1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tội nhân, nạn nhân trong cuộc “đổi vai”

(Dân trí) - Bị cáo cũng đóng vai trò “nạn nhân” trong “phút cáo chung” của đề án 112. Những người bị cáo buộc tội lỗi cũng không thiếu lẽ cho những quyết định bị kết “phạm pháp” của mình. Thiệt hại - lợi ích yêu cầu được đánh giá công tâm trong ngày xét xử thứ 3...

112 thành “con nợ” giữa tòa

 

Trả lời những câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, GĐ NXB Tư pháp Nguyễn Đức Giao cố ấn khoản tiền “lại quả” cho đối tác vì cho rằng đã ký các hợp đồng cung cấp sách, không phải hợp đồng in ấn nên đương nhiên có khoản tiền biên tập bản thảo, phát hành phí.

 

Đáp lại, nguyên Trưởng ban 112 Vũ Đình Thuần nói: “Hợp đồng ký rõ ràng là in ấn tài liệu, giáo trình. Tiền NXB tư pháp “chiết khấu” là thỏa thuận với cá nhân nào đó, tôi không hề biết, không chỉ đạo. Vì thế nói tiền đó chuyển cho Ban điều hành đề án là “vơ đũa”, tôi không đồng ý”.

 

Ông Thuần giữ giọng khá gay gắt bác bỏ lý giải của ông Giao về khoản tiền nhuận bút - bản thảo và phát hành phí: “Chúng tôi không cần nhuận bút vì đã có khoản dành từ trước thuê chuyên gia cao cấp viết sách, giáo trình. Phát hành phí cũng không cần vì đề án cho phép khoản kinh phí chuyển phát nhanh qua bưu điện”.

 

Ông Giao quay qua “tố” việc Ban điều hành đề án 112 còn một khoản nợ 667 triệu đồng sau khi đơn vị hoàn thành các hợp đồng in ấn. Đại diện NXB tư pháp dự tòa với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan cũng lên tiếng đề nghị cho đơn vị được thu hồi khoản nợ sau khi kết thúc vụ án.
 
Tội nhân, nạn nhân trong cuộc “đổi vai”  - 1
GĐ Cty cổ phần tin học ISA Nguyễn Thúy Hà kêu oan về tội trạng bị cáo buộc.

 

GĐ Cty tin học Toàn Cầu Chu Xuân Vinh nối tiếp việc kê nợ. Theo bị cáo, Ban điều hành đề án 112 ký với công ty mình 24 hợp đồng cung cấp giải pháp xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu cho các ban ngành, địa phương. Các hợp đồng đến giờ đã hoàn thiện, chạy tốt, có giấy chứng nhận của địa phương. Ban điều hành hiện còn nợ Toàn Cầu hơn 2 tỷ đồng chưa quyết toán. Vinh đề nghị làm rõ, kết thúc vụ việc để Ban điều hành thanh toán nốt khoản nợ, “gỡ khó” cho công ty.

 

GĐ Cty cổ phần tin học ISA Nguyễn Thúy Hà thậm chí phát khóc trước vành móng ngựa vì món nợ đọng của doanh nghiệp “chết” theo đề án 112. Cung cấp 115 bộ phần mềm bản quyền của 2 hãng IBM và Microsoft cho dự án, đến giờ vẫn còn hơn 10 tỷ đồng ISA chưa được trả khi các sai phạm tại Ban điều hành đề án bị phát hiện, vỡ lở.

 

“6 năm đã qua, tôi phải đi vay lãi ngân hàng, lấy tiền túi trả lương cho 300 lập trình viên tham gia công việc. Khoản nợ quá nặng nề, công ty đứng trước nguy cơ phá sản mà 5-7 lần làm công văn đề nghị Bộ Tài chính giải quyết khoản nợ không được vì lý do Đề án đã... chết” - bị cáo nức nở.

 

Đại diện “con nợ” hậu 112 được gợi ý giải pháp quyết toán nợ cho các đối tác của Ban điều hành cũ. Đơn vị tiếp quản cơ đồ đổ vỡ của Đề án 112 - Bộ thông tin & truyền thông lúng túng xác nhận tuy các đối tác đã hoàn tất hợp đồng nhưng chưa xác định được giá trị quyết toán thì cũng không đủ căn cứ xác định số nợ. Đơn vị tiếp quản cũng bác bỏ khả năng lấy khoản tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả để chi trả cho những khoản nợ đọng để lại.

 

Lật lại thế cờ?

 

Nội dung tham gia xét hỏi của các luật sư trong ngày làm việc thứ 3 tập trung lật lại những cáo buộc tội trạng đối với các bị cáo.
 
Tội nhân, nạn nhân trong cuộc “đổi vai”  - 2
Nguyên Trưởng ban điều hành đề án 112 tỏ ra khá mệt mỏi trên ghế bị cáo.

 

Luật sư Đào Hữu Đăng tung ra nhiều câu hỏi “gợi mở” cho nguyên Trưởng ban điều hành đề án 112 Vũ Đình Thuần chứng minh có lý khi quyết định cho đấu thầu hạn chế dự án cung cấp phần mềm dùng chung cho đề án.

 

Theo ông Thuần, việc mua bán phần mềm với số lượng lớn, để có thể hạ được giá thành phải dựa vào những đại lý lớn của 2 hãng IBM, Microsoft. Chỉ một số đối tượng rất hạn chế đáp ứng được yêu cầu gói thầu ở thời điểm đó. Vì vậy, dù có tổ chức đấu thầu rộng rãi thì cũng chỉ số ít những Cty như ISA, FPT có thể tham gia.

 

Ông Thuần minh chứng tính hợp lý trong quyết định bằng dẫn chứng, năm 2004, Ban điều hành đề án trình Bộ tài chính xin dự toán ngân sách mua 115 bộ phần mềm này và đã được chấp nhận mức giá 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Ban điều hành chỉ chi hết hơn 9 tỷ cho dự án cung cấp sản phẩm của ISA. “Bộ tài chính cũng phải tham khảo giá thị trường để lên dự toán chứ không thể duyệt giá vu vơ được. Quyết định của chúng tôi đã làm lợi cho nhà nước” – ông Thuần quả quyết.

 

Về cáo buộc chia nhỏ dự án, hạ giá trị các gói thầu dưới 1 tỷ đồng để tránh quy chế đấu thầu, ông Thuần lần lượt chỉ ra thời gian thực hiện các việc đào tạo, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu... đều kéo dài trên dưới 3 năm, làm việc với nhiều địa phương có mặt bằng điều kiện lệch nhau nên không thể “tóm chung một gói”.

 

Nối tiếp vấn đề hợp đồng với ISA, luật sư Hoàng Xuân Quang “khai thác” bị cáo Nguyễn Thúy Hà. Bà GĐ ISA khẳng định, có 17 đơn vị cùng mua hồ sơ thầu với ISA khi đó, trong đó có 5 công ty bỏ thầu. Kết quả, 1 công ty rao giá thấp hơn ISA nhưng lại chưa tính phí mua bảo hiểm. “Như vậy chúng tôi bỏ giá tốt nhất, đương nhiên thắng thầu, việc gì phải bỏ tiền... chạy anh Sơn” - bị cáo đặt lại câu hỏi.

 

Phó GĐ trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cát Hồ, thành viên hội đồng chấm thầu sau đó cũng được hỏi đối chứng. Ông Hồ xác nhận, giá bỏ thầu của ISA khi đó còn thấp hơn rất nhiều so với phương án của công ty FPT - đại lý độc quyền của Microsoft - trước đó từng trúng thầu cung cấp dịch vụ tương tự cho Bộ tài chính.

 

Chủ tọa phiên tòa đã “tuýt còi” việc tham gia xét hỏi của các luật sư cuối giờ làm việc chiều và kết lại luôn phần thẩm vấn. Sáng thứ 2 tuần tới, tòa sẽ bước vào phần tranh luận với nội dung luận tội của đại diện VKS.

 

P.Thảo

Dòng sự kiện: Xét xử vụ Đề án 112