1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Vụ "góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia": Đại biểu Quốc hội đề nghị "tổng rà soát mạnh tay"

Thế Kha

(Dân trí) - Nói về lùm xùm "xén tiền thưởng" của VĐV thể dục dụng cụ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng đó là "những câu chuyện buồn", đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị phải "tổng rà soát mạnh tay".

Loạt bài của Dân trí về lùm xùm xung quanh việc vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ Phạm Như Phương xin giải nghệ, cũng như hé lộ góc khuất chuyện phải nộp 10% tiền thưởng huy chương, nộp tiền "quỹ lạ" thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Vụ góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia: Đại biểu Quốc hội đề nghị tổng rà soát mạnh tay - 1

VĐV Phạm Như Phương, người từng giành 2 HCB và 2 HCĐ ở SEA Games 31 (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Cục Thể dục thể thao chấn chỉnh công tác tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công tác huấn luyện, chế độ chính sách của đội tuyển thể dục dụng cụ nữ quốc gia; xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện có sai phạm.

Những câu chuyện đáng buồn, cần xử lý nghiêm

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phản ánh thời gian qua liên tiếp xảy ra những câu chuyện buồn liên quan đến ngành thể thao.

Đó là chuyện bớt xén bữa ăn, "ăn không đủ no" của VĐV bóng bàn (tháng 10/2023); Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nợ thuế và lãi chậm nộp 1.000 tỷ đồng, không còn khả năng thanh toán. Mới đây nhất, VĐV thể dục dụng cụ liên tiếp "tố" bị cắt xén tiền thưởng, kê khống ngày công…

Vụ góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia: Đại biểu Quốc hội đề nghị tổng rà soát mạnh tay - 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ảnh: Phạm Thắng).

"Tôi cho rằng không chỉ hôm nay, mà thời gian trước đây có khi cũng đã có chuyện bớt xén đó, chỉ có điều chưa ai phát hiện, chưa ai dám tố cáo mà thôi. Đây thực sự là scandal (vụ bê bối - PV) trong ngành thể dục thể thao", ông Hòa nói.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn, người đứng đầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, chỉ đạo thanh tra toàn bộ hoạt động thể dục thể thao, bởi đây là "món ăn tinh thần", tạo dựng uy thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hơn nữa, ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này cũng được Quốc hội phê duyệt rất lớn.

"Chi rất nhiều tiền cho hoạt động chuyên môn mà lại có chuyện vào "túi riêng" của một cá nhân, nhóm người hoặc một bộ phận, tổ chức là điểm đáng phê phán, cần xử lý nghiêm.

Những lùm xùm thời gian gần đây đều là những hành động, cư xử không thể nào chấp nhận được, dù không đáng là bao nhiêu nhưng tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh, trả lời công luận rõ ràng và trả lại hoạt động thể dục thể thao của Việt Nam lành mạnh, trong sáng hơn", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Phải "tổng rà soát mạnh tay" để làm sạch hệ thống đào tạo VĐV

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đánh giá những ồn ào đó xảy ra vào thời điểm "năm hết Tết đến" thật không hay.

Đó có thể coi là "tham nhũng vặt", việc cắt xén biểu hiện suy thoái của tham nhũng, tuy không lớn nhưng ảnh hưởng, đụng chạm tới hình ảnh của những người đang ngày ngày nỗ lực tập luyện, thi đấu để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

"Nếu những phản ánh của báo chí đều là sự thật thì rất đáng lên án. Chúng ta đang hướng tới nền thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao mà xảy ra sự việc như thế thì rất không ổn về mặt pháp luật và đạo đức.

Cách làm đó diễn ra sẽ tác động tới chất lượng đào tạo, huấn luyện, tâm lý của VĐV, ảnh hưởng tới hình ảnh của nền thể thao rất cần nhân văn", ông Trịnh Xuân An phân tích.

Câu chuyện buồn của ngành thể dục thể thao khiến nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội lên án, bức xúc, đòi hỏi làm rõ sai phạm cụ thể như thế nào, xuất phát từ cá nhân nào?

Vụ góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia: Đại biểu Quốc hội đề nghị tổng rà soát mạnh tay - 3

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ảnh: Phạm Thắng).

"Về mặt chỉ đạo, tôi cho rằng Bộ trưởng đã có ý kiến cụ thể rồi, cần phải có biện pháp thật mạnh tay để xử lý triệt để vụ việc này. Hơn nữa, phải nhìn nhận xem tại sao vụ việc xảy ra như vậy có tính hệ thống hay không, bởi không chỉ với thể dục dụng cụ mà trước đó còn xảy ra với VĐV bóng bàn trẻ. Liệu có đích thực phải đợi tới khi VĐV có tố giác, báo chí phản ánh thì mới biết được?", ông An băn khoăn.

Từ đó, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị cần phải có cuộc "tổng rà soát mạnh tay" để làm sạch hệ thống đào tạo VĐV, hướng tới nền thể thao phát triển đúng với các chỉ tiêu đặt ra.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng phải có hệ thống các quy định công khai, rành mạch về tiêu chí, định mức, tiền thưởng; có sự đầu tư thích đáng nhằm hướng tới thể thao thành tích cao.

"Đã khen thưởng phải rõ ràng, phải xứng đáng để HLV yên tâm công tác, VĐV cũng thấy xứng đáng với thành tích đạt được. Để họ không còn phải lo nghĩ tới chuyện khác, chỉ chuyên tâm vào chuyên môn thôi.  

Đây là câu chuyện phải cẩn trọng, phải có những cuộc đại phẫu thuật mới có nền thể thao phát triển đúng như mong muốn của nhân dân và cử tri. Cá nhân tôi và người dân rất mong muốn những điều đó", đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói.

Sự việc đang được làm rõ

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cho biết các đơn vị liên quan đang làm rõ có hay không những tiêu cực xảy ra trong chuyện thu tiền thưởng huy chương, thu tiền quỹ trái quy định giữa HLV với VĐV?

"Chúng tôi phải xem lỗi ở đâu, là sai phạm của cá nhân HLV hay của tập thể Ban huấn luyện, là sai phạm xảy ra ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội hay còn ở cả đội tuyển quốc gia? Mọi việc đang được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ", ông Việt nói.

Ông Việt nói, mỗi VĐV của thể thao thành tích cao phải mất ít nhất 10 năm tập luyện, như VĐV Phạm Như Phương phải gần 14 năm tập luyện, phải nỗ lực, hi sinh rất nhiều. Quy trình đào tạo VĐV thể thao thành tích cao phải có sự tham gia của rất nhiều HLV, của đội ngũ làm công tác chuyên môn để có thể gặt hái được thành tích.

Trước mắt, Cục Thể dục thể thao đã chỉ đạo cho dừng công tác huấn luyện viên đội tuyển TDDC quốc gia với HLV N.H.T. và HLV N.T.D. - hai HLV để xảy ra việc quên báo cáo việc VĐV Phạm Như Phương đi Mỹ.

"Còn chuyện tiêu cực về thu phí tiền thưởng của HLV, chúng tôi đang yêu cầu báo cáo giải trình chi tiết hơn để có hướng xử lý", ông Việt cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm