Lên ATK xem hội Lồng tồng
(Dân trí) - Vượt 50 cây số đường bụi bặm và ngoằn ngoèo, chúng tôi đặt chân tới huyện Định Hoá - tỉnh Thái Nguyên khi dòng người đã nườm nượp trên đèo De, đổ về nơi tổ chức lễ hội Lồng tồng.
Hiếm có lễ hội truyền thống nào thu hút nhiều dân tộc cùng tham gia như hội Lồng tồng. Sáng mồng 10 tháng Giêng, có chừng trăm người lặng im phăng phắc đứng xung quanh sân vận động xã Phú Đình (Định Hoá, Thái Nguyên) là nơi tổ chức lễ hội Lồng tồng để nghe tiếng hát Sli vang lên qua đôi loa thùng hiện đại đặt hai bên góc sân khấu.
Nói về Lồng tồng, nhà văn Ma Trường Nguyên người dân tộc Tày từng viết: Người Kinh dưới xuôi có lễ Tịch điền đầu năm, vua xuống cày ruộng cầu cho mùa màng bội thu, đời sống sung túc. Và Lồng tồng đối với bà con dân tộc vùng cao cũng mang ý nghĩa đó. Lồng tồng hay Lồng tổng theo tiếng Tày - Nùng và Lồng tộng theo tiếng Dao đều mang nghĩa là "xuống đồng".
Đó là ngày hội của mọi nhà, vì nhà nhà đều tham gia làm lễ, mỗi nhà có một mâm cúng riêng. Trên mâm cúng có gà trống luộc, có thịt lợn nạc, có cặp mon hua (loại bánh như bánh trưng), xôi ngũ sắc và trứng gà luộc. Xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, trên mỗi đĩa xôi lại có một con chim én mang theo biểu tượng của mùa xuân làm bằng giấy đỏ đậu vào.
Chú chim giấy đó để gửi gắm ước mơ về sự no ấm, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành. Vào buổi sáng diễn ra hội Lồng tồng, các gia đình cùng nhau đội mâm cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản. Mâm trên cùng trang trọng nhất là mâm cúng của thầy mo già, người được cộng đồng kính trọng nhất và cũng là người chủ trì lễ hội.
Tùy từng vùng đất định cư của đồng bào Tày - Nùng mà Lồng tồng mang những nét riêng. Anh Trần Bắc Dũng cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: “Dẫu rằng nơi nào có đồng bào Tày - Nùng sinh sống thì nơi đó có Lồng tồng nhưng có lẽ chỉ riêng ở ATK Định Hóa tồn tại sân khấu múa rối Tày của bản Thẩm Dộc. Năm nay tôi dẫn bạn bè từ Hà Nội lên đây nhưng tiếc quá, rối Tày lại vắng bóng, cũng không thấy BTC ở đây giải thích tại sao (?)”.
Thuận theo thời gian, nếp vui hội Lồng tồng so với ít năm trở lại đây đã mang nét khác. Đời sống ngày càng sung túc hơn nên người xuống hội đã mang cái dáng đủng đỉnh mà thôi không còn cập rập. Gia đình anh chị Ma Khánh Toàn ở thôn Nà Muồi xã Phú Đình vui vẻ tâm sự: Mấy năm được mùa, vợ chồng đã sắm được xe máy nên chả vội, cấy mạ xong cả nhà cùng lên xe xuống vui hội là vừa!
Phúc Hưng