Gần 600 người nhập viện do tiêu chảy cấp
(Dân trí) - Có đến 15% bệnh nhân nhập viện cho kết quả dương tính với vi khuẩn tả và theo tiên lượng của các chuyên gia y tế, đợt dịch này sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và kéo dài.
Dịch đã lan ra 11 tỉnh, thành
Theo thống kê tổng hợp của Bộ Y tế, ngày 4/11 lại có thêm 148 ca nghi nhiễm tiêu chảy cấp nhập viện, nâng tổng số người bị nhiễm lên 581 người. Trong đó, số người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm (khuẩn phẩy tả) là 76. Hiện số tỉnh có có tên trong bản đồ dịch đã là 11 gồm: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hải Dương, Nghệ An. Trường hợp của Nghệ An là một sinh viên ăn mắm tôm ở Hà Nội sau đó về quê.
Theo báo cáo, hiện số người mắc tiêu chảy phải nhập viện vẫn tập trung đông nhất tại Hà Nội, với 359 người (tăng 51 người so với hôm trước). Hiện tại cả 14/14 quận huyện ở Hà Nội đều có người bị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên con số thống kê tại các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố tính đến chiều tối 4/9 lại khá chênh lệch.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Viện Các bệnh Truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết, tính đến thời điểm này đã có 286 ca nhập viện, trong đó bệnh nhân nặng chiếm trên 50%. Hiện tại mới chỉ có 4 trường hợp được ra viện. Tình trạng quá tải vẫn diễn ra rất căng thẳng.
Bệnh viện Đống Đa thời điểm này có trên 50 bệnh nhân đang nằm điều trị bệnh tiêu chảy, trong đó gần 20 ca được xác định dương tính. Còn tại Bệnh viện Xanh - pôn cũng đã tiếp nhận trên 60 ca bệnh nhân nhập viện.
Cục Quân y cho hay: tại Bệnh viện Quân y 103 đã tiếp nhận 12 bệnh nhân nhập viện thì cả 12 trường hợp đều có xét nghiệm dương tính. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn là do ăn uống.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn: số bệnh nhân phải nhập viện do tiêu chảy tiếp tục tăng từng giờ, tính đến thời điểm chiều tối 4/11, Viện đã tiếp nhận 85 bệnh nhân, trong đó có trên 30 trường hợp có kết quả dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm. Số lượng bệnh nhân đang nằm điều trị tại Viện vẫn tập trung đông chủ yếu ở 3 quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Thanh Trì. Biểu hiện chính của bệnh nhân tiêu chảy phải nhập viện vẫn là “miệng nôn, trôn tháo”, một số người đi ngoài kiểu “tháo cống” nên mất nước cực nhanh, dẫn đến mất điện giải và suy kiệt nhanh chóng.
Được biết, kể từ đầu đợt dịch cho đến nay, tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng đã có một số trường hợp trường hợp bị suy thận cấp, phải truyền tới 20 lít dịch/ngày!
Dịch lan tràn vẫn ăn mắm tôm!
Cũng theo BS Hải, bệnh nhân bị tiêu chảy nhập viện điều trị thường được cách ly hoàn toàn và không còn khả năng lây lan bệnh ra môi trường. Nhưng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là còn đến 50% số người đang mang mầm tiêu chảy cấp nguy hiểm nhưng không có biểu hiện bất thường nên vẫn sinh sống ngoài cộng đồng và tiếp tục thải nguồn bệnh ra môi trường.
“Chính vì vậy, vấn đề khử khuẩn môi trường nhiễm bệnh là rất quan trọng. Hiện nay, ở tất cả các bệnh viện đều có cán bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng túc trực. Sau khi tiếp nhận địa chỉ của bệnh nhân mắc tiêu chảy mới nhập viện, cán bộ này sẽ báo cho cán bộ y tế Dự phòng phụ trách khu vực đó đến nhà bệnh nhân làm công tác khử khuẩn môi trường và cho người nhà bệnh nhân uống thuốc dự phòng. Tuy nhiên, do địa bàn thành phố quá đông dân cư, nguồn lây lan bệnh dịch từ thức ăn trong khi ý thức phòng bệnh của nhiều người vẫn còn rất kém, nên việc lây lan dịch bệnh vẫn chưa thể khống chế. Cho đến thời điểm này vẫn có không ít người vì ăn mắm tôm mà phải nhập viện”, BS Hải nói.
Đáng lưu ý, trong lúc đang có dịch tiêu chảy đang lan tràn ở Hà Nội thì phần lớn các đại biểu Quốc hội vẫn ít ăn tại nhà khách hay khách sạn đã được sắp xếp mà chủ yếu đi ăn ngoài, thậm chí trong ngày nghỉ thì có đến 70 - 80% đại biểu đi ăn ngoài. Cá biệt có đoàn còn rủ nhau đi ăn mắm nêm, mắm cáy!
Đợt dịch sẽ kéo dài
Theo tiên lượng của BS Hải, đợt dịch này có thể kéo dài trong 10 ngày tới vào phải mất thêm 2-3 tuần nữa thì mới điều trị xong hết những bệnh nhân nằm viện. Nguyên nhân là do thời tiết trở lạnh, người dân dễ có tư tưởng chủ quan cho rằng thức ăn để ngoài trời lạnh ít bị ôi thiu. Trong khi đó, vi khuẩn tiêu chảy nguy hiểm có thể hoạt động bình thường trong môi trường mặn và lạnh (7oC - 8oC). Hiện nay Viện đã chuẩn bị sẵn một khoa dành để đón bệnh nhân mới nhập viện, trong trường hợp số lượng bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng, Viện sẽ lo thêm một khoa nữa. Hiện nay cơ số thuốc mà Viện đang có đủ chữa trị cho 500 bệnh nhân. Hôm 3/11, Viện mới “giải phóng” được 14 người sau 7 ngày điều trị với 2 lần xét nghiệm lại.
Bộ Y tế khuyến cáo: người dân thấy đau bụng, tiêu chảy cần phải đến ngay trạm y tế để được xét nghiệm và điều trị miễn phí, không nên tự mua những loại thuốc thông thường tự uống. Đã có trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm nhưng đã tự mua thuốc về uống trong nhiều ngày, đến khi nhập viện đã rơi vào tình trạng nguy kịch và rất khó khăn trong khâu điều trị.
Hiện nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ!
P. Thanh - L.Hương