Lộ diện “đầu rắn” 112
(Dân trí) - Nhân viên “bắt nọn” lãnh đạo, đối tác “lật tẩy” những chiêu thức ăn tiền… là diễn biến không thiếu kịch tính trong phần xét hỏi về các nội dung “gian thầu”, gửi giá tại Ban điều hành Đề án 112. Cái tên Lương Cao Sơn nằm ở đầu gút các mối nối…
Công thức chia tiền “lại quả”
Phó GĐ trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ kiêm Ủy viên thư ký Ban điều hành đề án Lương Cao Sơn phủ nhận cáo buộc đã thỏa thuận “bán thầu” dự án cung cấp phần mềm cho GĐ Công ty tin học ISA Nguyễn Thúy Hà để nhận tiền hoa hồng. Sơn cũng quả quyết không gợi ý chia nhỏ dự án để tránh đấu thầu.
Khoản tiền 360 triệu đồng nhận từ bà Hà, Sơn lý giải là tiền quà tết, tiền hãng IBM, Microsoft trích lại cho Công ty ISA cho nhân viên đi thăm quan nhưng đối tác không dùng đến nên “phân phát để lấy lòng”. Sơn chuyển “sếp” Vũ Đình Thuần 200 triệu đồng, còn lại chia đôi với một đồng nghiệp.
Ủy viên Ban điều hành Đề án 112 Lương Cao Sơn
Vụ “bán” 28 hợp đồng in sách cho GĐ NXB Tư pháp Nguyễn Đức Giao, Ủy viên thư ký ban điều hành đề án cũng “phủi tay” dù chính ông Giao đã nhận tìm đến bị cáo đặt vấn đề. Sếp “trưởng” Vũ Đình Thuần cũng xác định, với vai trò tham mưu, hợp đồng, văn bản không có thư ký Sơn ký nháy ông Thuần sẽ không ký.
Sơn lập tức phủ nhận vai trò “bao sân” của mình. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vặn lại: “Nếu bị cáo không có chức năng trong những việc này, tại sao các công ty, đơn vị cứ tìm đến bị cáo để móc nối?”. “Tôi cũng không biết vì sao. Tôi không hẹn mà họ cứ tìm đến phòng gặp tôi” - nhân vật đầu mối của mọi giao dịch ấp úng.
Bị truy tiếp về khoản tiền lại quả của NXB Tư pháp, Lương Cao Sơn khai, một lần Chuyên viên Vụ cải cách hành chính Hoàng Đăng Bảo gọi hỏi cách chia tiền, Sơn “nhớ ra một công thức” chia khoản tiền làm 10 phần, 2 phần để làm quỹ, 3 phần chuyển sếp Thuần, còn lại Bảo - Sơn chia nhau.
Hoàng Đăng Bảo được hỏi để đối chứng. Bị cáo khai, công thức Sơn đưa là 20% trích quỹ, còn lại chia 6 phần, sếp Thuần 3, Sơn 2 và bị cáo 1. Tuy nhiên sau đó, Sơn cũng chỉ đưa lại cho Bảo 37,8 triệu đồng.
Trước đó, Bảo đã được ủy viên thư ký dặn khi sang NXB Tư pháp, có được đưa gì phải báo cáo lại. Chuyên viên này giải thích khoản tiền sở dĩ phải chuyển cho Sơn vì hợp đồng này đáng ra đã được giao cho công ty của em trai Sơn thì lại đẩy sang NXB Tư pháp.
Sếp trưởng Vũ Đình Thuần thì chỉ nhăm nhăm một điệp khúc “không biết, không nhận, không chỉ đạo” dù nhiều khoản tiền được chứng minh vẫn tự chảy vào túi sếp.
Lãnh đạo bảo không, nhân viên tố tiền “gửi giá”
GĐ NXB Tư pháp Nguyễn Đức Giao xác nhận ký được 28 hợp đồng xuất bản sách cho Ban điều hành Đề án 112. Tất cả các hợp đồng đều giống nhau, chỉ khác về số bản in, số trang cho từng cuốn sách. Tuy vậy, bị cáo phủ nhận đó là thao tác chia nhỏ dự án để lách đấu thầu.
Bị cáo thanh minh số tiền hơn 500 triệu đồng lại quả cho Ban điều hành đề án là tiền biên tập bản thảo và tiền phát hành phí do công đơn vị này tự phân phát tài liệu đã in sau khi nhận về.
Ông Giao phân trần: “Đáng lẽ phát hành phí “theo lệ” là 30%, tính ra việc trích phí cho Ban điều hành chỉ mất 15%, NXB còn được lợi. Chỉ có điều về thủ tục, vì nóng ruột, chúng tôi không chuyển tiền vào tài khoản đơn vị mà đưa trực tiếp, cũng gọi là “lấy lòng” đối tác”.
Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Nguyễn Đức Giao.
Về khoản tiền 667 triệu đồng nhận lại được từ các nhà in lãnh đạo NXB chia cho nhau thì ông Giao “tảng lờ”, khẳng định không biết.
Nhân viên của ông Giao - bị cáo Nguyễn Duy Hùng (phó phòng kế hoạch phát hành NXB) “tố” thẳng việc GĐ chỉ đạo gửi giá ở 7 xưởng in mà NXB Tư pháp “bán lại” hợp đồng. Ít nhất 3 nhà in (Công ty in Hữu Nghị, Công ty in Khuyến học, nhà in Giao thông) cũng có lời khai nhận yêu cầu gửi giá của ông Giao.
Đến lúc này, GĐ NXB Tư pháp mới ấp úng thừa nhận nhiều lần nhận tiền Hùng lấy từ các nhà in về, tổng cộng khoảng 20 triệu đồng. Các nhà in cũng “lễ tết” cho bị cáo thêm 10 triệu đồng. “Hùng đưa tiền trong một thời gian dài mà tôi cũng không ngờ tiền đó từ Đề án 112” - bị cáo vớt vát.
Nguyễn Duy Hùng cũng khai nhiều lần đưa tiền chia chác cho Phó GĐ Phạm Văn Tuấn cho phần công sức 17 lần ký báo giá cao gấp 2,3 lần giá trị thực tế cho các hợp đồng, tham gia hợp thức hóa chứng từ sổ sách, ghi lùi thời gian khi sự việc bị phát hiện. Tổng số tiền Hùng được chia khoảng 60 triệu đồng.
Nhân viên “tố” 2 sếp thẳng thừng bác bỏ lý lẽ biện minh không biết nguồn gốc khoản tiền của ông Giao, ông Tuấn: “Đầu tiên anh Giao dặn nói là tiền GĐ gửi mọi người nhưng sau tôi đều nói là các nhà in gửi từ tiền in ấn sách cho Đề án 112. Tôi nghĩ mọi người đều phải biết vì việc rất rõ ràng rồi”.
P. Thảo