HLV bớt xén tiền thưởng và tiền ăn, Bộ trưởng khẳng định "không dung túng"
(Dân trí) - Với những tiêu cực trong thể thao được dư luận phản ánh, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng cho biết thông tin, cung cấp cho cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm.
Sự việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng và khẩu phần ăn được đưa ra nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chiều 5/6.
Dẫn lại tiêu cực này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng sự việc đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao thành tích cao trong mắt công chúng và xấu đi hình ảnh thầy trò tình nghĩa.
Theo nữ đại biểu, đây là mặt trái của thể thao thành tích cao và cũng phơi bày chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, công tác quản lý chưa hiệu quả. Bà đề nghị Tư lệnh ngành Văn hóa nêu giải pháp căn cơ cho việc này.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là 2 sự việc cá biệt. Ông nhắc lại vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình và vấn đề tiền thưởng của đội thể dục dụng cụ.
Ông Hùng cho biết khi phát hiện đã kiên quyết xử lý và làm nghiêm theo quy định, với tinh thần không có ngoại lệ.
"Chúng tôi cũng thông tin, cung cấp cho cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm", ông Hùng khẳng định không bao che, dung túng cho vi phạm. Theo ông, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.
"Báo cáo thật" trước Quốc hội, Tư lệnh ngành Văn hóa thừa nhận "việc này chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết".
Bộ trưởng Văn hóa nói thêm, ban đầu, khi đội tuyển thành lập quỹ với mục đích tốt đẹp để góp tiền thăm hỏi nhau khi ốm đau để chi cho cưới hỏi, ma chay, hiếu hỷ, dù theo quy định là trái phép, nhưng nếu quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực. Song thực tế, do có tình trạng lạm dụng nên đã xuất hiện tiêu cực và Bộ Văn hóa đã cho rà soát tình trạng này.
Giải pháp đầu tiên Bộ trưởng Hùng nhắc đến là yêu cầu bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó có từng điều khoản từ tập luyện đến công tác quản lý.
Hai là tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm. Lâu nay chỉ kiểm tra chất lượng đào tạo chứ ít kiểm tra về chế độ chính sách, theo ông Hùng.
Giải pháp thứ ba, theo ông Hùng, cần công khai, minh bạch ngay từ đầu, thông báo các em được bao nhiêu tiền ăn, tiền thưởng để các em biết và quản lý, nghiêm cấm lập quỹ dù có mục đích tốt đẹp.
Trước đó, đại biểu Trần Quang Minh (Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình) phản ánh đa số vận động viên đều chung nỗi lo "làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu", bởi thời gian thi đấu đỉnh cao ngắn. Sau giải nghệ, chỉ số ít chuyển sang làm công tác huấn luyện, nhiều vận động viên phải từ bỏ đam mê thể thao.
Dù Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về học nghề cho vận động viên thành tích cao, song theo đại biểu, để hưởng cơ hội này, vận động viên phải may mắn, vì không ít người bị chấn thương không được hưởng ưu đãi. Ông Minh đề nghị Bộ trưởng thông tin về giải pháp đảm bảo tương lai cho vận động viên sau giải nghệ, đặc biệt là người gặp chấn thương.
Giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thể thao.
Ông cho biết Chính phủ đã ban hành 8 chính sách, bao gồm 7 chính sách Trung ương và 1 chính sách ở địa phương, để hỗ trợ vận động viên, ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu.
"Các chính sách đã được triển khai và được áp dụng toàn quốc, qua đó góp phần động viên đội ngũ vận động viên đạt thành tích cao", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận việc tìm giải pháp việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Các khó khăn nổi lên là do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu đỉnh cao, nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên.
Về lâu dài, ông Hùng cho rằng không phải tất cả vận động viên đều được trở về để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận, để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.
"Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ phối hợp với bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể tác động hệ thống chính sách vừa qua, từ đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho vận động viên để tập trung, yên tâm thi đấu, sau đó được phát triển ngành nghề theo đúng sở trường của mình", ông Hùng cho biết.
Phương án đề xuất, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bao gồm các chính sách về tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhất là chính sách về nhà ở, đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.