1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tung lực lượng y tế ra bến xe để ngăn dịch tiêu chảy cấp

Bộ Y tế chủ trương bố trí lực lượng để quan sát phát hiện người tiêu chảy cấp tại bến xe, bến tàu... Hiện dịch tiêu chảy cấp đã có mặt ở 69 huyện thuộc 13 tỉnh, với gần 1.400 người nhập viện.

Hôm nay, Cục Y tế dự phòng có công văn gửi các trung tâm y tế dự phòng tỉnh và trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế về việc ngăn lây dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có biện pháp giám sát các cửa khẩu, bến xe, bến tàu nhằm phát hiện sớm các ca tiêu chảy.

 

Việc giám sát này, theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, là tổ chức lực lượng để quan sát, nếu phát hiện người có dấu hiệu tiêu chảy cấp thì thuyết phục họ ngừng di chuyển và đến bệnh viện. Tuy nhiên, việc có làm theo khuyến cáo này hay không còn tùy thuộc vào ý muốn của hành khách, vì hiện nay không có quy định nào cho phép cấm đi lại hay cưỡng chế điều trị đối với bệnh nhân tiêu chảy.

 

Theo bác sĩ Bùi Văn Tuân, phụ trách về y tế của Bộ Giao thông Vận tải, việc giám sát tiêu chảy trên các phương tiện giao thông hiện nay chỉ thực hiện được với tàu hỏa và máy bay, bao gồm kiểm tra thức ăn, giúp đỡ hành khách bị bệnh nếu phát hiện được.

 

Trên phần lớn các đoàn tàu hiện nay, hành khách khi đi ngoài sẽ xả phân thẳng xuống đường ray. Ông Tuân cho biết hiện ngành đường sắt chỉ có thể khử khuẩn trên tàu chứ chưa đủ sức xử lý môi trường ở dọc đường ray.

 

Các chuyên gia y tế cũng thừa nhận, việc phát hiện người có bệnh tiêu chảy tại bến xe, sân ga bằng cách quan sát cũng không đơn giản. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó phòng Kiểm dịch y tế, Cục Y tế dự phòng, việc đặt các bàn giám sát ở các địa điểm trên chủ yếu để người bệnh chủ động tìm đến khi họ có nhu cầu được giúp đỡ.

 

Cả ông Nga và ông Hiển đều thừa nhận rằng, biện pháp giám sát kể trên chỉ mang tính thông tin, tuyên truyền là chính, chứ không mấy hiệu quả trong việc giám sát nguồn lây và ngăn mầm bệnh lan ra các tỉnh.

 

Để làm được việc này, hiện chỉ có thể dựa vào hệ thống y tế dự phòng. Khi ngành y tế phát hiện một ca tả trong cộng đồng, bệnh nhân và những người liên quan có nguy cơ cao (như cùng ăn thực phẩm nghi là thủ phạm, có tiếp xúc với chất thải) sẽ được lập danh sách theo dõi. Khi người đó di chuyển, y tế nơi đến sẽ nhận được tin để “đón đầu” nhằm giám sát môi trường và đưa bệnh nhân đi cách ly điều trị.

 

Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo, biện pháp ngăn dịch tiêu chảy cấp tốt nhất hiện nay vẫn là giữ an toàn thực phẩm, mỗi người tự bảo vệ mình bằng cách ăn chín, uống sôi, giữ tay sạch sẽ, đồng thời kiểm soát chặt hơn thức ăn đường phố. Bộ Y tế chủ trương phát găng tay dùng một lần miễn phí cho các quán ăn. Trong ngày hôm nay, Sở Y tế Hà Nội đã mua 90.000 đôi và đang cấp cho các phường.

 

Tại Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế, ông Phạm Lê Tuấn, cho biết từ hôm qua, Sở đã bắt đầu đợt kiểm tra nhà hàng quán ăn ở tất cả các quận, huyện, những điểm nào không đạt đủ 10 tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố sẽ bị đóng cửa và xử lý hành chính. Với các gánh hàng rong, ông Tuấn cũng khẳng định sẽ kiểm tra theo 10 tiêu chí trên và cấm bán nếu không đạt.

 

Theo Hải Hà - Minh Thùy

VnExpress

Dòng sự kiện: DIch tieu chay cap