
Nếu như lỗi là do biện pháp thi công không phù hợp gây sự cố thì người lập biện pháp thi công và người tham gia thi công phải chịu trách nhiệm. Nếu công trình lỗi do thiết kế thì bên thiết kế phải chịu trách nhiệm. Tất cả đều phải được xác định trên cơ sở phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự cố.
Theo một số công nhân cho biết, sau khi đổ bê tông được vài ngày thì đơn vị thi công đã cho di động dàn giáo để đúc khuôn, việc di động dàn giáo có tác động như thế nào đến sự cố vừa rồi, thưa ông?
Bản thân bê tông phải đủ một độ tuổi nhất định, phải đạt được độ liên kết nhất định thì chúng ta mới có thể dịch chuyển được.
Trong trường hợp này thì bao nhiêu ngày mới được phép di động dàn giáo để tiếp tục đổ bê tông?
Cái này hoàn toàn tuỳ thuộc theo phương pháp tổ chức thi công, một khi đơn vị thi công sử dụng bê tông cường độ cao, dùng phụ gia đông cứng nhanh thì vẫn đảm bảo cường độ. Tuy nhiên nguyên tắc là phải đảm bảo độ cứng nhất định thì mới được di chuyển.
Trước đây chúng ta thi công một tầng nhà phải đảm bảo cường độ bê tông cứng trong 28 ngày, bây giờ dùng phụ gia có thể rút ngắn xuống 7 ngày, hoặc có thể 3 ngày là được. Hiện nay tất cả công nghệ trượt là 3 ngày có thể trượt được. Thời gian không quan trọng, vấn đề là cường độ đạt đến mức nào thì mới được phép di chuyển.
Việc sập như vừa rồi có ảnh hưởng đến kết cấu toàn công trình, thưa ông?
Đây là điều mà chúng tôi phải đánh giá rất kỹ, và đây là trách nhiệm cuả Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể sau khi khảo sát, xem xét xong, các nhà đầu tư gửi báo cáo đánh giá về nguyên nhân thì chúng tôi sẽ tập hợp các chuyên gia xem xét lại.
Thưa ông, chúng ta không loại trừ trách nhiệm cuả đơn vị thi công?
Phải tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân việc sập đổ ấy có phải là do lún nền dẫn đến hệ thống đà giáo chuyển vị, tụt xuống hay không. Hay hệ thống đà giáo ấy không đủ chịu lực. Hai nguyên nhân này thì lỗi phải thuộc về nhà thầu, bởi nhà thầu phải có trách nhiệm lập biện pháp thi công, trong đó đà giáo thế nào, móng đà giáo ra sao…
Thưa ông, có nên đặt vấn đề xem lại năng lực nhà thầu ở công trình này?
Chúng ta phải xem hai khía cạnh. Thứ nhất là nguyên nhân của ai, nếu nguyên nhân của họ là lỗi kỹ thuật thì không những nhà thầu không được tham gia công trình mà còn có trách nhiệm của người lựa chọn nhà thầu đó.
Ông có loại trừ nguyên nhân do công trình này bị rút ruột không?
Tôi không nghi ngờ khả năng đó vì với một nhà thầu quốc tế nhiều kinh nghiệm tôi nghĩ việc này rất khó xảy ra. Tôi nhắc lại, vấn đề cốt lõi ở đây là vấn đề thi công bởi công trình đã làm việc đâu.
Chúng ta có cần kiểm tra phần còn lại của công trình không vì nhỡ đâu nó lại sụt tiếp thì thế nào?
Đây là bài học cảnh tỉnh đầy đau xót, các công trình cầu đường từ trước tới nay chưa từng xảy ra và là cảnh báo quá đau xót trong việc kiểm tra thi công. Còn sự cố sụt dàn giáo trong thi công các công trình xây dựng công nghiệp dân dụng thì cũng đã có và hậu quả cũng không nhỏ.
Cách đây 2 năm, nhà máy nước Cầu Đỏ đang thi công thì bị sập dàn giáo, 3 công nhân bị gãy xương. Những năm 2001-2002, ngay tại trạm thu phí phía nam đèo Hải Vân sụt dàn giáo làm chết 3 người. Bài học về việc sập dàn giáo chúng ta đã cảnh tỉnh. Điều này luật pháp đã quy định rõ ràng: biện pháp thi công phải được phê duyệt và trong quá trình giám sát phải được kiểm soát. ĐTH Huế bị sập dàn giáo mà chúng tôi được báo cáo là do dàn giáo mưa nhiều không vững. Trước khi làm phải kiểm tra điều đó.
Thưa ông, các nhà thầu có bị sức ép về tiến độ không?
Không hề, gói thầu số 2 của công trình xây dựng cầu Cần Thơ đang đi trước tiến độ. Lần lưu ý gần đây nhất là tăng tốc gói thầu số 1 và số 3 là đường dẫn hai đầu Vĩnh Long - Cần Thơ.
Trách nhiệm trước hết là chủ đầu tư, trách nhiệm cụ thể trong sự cố này chúng ta phải tìm nguyên nhân của sự cố này: do dàn giáo, do tổ chức thi công… Rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa ra nguyên nhân trước, theo tôi là không đúng, điều này hãy dành cho các nhà chuyên môn.
Vậy trách nhiệm của chủ đầu tư ở đây, là Bộ GTVT hay Ban quản lý Mỹ Thuận?
Đương nhiên là Bộ GTVT còn Ban QL Mỹ Thuận chỉ là đơn vị đại diện cho chủ đầu tư.
Còn trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu nhà nước trong việc này như thế nào, thưa ông?
Đây là sự cố rất đau xót, chúng tôi theo dõi sát sao và đã định báo cáo Thủ tướng lần cuối để đưa vào khai thác nhưng không ngờ lại xảy ra sự cố như thế này. Thời gian tới chúng tôi sẽ phải xem xét nhiều hơn nữa khi công trình có “khuyết tật” như vậy, đặc biệt là xem xét phần sụt nhịp 13, 14 đó có ảnh hưởng như thế nào tới cả cây cầu không. Trách nhiệm của chúng tôi là tiếp tục đánh giá khắc phục sự cố để đưa công trình vào hoạt động đảm bảo an toàn.
Là người nhiều năm kinh nghiêm trong ngành xây dựng, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Theo tôi, có nhiều khả năng do ảnh hưởng của dàn giáo, nguyên nhân lún của nền đất không phải là không có. Trong cuộc trao đổi gần đây của tôi với một cán bộ trong đó cho biết, toàn phần đà giáo nằm trên phần bê tông đóng cọc sâu. Gần đây nhất chúng ta gặp sự cố sập sàn bê tông tại khu Dung Quất cũng vì lý do đó.
Xin cảm ơn ông!
Chiều nay, tại phiên họp của UBTV QH, nhiều đại biểu đã bày tỏ chia sẽ và quan điểm của mình đối với vụ sập cầu tại Cần Thơ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Phải vào cuộc ngay để xác định nguyên nhân
Tôi rất lấy làm tiếc vì vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi nhiều sinh mạng. Xem qua ti vi, báo chí mà đau lòng quá. Cả 1 cái dầm dài như thế, sông rộng nước lớn như thế, chắc chắn việc xử lý cứu hộ không đơn giản. Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận từ thực tế và phải đưa ra các dự báo về nhiều tình huống khác nữa. Để thấy nguy cơ và có biện pháp đề phòng chứ đừng để việc xảy ra rồi mới làm.
Trước vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT cùng các ngành chức năng phải vào cuộc ngay, xác định nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm, chấn chỉnh. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, quyền hạn, các cơ quan trực tiếp quản lý vấn đề này phải làm cho rõ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải quan tâm tới hoàn cảnh của các nạn nhân.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Đặng Ngọc Tùng: An toàn lao động đã không được coi trọng
Tôi đã cử Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ vào TPHCM, ngày hôm nay sẽ có mặt ở Cần Thơ. Sự việc xảy ra, chúng tôi đã chỉ đạo LĐLĐ TP Cần Thơ cố gắng cùng gia đình, địa phương giải quyết. An toàn lao động của không chỉ riêng công trình này mà ở nhiều công trình khác không được coi trọng nên tai nạn lao động xảy ra là điều rất đáng tiếc. Trước mắt, công đoàn sử dụng quỹ Tấm lòng vàng trợ giúp trước mắt cho gia đình mỗi công nhân bị chết 1 triệu đồng và 500.000 đồng với công nhân bị thương. Thái Sơn ghi |
Trần Hưng - Phúc Hưng (thực hiện)