1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Trưởng Ban điều hành “nặng tội” nhất vụ Đề án 112

(Dân trí) - Phiên tòa xét xử 23 bị cáo “rút ruột” Đề án 112 khai mạc sáng nay 13/1 tại TAND Hà Nội. Bị cáo chính Vũ Đình Thuần dáng vẻ mệt mỏi, nhưng tỏ ra rất bình tĩnh, luôn nhìn thẳng, không né tránh trước cả “dãy” ống kính phóng viên.

Trưởng Ban điều hành “nặng tội” nhất vụ Đề án 112 - 1
Đúng 8h30, HĐXX bắt đầu công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. (Ảnh: P.Thảo)
 
Trưởng Ban điều hành Đề án 112 Vũ Đình Thuần là bị cáo duy nhất mặc “đồng phục” trại tạm giam đứng trước vành móng ngựa. Trong số 23 bị cáo cũng chỉ có ông Thuần và cấp dưới Lương Cao Sơn đang bị tạm giam.
 
Ông Thuần dáng người nhỏ, quá nửa đầu tóc đã bạc trắng, gương mặt khắc khổ, già hơn rất nhiều so với ngày bị bắt. Tuy dáng vẻ mệt mỏi, bị cáo tỏ ra rất bình tĩnh, luôn nhìn thẳng, không né tránh trước cả “dãy” ống kính phóng viên.
 
Không nhiều thân nhân các cán bộ cốt cán “dính chàm” được tham gia phiên tòa, hầu hết đứng chờ đợi bên ngoài khuôn viên TAND thành phố. Không khí phiên xử khá căng ngay từ đầu.
 
Trưởng Ban điều hành “nặng tội” nhất vụ Đề án 112 - 2
Bị cáo Vũ Đình Thuần (Ảnh: P.Thảo)
 
Phần kiểm tra căn cước, lý lịch các bị cáo bắt đầu với nhóm cán bộ văn phòng Chính phủ, tham gia Ban điều hành Đề án 112 trước. “Bộ tam” Vũ Đức Thuần, Lương Cao Sơn, Nguyễn Cát Hồ dàn hàng đầu trên hàng ghế bị cáo.
 
Gần 20 luật sư tên tuổi trong Nam ngoài Bắc tham gia bảo vệ cho các bị cáo tại phiên tòa. Phút cuối cùng, 2 anh em Lương Cao Phi, Lương Cao Phong từ chối luật sư của mình vì đến lúc đó 2 người này vẫn chưa có mặt tại phòng xử.
 
2/3 nhân chứng, 13/18 người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan được tòa triệu tập cũng vắng mặt không có lý do. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng cùng kiến nghị tòa triệu tập giám định viên tài chính vì cho rằng chưa thể định tội với các bị cáo khi chưa xác định cụ thể phần thiệt hại của từng người gây ra trong vụ án.
 
Đại diện VKS thành phố phủ nhận ý kiến này, khẳng định cáo trạng đã nêu đầy đủ các con số. Vị này minh chứng một loạt số liệu như bị cáo Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn gây thiệt hại 4,6 tỷ đồng; Nguyễn Cát Hồ 1,3 tỷ đồng... Tuy nhiên, các luật sư cho rằng đó chỉ là những con số chung chung áp cho mỗi người, chưa chứng minh được do hành vi của các bị cáo gây ra.
 
Phần còn lại buổi làm việc sáng tòa dành cho đại diện VKS công bố bản cáo trạng dài hơn 30 trang truy tố các bị cáo...
 
Ông Vũ Đình Thuần bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 281-BLHS, theo đó người bị truy tố có thể bị phạt đến 15 năm tù.
 
Trưởng Ban điều hành Đề án 112 bị quy kết chịu trách nhiệm chính trong việc ký và thực hiện hơn 100 hợp đồng với các công ty, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước trong việc mua sắm phần mềm, in giáo trình tài liệu, đào tạo… trong quá trình triển khai đề án 112, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về Quy chế đấu thầu, gây thiệt hại 4,6 tỷ đồng.
 
“Tham mưu” cho những hợp đồng không lập kế hoạch đấu thầu, không chỉ đạo xây dựng hồ sơ thầu, tổ chức đấu thầu theo đúng quy định… và “lách luật” bằng cách cắt xẻ dự án thành nhiều hợp đồng nhỏ để tránh đấu thầu… là Phó GĐ trung tâm tin học văn phòng Chính phủ kiêm thư ký Ban điều hành đề án Lương Cao Sơn, tổ trưởng tổ Đào tạo Ban điều hành đề án Nguyễn Cát Hồ. Cả 2 cũng “dính” khoản 3 điều 281.
 
Trưởng Ban điều hành “nặng tội” nhất vụ Đề án 112 - 3
Bị cáo Vũ Đình Thuần và Lương Cao Sơn trao đổi trên ghế bị cáo. (Ảnh: P.Thảo)
 
17 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo các nhà xuất bản, các công ty, đối tác tham gia các hợp đồng khống giá, gian dối để hưởng lợi bị truy tố ở khoản 2 điều 281 với khung hình phạt tối đa lên tới 10 năm tù giam.
 
Nguyễn Thuý Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ tin học ISA, bị cáo buộc đóng vai trò đồng phạm giúp sức cho Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn, Nguyễn Cát Hồ, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 1,3 tỷ đồng.
 
Các bị cáo Hoàng Đăng Bảo, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Đức Giao, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Duy Hùng, Phạm Thị Tuyết Lan (nguyên cán bộ Nhà xuất bản Tư pháp); Trần Tấn Ngô, Nguyễn Thị Minh Thiệu, Ngô Thị Nhâm, Nguyễn Thị Phương Hoa, Lưu Ý Nhi, Vũ Thị Phương Liên (nguyên cán bộ Tổng Công ty Sách Việt Nam), Nguyễn Thị Thanh Hà, Đặng Thị Hiền, Đặng Quang Hưng (các nhà sách tư nhân), Chu Xuân Vinh (Công ty Toàn Cầu), Lê Trung Nghĩa (Công ty Nhất Vinh) “chung chi” khoản thiệt hại 2,8 tỷ đồng.
 
3 bị cáo khác, trong đó có 2 em trai của Lương Cao Sơn là Lương Cao Phi (cán bộ NXB Xây dựng, Bộ Xây dựng) và Lương Cao Phong (GĐ Trung tâm thẩm định và tư vấn thông tin, Công ty tin học xây dựng) bị kết tội “lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” (Điều 291-BLHS).
 
Cụ thể, Phi đã ký hợp đồng với Công ty in Khuyến học in ấn tài liệu chiếm hưởng 350 triệu đồng. Phong đã môi giới để Công ty tin học xây dựng ký với ban điều hành 15 hợp đồng kinh tế gồm đào tạo tin học và dịch vụ, trục lợi 113 triệu đồng.
 
Buổi chiều tòa sẽ bắt đầu phần xét hỏi, thẩm vấn.
 
Dân trí sẽ liên tục cập nhật diễn biến phiên xử kéo dài gần trọn 2 tuần…
 
P. Thảo
Dòng sự kiện: Xét xử vụ Đề án 112

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm