Vụ lở đá khổng lồ: Rác cũng kẹt trên núi
(Dân trí) - Việc phong tỏa đường lên núi Cấm đã gây khó khăn cho bà con sống trên núi trong việc đi lại, mua bán hàng hóa; đồng thời khiến rác thải trên núi bị tồn suốt mấy ngày nay.
Anh Bùi Văn Đen - một chủ sạp trái cây ở khu vực chợ lo lắng: “Rác nhiều quá rồi nhưng 5 năm ngày nay không thấy xe rác đến lấy. Rác bốc mùi không chịu nổi, nếu phải để thêm vài ngày tới thì không biết lấy chỗ đâu mà chất rác”.
Lo lắng nhất là các chủ tiệm bán quán ăn, nơi có khối lượng rác xả ra mỗi ngày khá lớn. Theo chị Mai - chủ một quán cơm trên núi Cấm: "Rác để trước ngõ chẳng khác nào đuổi khách. Mấy ngày nay du khách lên núi đã giảm, buôn bán ế ẩm, gặp thêm tình trạng này thì chắc đóng cửa tiệm luôn!"
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Chau Sóc Phươl - Phó Chủ tich xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) - nói: “Ngay sau vụ lở đá, xe lấy rác bị kẹt trên núi nên xã đã triển khai 4 xe lấy rác nhỏ (loại đẩy tay) lấy rác cho người dân. Có thể do mùa cao điểm, lượng rác nhiều, các xe lấy không xuể. Tuy nhiên chúng tôi sẽ kiểm tra lại vấn đề tồn đọng rác, nếu cần thiết sẽ huy động xe lấy rác thêm”.
Trong một diễn biến khác, ngày 8/5, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định cấm mọi phương tiện, người dân (kể cả phóng viên) lên núi. Vì vậy, 4.000 người dân trên núi phải theo lối bộ hành truyền thống lên xuống núi lấy lương thực hàng hóa. 6 giờ sáng 10/5, PV Dân trí có mặt tại các đường bộ dẫn lên núi Cấm, chứng kiến cảnh hàng trăm người dân vã mồ hôi cõng hàng lên núi. Một số bà con tự gánh hàng, số khác phải bỏ ra 100.000 đồng để thuê người đèo hàng lên núi.
Chị Hà - một tiểu thương - chuẩn bị hàng hóa trước khi gánh lên núi bán cho người dân
Một phụ nữ có tuổi vẫn cố gánh hàng lên núi
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên xuống núi lấy hàng, theo con đường mòn dài 7km
Lượng du khách đến với núi Cấm dù ít nhiều so với mọi năm nhưng vẫn khá đông.
Ngô Nguyễn