Về quê Bác trẩy hội đền Vua Mai
(Dân trí) - Trẩy hội đầu năm, nhiều du khách chọn điểm đến là vùng đất Thánh Nam Đàn quê Bác. Ngoài khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn dự kiến sẽ đón trên 2 vạn người tới dự lễ hội kỷ niệm 1.287 năm ngày khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722 - 2009).
Đền thờ Vua Mai tại Thị Trấn Nam Đàn.
Cụm di tích Mai Hắc Đế tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) có đền thờ ở thị trấn Nam Đàn, khu lăng mộ thuộc xã Vân Diên và mộ thân mẫu ở xã Nam Thái. Đền thờ được xây dựng ở chính nơi xưa kia là trung tâm đại bản doanh của nghĩa quân vua Mai, đồng thời cũng là kinh đô của Mai triều thuở ấy. Từ đền Vua Mai, theo chân con đê nhỏ hoặc du thuyền dọc bờ tả ngạn sông Lam khoảng 1 km về phía Tây, du khách sẽ đến với khu mộ Vua Mai nằm giữa một thung lũng dưới chân núi Đụn Sơn, dãy núi có tiếng là "địa linh" xưa nay.
Đền thờ và lăng mộ Vua Mai tại chân Rú Đụn xã Vân Diên - Nam Đàn.
Hàng năm, tại đền thờ và các di tích Mai Hắc Đế có nhiều kỳ lễ trọng: Hội đền rằm tháng giêng, lễ giỗ vua Mai 16/9, lễ giỗ Mai Mậu 4/7, giỗ Mai Hoàng Hậu 15/7 (âm lịch)… Riêng lễ hội đền Vua Mai vào rằm tháng giêng hàng năm là lễ hội được tổ chức quy mô và long trọng nhất, sẽ diễn ra trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch.
Vật tự do - trò chơi truyền thống hàng năm của người Nam Đàn trước và sau dịp lễ hội. (Ảnh Bùi Dũng)
Lễ hội đền Vua Mai mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với các hoạt động như rước kiệu, đua thuyền, đấu cờ người, chọi gà, đu tiên, vật tự do, hát tuồng, xen lẫn các hoạt động văn hóa, thể thao của tuổi trẻ như thi làm cỗ xôi gà, cắm trại, ca múa hát, du thuyền, thi người đẹp Sông Lam…
Năm nay, Nghệ An có nhiều sự kiện lớn như Lễ hội làng sen kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 40năm Bác Hồ gửi thư cho đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trước khi đi xa (21/7/1969 - 21/7/2009); Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn (29/6/1899 - 29/6/2009). Việc tổ chức lễ hội đền Vua Mai năm nay là điểm nhấn quan trọng để mở đầu cho mùa hoạt động lễ hội tại Nam Đàn năm 2009. |
Quốc Cường