An Giang:
Vụ lở đá kinh hoàng: Cửa hàng bách hóa, xe ôm hốt bạc
(Dân trí) - Khi chốt gác lên núi Cấm được phong tỏa nhằm khắc phục sự cố lở đá kinh hoàng, 4.000 người dân sống trên núi “khát” lương thực, hàng hóa, vì vậy mặt hàng này được tăng giá lên 2-3 lần. Cánh xe ôm cũng hốt bạc nhờ việc chở người hiếu kỳ lên núi... xem.
Lợi dụng tình hình trên, cánh xe ôm đã “mở đường” chở khách đi theo hướng từ chùa Phật Nhỏ sang hồ Thuỷ Liêm. Mỗi chuyến đi các bác tài tính giá “cắt cổ”: mỗi người khoảng 100.000 đồng/một chiều lên. “Cứ tưởng mấy anh xe ôm ăn giá như thường ngày (30.000 - 40.000 đồng), ai ngờ chỉ một chuyến thôi mà đã 100.000 đồng. Lên được 1 chuyến, bận về đi bộ luôn!” - anh Tân, một người dân vừa bị xe ôm “chặt chém” bực tức nói.
Cánh xe ôm hốt bạc nhờ dịch vụ chở những người hiếu kỳ lên núi xem hiện trường vụ lở đá
Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, ông Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển du lịch An Giang, lo lắng: “Việc mấy anh xe ôm tự ý mở lối khác chạy chở khách lên núi Cấm là rất nguy hiểm. Bởi thời điểm hiện nay đang vào mùa mưa, các tuyến đường “tự phát” lên núi không đảm bảo chất lượng, xe chạy sẽ bị trượt ngã, gây tai nạn cho du khách. Nhiều du khách hiếu kỳ khi nghe những lời đồn đoán, thêu dệt chuyện không hay về vụ sạt lở đá đã tìm mọi cách đến xem hiện trường vụ sạt lở. Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, riêng bà con thì không nên hiếu kỳ lên núi lúc này, vừa tốn tiền, vừa nguy hiểm”.
Một thực trạng nữa đang diễn ra liên quan đến vụ lở đá là giá hàng hóa, thực phẩm trên núi Cấm đã tăng vọt từ sau vụ tai nạn lở đá hôm 5/5. Nguyên nhân là do đường lên xuống núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) bị cơ quan chức năng phong tỏa, việc đi lại gần như ách tắc, hơn 4.000 người dân trên núi khát nhu yếu phẩm nên các tư thương được dịp tăng giá.
Vụ lở đá gây nên mất mát vô cùng lớn. Và xung quanh nó là những "sự cố ăn theo" cũng đáng buồn không kém.
Đìu hiu trên “nóc nhà đồng bằng”
Từ lâu, đỉnh núi Cấm - An Giang được biết đến là chốn linh thiêng, huyền bí, thu hút rất đông du khách thập phương. Đặc biệt vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến tham quan trên núi. Nhưng trong những ngày qua, do xảy ra tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng nên dịch vụ du lịch lên núi phải ngưng trệ. Kèm theo đó là nhiều dịch vụ khác cũng ế ẩm. Đúng dịp cao điểm sắp diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, cơ hội làm ăn lớn của người dân năm nay bị ảnh hưởng nặng nề.
Đìu hiu khu lịch núi Cấm từ sau vụ lở đá ngày 5/5
Hiện các trung tâm du lịch trên núi Cấm như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh hay tượng phật Di Lặc đều rất vắng khách. Ông Nguyễn Văn Ban, Phó Ban quản tự chùa Phật Lớn nhìn nhận: Thông thường vào thời điểm này có hàng ngàn khách du lịch đến đây, đông kín từ trong chánh điện lẫn ra ngoài sân chùa. Nhưng chỉ ngày đầu tiên xảy ra vụ tai nạn sạt lở núi, lượng khách đã giảm đến 2/3 so với cùng kỳ. Còn từ hôm qua cho tới hôm nay, số khách đến chùa chỉ còn khoảng 15%...”.
Hàng quán ế ẩm khi đường lên núi Cấm bị phong tỏa
Trước tình trạng trục lợi bất chính của một số người, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên - Ngô Hồng Yến - đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra ngay việc hàng hóa, lương thực thiếu và bị tăng giá; xử lý nghiêm những hộ đầu cơ, găm hàng. Theo ông Yến nếu có chuyện hàng hóa thiếu thì huyện sẽ tổ chức đưa hàng hóa, thực phẩm lên núi phục vụ người dân ngay. Liên quan đến việc phong tỏa đường lên xuống núi Cấm, Ban giám hiệu trường THCS núi Cấm cho biết, hiện tại có 8 giáo viên và 20 học sinh dưới chân núi phải thuê nhà trọ ở lại trên núi. Mấy ngày qua giá cả hàng hóa tăng cao khiến cuộc sống của thầy cô và các em gặp không ít khó khăn. Ông Lê Minh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang cho biết, sau khi giải phóng xong hiện trường vụ sạt lở, sẽ mời 300 vị sư chùa Vạn Linh đến nơi xảy ra vụ tai nạn để tổ chức lễ cầu siêu cho 6 nạn nhân tử vong. |
Ngô Nguyễn