Nỗi niềm chiếc Xe trong mắt "những người thích Phạt"

(Dân trí) - Sai thì phê, đúng thì ủng hộ. Dư luận cuối tuần lại xôn xao, sôi nổi bàn về các góc khuất đằng sau những người (dường như chỉ) thích Phạt, nhất là phạt Xe. Trong khi ngành GTVT chắc đã nghe được tiếng nói của dân để rút quy định phạt xe “không chính chủ”…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thừa quy định Phạt...

 

Cung cấp thêm những minh chức thực tế cho sự bảo lưu ý kiến rất phù hợp lòng dân này của Bộ GTVT, nhiều bạn đọc tiếp tục mổ xẻ việc lạm dụng xử phạt ở VN lâu nay mà dân thấy vẫn nhiều tiêu cực hơn là mang ý nghĩa tích cực lẽ ra phải có của động thái PHẠT.

 

“PHẠT là do vi phạm luật giao thông gây nguy hiểm cho xã hội, chứ không phải phạt để cho đủ ‘định mức’ 50tr/tháng. Như vậy xã hội mới tốt đẹp. Chiếu theo điều này, tôi thấy xe ‘chính chủ’ hay ‘không chính chủ’ hoàn toàn không liên quan đến việc áp dụng Luật Giao thông. Nếu người điều khiển xe vi phạm luật giao thông thì việc xem xe có ‘chính chủ’ hay không là quyền của Công an và lĩnh vực này lại thuộc luật dân sự hay hình sự. Vậy bỏ phạt xe ‘không chính’ chủ trong giao thông là đúng” - Tình: qchi.05@gmail.com

 

“PHẠT ư? Tôi thấy VN ta lạm dụng việc phạt quá mà lại không có cơ chế chính sách rõ ràng để dân ta dễ dàng thực hiện quyền sở hữu và nghĩa vụ của công dân. Khi mua tài sản có giá rất rất nhiều tỷ thì nhẹ hều, còn mua bán chiếc ô tô có khi mấy chục triệu thì sao nhiêu khê vậy? Thời buổi công nghệ, quản lý ô tô đâu khó....chỉ cần enter một cái là rõ về một 'con' xe... Tiền dự án này nọ thì đầu tư vào xây dựng phần mềm quản lý xe dễ ợt, sao không bàn nhỉ mà chỉ bàn rặt chuyện phạt... Hãy học cách các nước khác làm tốt như Mỹ mà làm” - Ai ren:  Wohenairen@gmail.com

 

“Đất nước ta vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển, dân ta còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ đói nghèo vẫn cao...  Việc mua bán, trao đổi phương tiện giao thông là một thực tế từ xưa tới nay, có mấy ai hiểu được là tới bây giờ phương tiện tham gia giao thông phải ‘chính chủ’ thì mới không phạm luật? Vậy nên theo quan điểm của tôi, phạt như vậy là bất hợp lý. Xe có đăng ký của cơ quan hải quan nhà nước thì đã là hợp pháp rồi. Vấn đề là người điều khiển phương tiện có đủ điều kiện để tham gia giao thông hay không mà thôi” - Thanh Bình:  thanhbinh27985@gmail.com

 

“Lý do của các đơn vị đòi phạt xe ‘không chính chủ’ nghe có lý ít hơn bên đề nghị bỏ, trong khi đa phần người dân đều muốn bỏ. Theo tôi, nên có lộ trình bắt đầu từ thời gian này, chẳng hạn từ 1/8 các xe mua bán phải sang tên. Dần dần các xe cũ sẽ bị hư hỏng, bỏ dần và tự nhiên  khi đó có phạt xe ‘không chính chủ’ cũng không ai phản đối nữa” – Ong Hoang: khoivietvn@yahoo.com

 

“Tôi nghĩ rằng luật thì đúng nhưng thi hành thì… dở ẹc, chỉ tạo thêm cơ hội cho mấy anh giao thông kiếm tiền nhiều hơn thôi. Nếu nói về quản lý phương tiện (tai nạn, buôn lậu hay gì gì đó) thì ở phường hay xã thu tiền phí đường bộ để làm gì mà không quản lý được? Như vậy có phải là luật chồng lên luật không?” – nick Toi la toi:  Toilatoi123456@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

... Thiếu lộ trình

 

Để giải bài toán PHẠT hay KHÔNG PHẠT giữa chính các cơ quan chức năng, dư luận tiếp tục soi rọi vào những góc khuất của vấn đề để từ đó giúp lý giải tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” của cả hai phía “muốn bỏ” và “muốn giữ”:  

 

“Phải làm sao để xe CÓ CHỦ chứ không phải ‘chính chủ’. Tức là mỗi xe cần có một chủ chịu trách nhiệm đứng tên và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó. Như vậy đương nhiên sẽ giải quyết triệt để được bài toán (không hề khó) này” - Cao Minh:  drcaominh@gmail.com

 

“Có nhà mới được nhập hộ khẩu, có hộ khẩu mới được đứng tên chủ sở hữu nhà, xe. Mọi quy định của các cấp, các ngành ví như tranh cãi quả trứng và con gà thủa hồng hoang… Mau mau cải cách mọi thủ tục hành chính cho dân nhờ!” - Nguyễn Huệ:  huednguyentb@gmail.com

 

“Tôi thấy có lẽ phía CA đang cố lý giải cho cái cớ của mình để giữ (và cả tạo thêm) nguồn thu nhập cho ngành mình. Cứ cho là PHẠT đi, vậy Bộ CA có cho người dân sang tên xe một cách thật sự dễ dàng không? Có miễn sang tên không phải mua cái biển số quá đắt không? Bên Thuế có miễn phí cho việc chuyển đổi đó hay không?... Tất cả mà cùng tạo điều kiện thực sự cho người nghèo thì họ sẽ làm ngay thôi và sẽ chấp nhận. Nhưng thử hỏi bao nhiêu tài sản của chính các vị đã có tên chính chủ chưa?...” -  Ong Đo:  ongdo@gmail.com

 

“Theo tôi, chỉ cần quy định mức chi phí sang tên hợp lý và thủ tục nhanh gọn, không gây phiền hà (điều này ở VN hiện nay là… không tưởng đó nghe), thì ai cũng muốn sở hữu xe của riêng mình, nên sẽ sang tên ngay thôi, không phải ép buộc đâu. Chẳng qua  bây giờ người dân phải… tránh vì nhiều lý do: kinh tế tốn kém, thủ tục quá rườm rà khiến dân mất quá nhiều thời gian, lại thường bị làm khó dễ nữa… Do vậy ai cũng ngại khi phải đi làm thủ tục với các cơ quan vẫn… hành là chính. Mong các vị có tâm với đất nước nên nghĩ tới việc cải cách bộ máy hành chính trước khi đưa người dân vào khuôn khổ” - Le Giang:  yfatuf@gmail.com

 

Để PHẠT mang ý nghĩa tích cực thay vì quá nhiều tiêu cực vẫn kiểu VN như thế này, nút thắt chính của vấn đề có lẽ nằm ở lộ trình hợp lý mà Vương Hữu Nghĩa vuonghnghia@yahoo.com cùng nhiều người khác đã chỉ rõ:

 

“…Cũng cần phạt xe không chính chủ để có thể phạt nguội những hành vi vi phạm Luật Giao thông. Tuy nhiên, để làm được việc đó cần có lộ trình. Mọi công dân có CMND đều có thể đăng ký phương tiện giao thông ở bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước, chứ không phải bắt buộc về nơi đăng ký thường trú như hiện nay. Bên cạnh đó giảm thuế trước bạ sang tên đổi chủ. Được như vậy tôi chắc không ai phàn nàn chuyện phạt xe chính chủ nữa đâu”.
 
Dư luận cho rằng bài toán đâu có nan giải, vấn đề là những người thích PHẠT không muốn thấy đáp án lời giải... theo kiểu dễ mà cứ muốn theo kiểu khó thôi.

 

Khánh Tùng