Nguồn nước nhiễm khuẩn - Nguy cơ đại dịch đến gần!
(Dân trí) - “Hai yếu tố dễ dẫn đến đại dịch đó là nhiễm khuẩn nguồn nước và tập trung ăn uống nơi đông người. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nhiễm khuẩn nguồn nước sinh hoạt”, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết.
Đã hơn 10 ngày qua kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên bị tiêu chảy cấp, tình hình dịch bệnh ngày càng gay go. Ông có thể cho biết lý do?
Chúng ta không thể ngờ một loại dịch bệnh chỉ thường xuyên xảy ra ở những nơi lạc hậu thì lại xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội. Điều đó cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ở đây đang rất báo động. Trong khi đó, người dân còn quá thờ ơ, chủ quan với sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đặc biệt là những người dân có thói quen ăn uống tại các quán ăn ngoài đường phố, hàng gánh rong, ăn các món sống, không ăn chín uống sôi...
Một vấn đề nữa chính là nguồn nước. Chúng tôi đang lo ngại về nguy cơ nhiễm khuẩn nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt, tại những nơi việc cung cấp nước còn nhỏ lẻ. Đối với nước máy, nước mưa còn có thể tin cậy, nhưng đối với nước giếng, ao, hồ thì rất dễ là những nơi mà mầm bệnh có thể tồn đọng, phát tán, lây nhiễm nhanh.
Bằng chứng người đầu tiên mắc bệnh là một nam giới 73 tuổi ở Hà Nội, bị tiêu chảy cấp sau khi ăn thịt chó (bệnh nhân cho biết không ăn mắm tôm). Người nhà bệnh nhân đã đổ dịch nôn ra ao cá gần nhà. Xét nghiệm thấy ao cá cũng có vi khuẩn, cơ quan y tế đã phải xử lý tiệt trùng cả một ao cá 8.000m2.
Vậy thì chúng ta cần phải khử khuẩn, xử lý tiệt trùng trong tất cả các nguồn nước sinh hoạt hiện nay?
Những nơi nào có dịch, chúng tôi đều phát ngay cloramin B cho người dân. Tuy nhiên, nếu chỗ nào cũng phát kể cả dịch hay không dịch thì chúng ta không có đủ để cung cấp. Ngoài ra tại Hà Nội, chúng tôi đã yêu cầu các nhà máy nước tăng cường clo để bảo đảm lượng clo cuối đường ống vẫn còn 0,3 đến 0,5mcg/lít để bảo đảm tiệt trùng.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm sao đến được với mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ và tự chủ động phòng vệ cho mình. Đặc biệt là nắm rõ những khuyến cáo của ngành y tế đối với dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm này như ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng.
Điều khiến xã hội lo ngại nhất hiện nay là vấn đề kiểm soát các trường hợp đã mắc dịch. Trường hợp một học sinh 11 tuổi có xét nghiệm dương tính vẫn đi học bình thường cho thấy chúng ta đang không kiểm soát hết được những người đã mắc dịch?
Đúng là không thể kiểm soát được những trường hợp đã mắc dịch nhưng vẫn sống trong cộng đồng. Ngay cả mắm tôm, nghi phạm số 1 của dịch bệnh, đã chuyển về Hà Nội hàng ngày với khối lượng là bao nhiêu và có bao nhiêu người đã ăn mắm tôm đó cũng không thể biết được. Cho nên dự báo sẽ có những ca tiếp tục và thực tế đã cho thấy các ca nhập viện tiếp tục tăng lên.
Cho đến nay, chưa phát hiện trường hợp thứ phát (do lây từ người đã mắc bệnh) nên ngành y tế chủ động tập trung ngăn chặn nguồn thải ô nhiễm từ những trường hợp đã ăn mắm tôm nhiễm vi khuẩn. Các địa phương như ngoại thành Hà Nội, nơi nước máy chưa bảo đảm an toàn là những nơi có khả năng dễ phát tán dịch hơn.
Với người dân thì ngoài ăn chín, uống sôi cần phải lưu ý thêm điều gì không, thưa ông?
Đề phòng nguy cơ tử vong, người bệnh không nên tự điều trị bằng uống berberin hoặc kháng sinh hay bất cứ loại thuốc cầm tiêu chảy nào khác. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều người đã tự điều trị ở nhà bằng berberin nhưng không khỏi, thậm chí có thể gây tắc ruột dẫn đến vỡ ruột rất nguy hiểm.
Đối với bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, kháng sinh chỉ là biện pháp thứ phát, quan trọng nhất là bù nước do mất nước. Vì vậy, nếu phát hiện trong người có dấu hiệu tiêu chảy liên tục và mất nước cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, không tự điều trị tại nhà.
Lan Hương (ghi)