1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ án oan 10 năm tù: “Nếu ép cung, phải xử lý hình sự”

(Dân trí) - “Oan sai khiến anh Chấn phải ở tù 10 năm, nguyên nhân chính là do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả sơ thẩm, phúc tẩm đều hết sức chủ quan, chỉ tin vào chứng cứ thu thập, không tin lời khai của bị can, bị cáo...”.

Sáng ngày 6/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan vụ án oan 10 năm xảy ra đối với công dân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Ông Chấn đã thụ án tù chung thân về tội giết người được 10 năm, nhưng sau đó cơ quan điều tra xác định nghi phạm là người khác.
Vụ án oan 10 năm tù: “Nếu ép cung phải xử lý hình sự”
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với báo chí (Ảnh: Việt Hưng)

Ông nhìn nhận thế nào việc người ngồi tù 10 năm - Nguyễn Thanh Chấn cho biết, mình đã bị ép cung nên buộc phải nhận tội?

Ông Chấn khai như thế thì cơ quan điều tra của VKSND tối cao sẽ làm rõ vấn đề này. Cái sai đã rõ rồi, còn nếu có đủ căn cứ khẳng định có tình trạng ép cung, mớm cung thì phải xử lý hình sự những người làm sai.

Thực ra, để chống bức cung, nhục hình, có nhiều cách nhưng cơ bản luật hiện hành cũng đã đã xác định rõ nguyên tắc, không được mớm cung, ép cung, nhục hình nếu làm sai, cán bộ vi phạm phải xử lý. Theo tôi những trọng án như này, đúng ra phải có luật sư tham gia từ đầu để bảo vệ cho bị can, bị cáo bởi có thể một cá nhân chưa đủ điều kiện để minh oan cho mình nhưng có người khác trợ giúp thì sẽ tốt hơn.

Trong thực tế hoạt động tố tụng khá phổ biến trường hợp tại cơ quan điều tra, bị can, bị cáo khai nhận tội nhưng ra trước tòa họ đều phản cung cho rằng mình bị ép cung, gây áp lực mới làm vậy. Nhưng sau cùng tòa vẫn xử theo hồ sơ vụ án. Không mấy lời kêu oan có cơ may được xem xét trong cơ chế xét xử kiểu "án tại hồ sơ"?

Chứng cứ hết sức quan trọng nên phải căn cứ vào những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra. Nếu chứng cứ đó khách quan thì có thể các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý khách quan thì tránh được oan sai. Còn nếu chủ quan, có sự phối hợp không tốt hoặc quan hệ giữa các cơ quan tố tụng lại quá gần gũi, dễ thỏa hiệp, mất tính kiểm soát lẫn nhau thì có thể dẫn đến oan sai.

Thưa ông, vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn cho thấy thực tế, có án oan sai nhưng khó có cơ hội được phát hiện, khắc phục. Nếu không có những tình tiết hi hữu như vụ của ông Chấn (bố là liệt sĩ nên được miễn án tử hình, hung thủ thực sự ra đầu thú sau 10 năm) thì chắc chắn vụ án khó có cửa gỡ. Ông bình luận thế nào về việc này?

Tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới oan sai do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả sơ thẩm, phúc thẩm đều hết sức chủ quan phiến diện, chỉ tin vào chứng cứ thu thập mà không tin vào lời khai của bị can, bị cáo chứng minh người ta ngoại phạm.

Án oan sai, cụ thể trong trường hợp của ông Chấn, phải xử lý tổ chức, cá nhân để một người vô tội ngồi tù 10 năm thế nào, thưa ông?

Theo tôi, trước hết, cơ quan tố tụng sau cùng (tòa án - PV) phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho công dân. Trong luật đã xác định rõ cơ quan nào tiến hành tố tụng giai đoạn cuối thì phải thay mặt chịu trách nhiệm. Trong quá trình phải điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân vì sao sai, sai bắt đầu từ đâu và ai là người trực tiếp làm sai. Nếu oan sai do cố ý thì phải xử lý về mặt hình sự.

Nhiều người cho rằng vụ ông Chấn phải xử Giám đốc thẩm chứ không phải Tái thẩm như quyết định kháng nghị, ông nghĩ sao?

Theo tôi Tái thẩm mới đúng vì đây là tình tiết mới. Trình tự tái thẩm phải điều tra, xác minh nghĩa là minh oan. Còn Giám đốc thẩm là hủy án để xét xử lại.
 
Quan điểm của cá nhân ông, có thể đánh giá vụ án này chỉ là trường hợp cá biệt không?
 
Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra cho nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng tối đa trong những sự việc tương tự. Tuy nhiên, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng cũng không đồng nghĩa theo kiểu "Bộ binh, bộ hộ, bộ hình/ Ba bộ đồng tình con tôi chết ngay", nếu thế thì rất gay. Điều đó có nghĩa phối hợp nhưng phải làm rõ chức năng từng ngành, phối hợp chặt chẽ đến mức gần gũi nhau quá, dễ bỏ qua cho nhau, dễ dẫn đến sai phạm.
 
Xin cảm ơn ông!

Quang Phong

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm