Bộ trưởng Bộ Y tế:

“8/11 địa phương phát dịch có vi khuẩn tả”

(Dân trí) - “Vi khuẩn tả đang có ở 8/11 địa phương phát dịch. Ngành y tế đang khẩn cấp khoanh vùng dịch, cách ly các bệnh nhân”. Đó là thông báo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chiều 4/11 trước báo giới.

48 tiếng sau khi phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, Bộ Y tế đã cho ban hành phác đồ điều trị bệnh tả. Xin Bộ trưởng giải thích động thái này?

 

Có 40 loại vi khuẩn gây tiêu chảy và với những loại bình thường chỉ cần uống thuốc đơn giản nhưng có loại cần phác đồ và kháng sinh đặc trị.

 

Trong đợt dịch tiêu chảy cấp lần này có khoảng 15% bệnh nhân dương tính với  khuẩn tả. Tuy nhiên, không phải tất cả vi khuẩn tả đều gây bệnh mà chỉ có ở nhóm 01.

 

Các nhà chuyên môn đang nuôi cấy để xác định chính xác nhóm vi khuẩn ác tính. Theo đánh giá ban đầu, vi khuẩn đã biến thể mạnh, phải dùng kháng sinh thế hệ mới.

 

Nguyên nhân sự xuất hiện khuẩn tả là do đâu thưa ông?

 

Theo tôi, lũ lụt xảy ra ở nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa phát triển, là môi trường cho nhiều loại dịch bệnh lây lan.

 

Nhưng trên thực tế hiện nay, số địa phương có sự xuất hiện khuẩn tả chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng chứ không phải những vùng bị lũ lụt vừa qua?

 

Vi khuẩn tả có thể sống nhiều năm ở dạng nhuyễn thể (nghêu, sò...). Khi lưu chuyển giữa các vùng, gặp điều kiện thích hợp vi khuẩn này sẽ trỗi dậy. Chúng tôi đang tìm những ổ bệnh lớn, ví dụ nguồn sản xuất mắm tôm để phong tỏa.

 

Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư và có lưu lượng người ra vào rất lớn. Trong khi đó, đây là địa bàn tập trung số người mắc dịch lớn nhất. Bộ Y tế dùng biện pháp đặc biệt nào để dập dịch?

 

Chúng tôi đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Y tế điều trị miễn phí cho tất cả mọi đối tượng bị tiêu chảy cấp. Cụ thể, tại các Bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội, cơ số thuốc và giường bệnh đã được bố trí với số lượng lớn.

 

Với những bệnh nhân có xét nghiệm dương tính, việc điều trị sẽ kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Phân của họ sẽ được xử lý bằng cloramin B. Xung quanh nhà bệnh nhân tiêu chảy cấp cũng sẽ được phun cloramin B.

 

Tại nhà bệnh nhân ở Thanh Trì (Hà Nội), sau khi phát hiện tại ao và nước cống có vi khuẩn gây bệnh chúng tôi đã phải dùng 7 tạ cloramin để xử lý. Với người nhà, hoặc người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ phải uống thuốc phòng bệnh.

 

Ở Hải Dương chúng tôi cũng vừa xác định trong số 33 người tiêu chảy cấp có 14 người dương tính. Các trường hợp dương tính sau khi điều trị, nếu xét nghiệm, 3 lần tiếp theo âm tính mới được xuất viện.

 

Theo Bộ Y tế, 80% bệnh nhân tiêu chảy cấp hiện nay có liên quan đến việc sử dụng mắm tôm. Những hộ kinh doanh, hộ gia đình đang trữ mắm tôm phải xử lý thế nào?

 

Nếu người dân đem vứt lọ mắm tôm ra thùng rác thì chỉ khiến mầm bệnh lan truyền nhanh ra môi trường. Chúng tôi đã có hướng dẫn, nếu mắm tôm vẫn còn niêm phong trong túi thì hãy niêm phong để nguyên. Còn nếu định vứt đi thì người dân phải thả viên cloramin B vào lọ mắm trong một thời gian.

 

Theo ông, bao lâu nữa sẽ khống chế được dịch bệnh?

 

Nguyên nhân gây dịch là do thực phẩm. Tại Hà Nội, do đã áp dụng mạnh các biện pháp phòng bệnh nên số người vào viện đang có xu hướng giảm. Nếu các địa phương khác cũng làm cương quyết như Hà Nội, tôi tin có thể sớm khống chế dịch.

 

Khác với các loại dịch khác, chưa tìm ra thuốc để chữa, dịch bệnh tiêu chảy cấp có thuốc chữa và xác định nguyên nhân chính là do ăn uống nên có thể ngăn chặn bằng cách ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh sạch. Những người có biểu hiện tiêu chảy cần được đưa ngay đến trạm y tế để được xét nghiệm và điều trị.

 

Cảm ơn Bộ trưởng!

 

M. Cường- P. Thanh(ghi)