Vì sao Bộ GTVT bỏ quy định phạt xe không chính chủ?
(Dân trí) - Lần thứ 6 công bố Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ GTVT vẫn rút quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Lý do nào khiến Bộ này kiên quyết bảo lưu quan điểm?
Theo Ban soạn thảo Nghị định, dự kiến cuối tháng 7 này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Tuy nhiên, Bộ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - đơn vị chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi cho biết, hiện vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (xe không chính chủ) và Dự thảo Nghị định đang thể hiện theo luồng ý kiến không xử phạt xe không chính chủ.
Lý giải cho việc Dự thảo lần 6 của Nghị định 71 sửa đổi thể hiện theo luồng ý kiến không quy định xử phạt hành vi xe không chính chủ, đại diện Bộ GTVT cho biết có nhiều lý do.
“Hiện nay, quy định hiện hành về đăng ký xe chưa xác định rõ trách nhiệm chuyển quyền sở hữu thuộc trách nhiệm của ai (người cho, người tặng hay người được cho, được tặng; người bán hay người mua) nên khó xác định đối tượng bị xử phạt và là kẽ hở nảy sinh lạm dụng trong việc thi hành công vụ”. - Bộ GTVT cho hay.
Theo Bộ GTVT, qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP cho thấy, việc xác định đối tượng vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện để xử phạt là rất khó khăn. Và trong thời gian qua, việc lực lượng chức năng của một số địa phương đã xác định vi phạm bằng cách dừng xe để kiểm tra đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên đường là chưa phù hợp, gây bức xúc, không đồng thuận với đại đa số ý kiến của nhân dân dẫn đến không khả thi khi thực hiện.
Được biết, đồng thuận với với luồng ý kiến đề nghị không quy định xử phạt xe không chính chủ có 10 Bộ và cơ quan ngang Bộ là: Bộ GTVT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc. 16 địa phương (Phú Yên, Bắc Kạn, Quảng Trị, An Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang, Thái Bình, Quảng Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Kon Tum, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Lai Châu) và 5 tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Luồng ý kiến khác là đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi xe không chính chủ trong dự thảo Nghị định, đồng thời giảm mức phạt và có lộ trình thực hiện đối với trường hợp đã chuyển nhượng phương tiện qua nhiều người.
Lí do là vì Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì xe cơ giới phải đăng ký, gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế thì phải làm thủ tục sang tên, thay đổi đăng ký xe. Như vậy, mọi hành vi vi phạm quy định này đều phải bị xử lý. Ngoài ra, các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước đây và Nghị định 71 /2012/NĐ-CP đều có quy định xử phạt hành vi xe không chính chủ.
Đại tá Trần Sơn Hà - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt khẳng định, việc xử phạt xe không chính chủ rất quan trọng và cần thiết đối với các trường hợp như trộm cắp, buôn bán ma túy, tai nạn giao thông chết người…
Với luồng ý kiến này, đồng thuận có 3 Bộ là Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; có 21 địa phương biểu quyết cho việc xử phạt là Đà Nẵng, Bến Tre, Thái Nguyên, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Giang, Điện Biên, Trà Vinh, Hải Phòng, Sơn La, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Lào Cai, Hà Tĩnh, Cà Mau, Tuyên Quang, Bắc Giang và Tiền Giang.
Như vậy, nếu Ban soạn thảo Nghị định này không thống nhất được ý kiến đưa quy định xử phạt hay không xử phạt xe không chính chủ thì theo quy trình sẽ phải báo cáo Chính phủ để lấy ý kiến biểu quyết.
Quỳnh Anh